Đã có giải pháp "an cư" cho dân ở vùng xung yếu

02:08, 16/08/2010
.

(QNĐT)- Quảng Ngãi là địa phương nằm trong vùng chịu tác động rất lớn của thiên tai. Do đó, việc tìm giải pháp "an cư" lâu dài cho người dân sống ở những vùng xung yếu là một yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững của tỉnh từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo.

Để thực hiện yêu cầu cấp thiết trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, hải đảo, di cư tự do trên địa bàn 14 huyện, thành phố của tỉnh, giai đoạn 2010- 2015.
   
Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ hoàn thành cơ bản việc bố trí sắp xếp lại dân cư cho 10.831 hộ tại 518 khu, điểm tái định cư.
 
Khu dân cư An Hà 3, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) được bố trí dọc đường liên huyện thuận lợi cho việc phát triển các loại  hình dịch vụ.
Khu dân cư An Hà 3, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) được bố trí dọc đường liên huyện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình dịch vụ.

Thực hiện theo Chương trình 193 của Chính phủ có 9.015 hộ. Trong đó, di dân và sắp xếp ổn định tại chỗ cho 4.224 hộ sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, bao gồm: Vùng có nguy cơ sạt lở ven sông, suối: 2.152 hộ; sạt lở ven biển: 618 hộ; sạt lở, nứt núi: 1.300 hộ và vùng có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét: 154 hộ. Vùng ngập trũng, lũ lụt thường xuyên có 1.780 hộ và vùng đặc biệt khó khăn có 3.011 hộ. Tất cả những hộ dân trên được bố trí an cư tại 177 điểm tái định cư tập trung, 153 điểm di dân xen ghép và 89 điểm ổ định tại chỗ.

Tổng nhu cầu vốn cho chương trình này là trên 419 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm 78,5%, còn lại hỗ trợ di dời 21,5%. Dự kiến phân bổ trong năm 2010 gần 76 tỷ đồng.

Thực hiện theo Chương trình 33 của Chính phủ, trên 6 huyện miền núi của tỉnh có 1.816 hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư. Do đó, đến năm 2015 phải tổ chức định canh, định cư tập trung cho 1.338 hộ và định canh, định cư xen ghép cho 478 hộ. Tổng vốn đầu tư trên 185 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm 85,3%, còn lại hỗ trợ di dời chiếm 14,7%.

Về địa điểm bố trí khu tái định cư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế yêu cầu: Khu tái định cư phải theo đúng định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương và mang tính ổn định về mặt lâu dài, không có nguy cơ tái ảnh hưởng bởi thiên tai trong tương lai. Ưu tiên khai thác, sử dụng quỹ đất chưa sử dụng, đất sản xuất kém hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất việc lấy đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác của người dân để bố trí đất ở.
 
Công trình kè chống sạt lở bờ biển xã Đức Lợi (Mộ Đức)
Công trình kè chống sạt lở bờ biển xã Đức Lợi (Mộ Đức).

Trường hợp cần thiết phải thu hồi đất đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ của dân để bố trí đất ở phải được sự đồng ý, chấp thuận của người dân và phải có biện pháp đền bù, thu hồi đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Nguồn vốn thực hiện chương trình này từ nguồn Ngân sách Trung ương, vốn địa phương; vốn lồng ghép của các chương trình, dự án khác trên địa bàn; vốn đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và vốn trong dân đóng góp.
              
Bài, ảnh: Đức Nguyễn  

.