Chuyện dài tai nạn đường sắt

11:08, 23/08/2010
.
* Thanh Thảo

(QNĐT)- Những vụ tai nạn xảy ra trên đường sắt giữa tàu hoả và xe ô tô, người đi xe máy, xe thô sơ và cả người đi bộ ngày càng nhiều và với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng. Lý do chỉ vì sự vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt thể hiện qua những “đường ngang dân sinh” ngày càng nhiều và nghiêm trọng.

Ai cũng biết, đường sắt xuyên Việt của chúng ta dài khoảng 1700km đi qua rất nhiều địa phương, nhiều khu dân cư và cho tới nay việc giải toả để thực sự có một hành lang an toàn giao thông cho đường sắt là chưa thực hiện được.

Có rất nhiều “đường ngang dân sinh” mới được mở vô tội vạ và ở đó, ngành đường sắt không quản lý mà địa phương cũng không đoái hoài.

Tại những đường ngang ấy, không hề có rào chắn, biển báo, tín hiệu âm thanh để báo động khi tàu lửa qua, cây cối cảnh quan lại rậm rạp che khuất tầm nhìn, nghĩa là hội đủ mọi điều kiện để tai nạn xảy ra.
 
những đường ngang dân sinh như thế này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Ảnh: VNE
Những đường ngang dân sinh như thế này luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Ảnh: VNE

Và, đáng ngạc nhiên hơn, tất cả những tai nạn ấy xảy ra trước sự thờ ơ của các địa phương có đường giao cắt đường sắt, và trước sự bất lực khó lý giải của chính ngành đường sắt.

Đã tới lúc cần một sự tổng kết chính xác tất cả những “đường ngang dân sinh” cắt qua đường sắt từ Bắc vào Nam, đường nào đã đủ độ an toàn nhờ có rào chắn và báo hiệu, còn lại bao nhiêu đường chưa được xử lý để ngành đường sắt và các địa phương cùng có trách nhiệm xử lý rốt ráo.

Đây là việc phải làm, và làm đến tận cùng, vì tính mạng của nhân dân, chứ không thể bên này đổ cho bên kia rồi… thôi. Chắc chắn, trong việc này, Chính phủ phải đứng ra cầm chịch và bắt buộc những bên liên quan phải thực hiện bằng được những biện pháp an toàn cho hành lang đường sắt. Đó là việc không hề dễ làm, nhưng không thể không làm.

Chỉ với một con đường sắt có chiều rộng 1m mà chúng ta còn không quản lý được, để tai nạn xảy ra liên tục như vậy, thì thử hỏi, làm cách nào để chúng ta quản lý an toàn một “đường sắt cao tốc” trong tương lai? Khi những đường ngang qua đường sắt cứ mặc sức mở ra không một biện pháp an toàn tối thiểu nào, thì cũng đừng nại lý do ý thức tham gia giao thông còn kém cỏi của người dân để biện minh khi xảy ra tai nạn.

Những biện pháp an toàn, phòng ngừa bao giờ cũng phải có trước, được đặt ra trước khi yêu cầu hay kêu gọi ý thức người dân về bất cứ vấn đề gì. Huống chi đây là chuyện an toàn cho tính mạng con người.

Tàu lửa, dĩ nhiên không có lỗi gì cả trong những tai nạn kiểu này. Nhưng ngành đường sắt thì có lỗi. Và các địa phương có đường sắt chạy qua có lỗi nặng nhất vì đã không bảo đảm được an toàn cho người dân của mình.

Không thể chấp nhận chuyện trong hai tuần lễ mà hai tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra trên cùng địa bàn một xã (xã Tiên Tân-huyện Duy Tiên-tỉnh Hà Nam).

Nếu chính phủ không vào cuộc một cách tích cực, thì “chuyện dài nhiều tập” về tai nạn đường sắt chắc chắn không thể giải quyết./. 

.