Công trình xây dựng gần xong vẫn chưa có quyết định cấp đất?

02:05, 28/05/2010
.

(QNĐT) - Theo quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục về đất đai để bàn giao cho nhà thầu thi công. Thế nhưng, công trình Trường mầm non Tịnh Hà (Sơn Tịnh) thì lại làm ngược, công trình đến nay đã cơ bản xong nhưng vẫn chưa có quyết định cấp đất.

Công trình Trường mầm non Tịnh Hà được đầu tư bằng nguồn vốn kiên cố hoá trường học giai đoạn 2009- 2010, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng (chủ yếu là xây lắp). UBND huyện Sơn Tịnh làm chủ đầu tư. Đón nhận tin này nhiều bậc phụ huynh vô cùng phấn khởi. Bởi lẽ, giấc mơ có được một ngôi trường mầm non khang trang để con em học tập, vui chơi an toàn đã dần thành hiện thực.

Chính vì lẽ đó, năm 2009, ngay sau khi có quyết định phân khai vốn, chủ đầu tư và UBND xã Tịnh Hà đã chủ động làm các thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng công trình. Theo cơ chế sử dụng nguồn vốn kiên cố hoá trường học thì UBND xã Tịnh Hà chịu trách nhiệm chọn địa điểm xây dựng, làm các thủ tục trình cấp thẩm quyền thu hồi đất và giao đất; tổ chức đền bù, san ủi giải phóng mặt bằng để giao cho nhà thầu thi công.
 
    Công trình Trường mầm non Tịnh Hà xây dựng gần xong nhưng vẫn chưa có quyết định cấp đất
Công trình Trường mầm non Tịnh Hà xây dựng gần xong nhưng vẫn chưa có quyết định cấp đất.

Ông Đỗ Mẹo- Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà nói: "Chúng tôi thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình này nên đã bắt tay làm ngay khi có chủ trương, được đa số người dân trong vùng phải nhường đất ủng hộ. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án của huyện Sơn Tịnh và UBND xã phối hợp chưa đồng bộ nên dẫn đến công trình chậm có quyết định giao đất của UBND tỉnh. Mặt khác, đây là diện tích đất lúa nên trình tự thủ tục thu hồi đất cũng khó khăn hơn. Chúng tôi nhận một phần trách nhiệm về vấn đề này".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lúc đầu UBND xã Tịnh Hà giao cho một nhà thầu địa phương nhận làm các thủ tục đất đai của công trình. Nhưng sau đó nhà thầu này rút. Lúc này UBND xã phải làm lại từ đầu nên chậm là điều dễ hiểu.

Trong quá trình làm thì lại vướng vào việc chưa làm thủ tục xin Sở GT&VT cho phép đấu nối lối đi vào đường tỉnh lộ 623. Tổng diện tích mặt bằng công trình phải thu hồi, san ủi để bàn giao là 3.000m2.

Để giải ngân nguồn vốn được phân khai trong năm 2009, chủ đầu tư đã đồng ý để nhà thầu (C.ty TNHH Đức Phát ở Thọ Bắc, xã Tịnh Hà - được chủ đầu tư chỉ định thầu) triển khai thi công. "Vì lý do đó nên UBND xã đành phải chấp nhận vừa thi công vừa làm thủ tục đền bù cho dân và xin cấp đất. Đến nay công trình đã hoàn thành trên 70% khối lượng"- ông Đỗ Mẹo nói.

Trong khi đó, đến cuối tháng 5/2010 phương án đền bù cho dân vẫn chưa được UBND huyện Sơn Tịnh phê duyệt. Để người dân nằm trong vùng thu hồi đất đồng ý cho nhà thầu thi công, UBND xã đã xin mượn tiền của nhà thầu tạm ứng một phần cho dân. Tổng số tiền đã mượn khoảng 170 triệu đồng.

Ông Mẹo cho biết: "Sau khi phương án lần thứ nhất lập xong với tổng kinh phí dự kiến chi trả cho dân khoảng 200 triệu đồng trình UBND huyện xem xét quyết định thì phát sinh một số vấn đề mới cần phải điều chỉnh. Đó là, sự ra đời của Nghị định 69/2009/CP và một số diện tích còn lại của dân quá nhỏ, không thể tổ chức sản xuất được, cần phải thu hồi hết nên phải lập lại phương án mới, nâng tổng kinh phí phải chi trả đền bù trên 400 triệu đồng, hiện đang trình nhưng huyện vẫn chưa ký". Do đó, mặt bằng công trình này chưa hội đủ điều kiện để UBND tỉnh ra quyết định cấp đất.   

Đây là chuyện lạ trong đầu tư xây dựng cơ bản. Nếu không kịp thời chấn chỉnh thì sẽ trở thành tiền lệ gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
                       
Bài, ảnh: PV

.