Xóm Lân - nỗi niềm người đi kẻ ở

10:08, 09/08/2009
.
(QNĐT)- Thực hiện chủ trương di dời dân vùng sạt lở, các cơ quan chức năng đã tiến hành di dời và bố trí đất ở cho 139 hộ dân ở xóm Lân, xã Tịnh Long (Sơn Tịnh) tại khu tái định cư đồng Bến Sứ. Thế nhưng, ngày nọ qua ngày kia, các hộ dân đã di dời, cũng như các hộ chưa được di dời vẫn phải sống trong âu lo.

Nỗi lo của “người ở lại”

Để vào được xóm Lân, tôi tưởng chừng ‘nín thở” vì phải chạy qua chiếc cầu tre ọp ẹp đã bị hỏng nặng vì trải qua nhiều lần tháo dỡ, dài hơn 200m bắc ngang qua sông Trà Khúc. Có lẽ biết chúng tôi là khách lần đầu ghé chân, một phụ nữ trong xóm cho biết: May mắn cho cháu đến đây vào mùa này chứ mùa mưa tới không biết còn chiếc cầu để đi không nữa?

Con đường độc nhất vào xóm Lân là qua chiếc cầu tre này
Con đường độc nhất vào xóm Lân là qua chiếc cầu tre này.
Mới 3 giờ chiều mà không gian tối sầm vì cây cối um tùm. Phải chạy xe lòng vòng qua 500m đường đất bị phủ đầy lá tre, tôi mới tìm được một ngôi nhà có người ở. Sự điêu tàn ở nơi đây sẽ không có gì đáng nói, nếu không còn 30 hộ dân chưa được giải quyết cấp đất ở để di dời.

Anh Đỗ Đá - một người dân trong xóm cho biết: Trước đây, xóm Lân có hơn 160 hộ dân, giờ chỉ còn 30 hộ quanh năm suốt tháng sống trong lo sợ  vì “khoảng trống” mà các hộ đã di dời để lại rất lớn. Một số hộ dân dỡ nhà bỏ lại dây điện khắp nơi. Mới 7giờ tối, nhà ai nấy đóng cửa để tự bảo vệ mình, rồi suốt đêm mọi người thấp thỏm lo âu vì bọn trộm cắp thường xuyên “hoành hành”.
 
Một điều mà mọi nguời lo sợ nhất lúc này là mùa lũ tới xóm sẽ bị cô lập hoàn toàn, không còn người chèo đò qua sông, vì chỉ còn 30 hộ nên thu nhập của họ chẳng được bao nhiêu. Rồi mùa lũ đi qua, với lực lượng “mỏng manh” cũng chẳng đủ sức để làm lại chiếc cầu

Đi khắp nơi trong xóm, tôi còn phát hiện  gia súc, gia cầm ở đây hầu hết đều thả rông. Anh Nguyễn Văn Đạo chép miệng: Vài năm gần đây, gia đình tôi không xây mới thêm bất thứ gì. Nhà sắp sập nhưng chỉ chống chèo, huống chi là làm chuồng cho trâu, bò. Nếu được di dời qua khu mới thì phải bán chúng chứ lấy đất đâu mà làm chuồng?

Tiếp xúc với người dân trong xóm, tôi nhận ra trên mắt ai cũng chan chứa nỗi buồn. Họ suốt ngày sống trong cảnh lo âu và mơ về ba chữ “tái định cư”.

Người ra đi cũng chẳng kém phần 
Dự án được triển khai từ năm 2005, các hộ đã được cấp đất lần lượt di dời về nơi ở mới và hình thành khu tái định cư đồng Bến Sứ rất khang trang. Thế nhưng nếu không đi sâu vào bên trong, không ai có thể hiểu được nỗi lo của người dân là có thật.

Nhà cửa tại khu tái định cư đồng Bến Sứ rất khang trang nhưng không có nước sạch cho dân sử dụng.
 
Chị Cao Thị Thu Hà than thở: Khu tái định cư này trước đây là khu nghĩa địa. Hồi mới vào, chính quyền hứa sẽ nhanh chóng xây dựng công trình nước sạch, nhưng chờ mãi mà chẳng thấy. Hằng ngày, các hộ phải đi hơn 200m để chở nước về nấu ăn, còn tắm giặt đành phải dùng nước giếng khoan. Có người tắm xong bị ngứa khắp người.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Tịnh - Chủ tịch UBND xã Tịnh Long thừa nhận, thực trạng trên là có thật. Đây là vấn đề mà lãnh đạo xã đang lo lắng vì mùa mưa đang đến rất gần. Xã đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị lên cấp trên nhưng chưa có hồi âm.

Bà con mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ, cấp đất tái định cư và đầu tư các công trình hạ tầng để người dân sớm được an cư.

Bài, ảnh: Ái Kiều

.