Luật Giao thông đuờng bộ 2008: Một vài điểm mới cần lưu ý

02:07, 01/07/2009
.
Ngày 13/11/2008, Quốc hội đã thông qua Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Luật này có nhiều điểm, quy định rất mới so với Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội phê duyệt ngày 29/06/2001. Dưới đây là một số lưu ý đối với người tham gia giao thông khi Luật mới chính thức có hiệu lực từ ngày mai (01/07/2009).
 
 
Đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm:
Xe đạp điện được xếp vào loại xe thô sơ, nhưng để đảm bảo tính mạng của người tham gia giao thông, người sử dụng phương tiện có tốc độ cao này vẫn phải đội mũ bảo hiểm. Mục 2, Điều 31 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ: người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

Xe gắn máy và xe đạp máy được hiểu là loại xe thô sơ 2 bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 30 km/giờ và khi tắt máy thì đạp xe đi được, bao gồm cả xe đạp điện.
Đây cũng là điểm mới trong Luật Giao thông đường bộ 2008. Do đó, người điều khiển xe đạp điện cần lưu ý thực hiện đúng quy định, tránh vi phạm và bị xử phạt vì chưa nắm rõ Luật.

Đối với người uống bia, rượu tham gia giao thông
Nếu như Luật Giao thông đường bộ năm 2001 chỉ quy định chung là nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 40mg/l khí thở, hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có những quy định cụ thể hơn.

Tại mục 8, Điều 8 (Các hành vi bị nghiêm cấm) chỉ rõ: cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn; cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở. Nồng độ này thấp hơn mức mà Luật giao thông đường bộ năm 2001 quy định nhưng là mức 35 Quốc gia khác đang áp dụng.

Riêng đối với ma túy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tại mục 7, Điều 8 quy định: cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy. Điều này phải hiểu là người điều khiển phương tiện có thể không sử dụng ma túy trong khi tham gia giao thông nhưng trong người có chất ma túy cũng bị phạt.

Phải mang 4 loại giấy tờ khi tham gia giao thông
Mục 2, điều 58, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo 4 loại giấy tờ sau: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Như vậy, ngoài 3 loại giấy tờ cũ như quy định hiện hành, người tham gia giao thông còn phải mang theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi Luật mới được áp dụng. Đây cũng là điểm đáng lưu ý để người điều khiển phương tiện cơ giới chuẩn bị và mang theo đầy đủ giấy tờ, tránh được những lỗi vi phạm và bị xử phạt một cách đáng tiếc.

Quy định khi vào đường cao tốc và đường hầm
Đây cũng là những quy định rất mới của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, người đi bộ, đi xe thô sơ, xe gắn máy 2 bánh, xe mô tô và xe máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ không được đi vào đường cao tốc trừ người và phương tiện giao thông, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc (Mục 4, Điều 26).
Điều 27, Giao thông trong hầm đường bộ, còn chỉ rõ: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải bật đèn; xe thô sơ phải bật đèn hoặc có vật phát sáng báo hiệu.

Độ tuổi của lái xe, độ tuổi trẻ em được chở thêm.
Đối với quy định về người lái xe, luật mới nâng độ tuổi tối thiểu của người lái ôtô chở người 10-30 chỗ tăng từ 21 tuổi hiện nay lên 24 tuổi, lái ôtô trên 30 chỗ tăng từ 25 tuổi lên 27 tuổi.
Luật mới cũng bổ sung quy định cụ thể về độ tuổi của trẻ em được chở thêm trên mô tô, xe gắn máy và xe đạp (dưới 14 tuổi đối với mô tô và xe gắn máy; dưới 7 tuổi đối với xe đạp).

Người đi mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định này bị phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng (trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật); nếu chở quá 2 người mức phạt từ 100.000 - 200.000 đồng, nếu chở quá từ 3 người trở lên mức phạt từ 200.000 - 400.000 đồng. (theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ)
 
 

Trẻ em trên 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm
Bên cạnh Luật Giao thông đường bộ 2008, một dự thảo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ cũng đã được Bộ GTVT soạn thảo và áp dụng vào ngày 01/07/2009.  Theo dự thảo, người tham gia giao thông chở trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng.

Mức phạt 100.000-200.000 đồng cũng áp dụng cho người đi xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm, chở trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ. Đây là quy định mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm và nắm rõ, vừa để đảm bảo an toàn cho con cái mình, vừa không vi phạm Luật giao thông mới áp dụng.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bao gồm 8 chương với 89 điều. Trong số 89 điều, Luật chỉ có 03 điều của Luật năm 2001 được giữ nguyên (chiếm 3.37%); có 68 điều bổ sung, sửa đổi (chiếm 76.40%) và 18 điều mới (chiếm 20.23%). Ở đây, chúng tôi đưa ra một số điểm lưu ý với những quy định mới liên quan tới các đối tượng chính trong việc thực hiện và chấp hành Luật này.

Hy vọng rằng, Luật giao thông đường bộ năm 2008, khi áp dụng, sẽ được phổ biến để nhiều người biết đến. Từ đó, người tham gia giao thông có ý thức chấp hành đúng quy định, tránh những vi phạm và bị xử phạt chỉ vì không biết Luật và nắm rõ Luật.
Theo VNN

.