Thực hiện Nghị quyết 30a: Cơ hội giảm nghèo nhanh, bền vững ở miền núi

09:06, 24/06/2009
.
Từ năm 2006 - 2008, trung bình mỗi năm tỉnh ta giảm hơn 3,64% hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 21%.
 
Nhiều gia đình ở miền núi trong tỉnh rất cần được hỗ trợ để làm nhà kiên cố.
Nhiều gia đình ở miền núi trong tỉnh rất cần được hỗ trợ để làm nhà kiên cố.
Tuy nhiên kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ giàu nghèo giữa các vùng, miền còn chênh lệch lớn, đặc biệt ở 6 huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Chính vì vậy, Nghị quyết 30a của Chính phủ ra đời là động lực để người dân 6 huyện miền núi vươn lên.


Xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc.

Tuy nhiên ở những xã miền núi của tỉnh, do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đời sống của người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn; tỷ lệ dân số chưa được sử dụng nước sạch sinh hoạt vẫn còn cao; sản xuất nông nghiệp chậm phát triển, năng suất chỉ đạt trên dưới 30 tạ/ha, thu nhập bình quân rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50%, đặc biệt ở Tây Trà còn trên 80%. Để giúp người dân phát triển kinh tế, XĐGN, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách và dành nhiều nguồn lực để ưu tiên các vùng này phát triển, nhưng mức độ chuyển biến còn chậm, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn...

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do đất nông nghiệp ít, trình độ sản xuất lạc hậu, kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu. Các nguồn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư còn phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp; đội ngũ cán bộ cơ sở yếu, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó người dân còn ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, cán bộ thiếu năng động, không phát huy nội lực và nỗ lực vươn lên, nhiều người dân "không muốn" vươn lên để thoát nghèo...

Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp nên đời sống của người dân ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn.
Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp nên đời sống của người dân ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn.
Thiết nghĩ để Nghị quyết 30a thực sự đi vào cuộc sống, thì việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp cần kiên quyết hơn. Trong đó sự phối kết hợp của các thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp với các ban, ngành khác cần nhịp nhàng thì mới có thể giải quyết các vấn đề này đạt kết quả. Mặt khác cán bộ cấp xã cần tập trung đánh giá đúng tình trạng các hộ đói, nghèo ở xã mình; rà soát, thống kê danh sách các hộ thực sự thiếu đất sản xuất, nhà ở, nhà tạm bợ, hư hỏng, dột nát đảm bảo đúng đối tượng để việc hỗ trợ các chế độ chính sách theo chương trình của Chính phủ thực sự hiệu quả.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết TW (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt các địa phương cần coi trọng việc lồng ghép có hiệu quả các Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh với các Chương trình 134, 135... của Chính phủ. Đồng thời cũng cần xác định rõ mục tiêu giảm nghèo cụ thể đến năm 2010, 2015 và 2020 để phấn đấu giảm nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình chung của khu vực, giải quyết cơ bản vấn đề sản xuất, việc làm, thu nhập... để nâng cao đời sống của nhân dân.

Đến nay đa phần các địa phương đã xây dựng đề án và triển khai thực hiện. Để các địa phương triển khai đề án có hiệu quả, tỉnh đã ưu tiên ứng vốn từ các chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của tỉnh cho mỗi huyện 25 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã nghèo. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương đã lồng ghép và phối hợp với các chương trình, dự án khác để nguồn vốn đầu tư phát huy cao nhất...           
              Bài, ảnh: Bá Sơn

.