Tầm nhìn chiến lược

09:11, 01/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết 24 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể. Đến năm 2030, Đông Nam Bộ phát triển nhanh thành hệ thống đô thị thông minh và hiện đại; hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế phát triển, đứng đầu cả nước.
 
Thành phố Hồ Chí Minh phải là thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm với các thành phố lớn trong khu vực Châu Á.
 
 Khu vực trung tâm TP.Hồ Chí Minh.                                                           Ảnh: VNE
Khu vực trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: VNE
Đó là một tầm nhìn chiến lược và hoàn toàn có cơ sở để thực hiện thành công. Bởi ai cũng biết, khi công bố một tầm nhìn trước thời gian hiện tại tới 8 năm, thì đó là khoảng thời gian không quá gần nhưng cũng không quá xa. Nghĩa là nó có cơ sở để thành hiện thực, nhưng bắt buộc phải có những kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa nó một cách đồng bộ. Không dễ dàng nhưng không hề viển vông. Đó là mục tiêu phấn đấu không phải chỉ dành cho Đông Nam Bộ và TP.Hồ Chí Minh, mà còn cho cả nước. Những bứt phá để phát triển trong một quốc gia bao giờ cũng phải bắt đầu từ những điểm nhấn, những vùng đất mà những nhà lãnh đạo quốc gia nhìn thấy được khả năng bứt phá của nó, khả năng quốc gia có thể thực hiện sự bứt phá đó và khả năng những vùng đất khác của quốc gia có thể hỗ trợ tích cực để những bứt phá của vùng đất được chọn ấy thành công.
 
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... với phần lớn diện tích là đồng bằng, nửa bình nguyên. 
 
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết 24 -NQ/TW của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng của Đông Nam Bộ - vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tàu kinh tế của cả nước.
 
Hiện tại, vùng Đông Nam Bộ đã, đang và tiếp tục sẽ là một vùng công nghiệp, công nghệ cao, nơi có rất nhiều nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đã và sẽ đầu tư vào vùng đất này, đặt những trung tâm công nghiệp và công nghệ lớn. Cơ sở giao thông hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ trong những năm qua đã tốt dần lên, đã có cảng biển lớn, nhưng vẫn rất cần hoàn thiện hạ tầng giao thông hiện đại để đáp ứng nhập khẩu và xuất khẩu sản phẩm ở mức cao nhất, tốt nhất.
 
Khi Đông Nam Bộ trở thành một vùng kinh tế công nghiệp và công nghệ hiện đại, thì chắc chắn TP.Hồ Chí Minh phải trở thành một thành phố thông minh, hiện đại, nơi thu hút nhân tài, nơi những thành phần trung lưu và trí thức chất lượng cao sẽ tìm về làm việc, vì đó sẽ là nơi họ bằng tài năng và tri tuệ của mình, bằng sự cống hiến cụ thể của mình sẽ nhận về mức thu nhập cao xứng đáng với năng lực, tài năng và sự sáng tạo của họ. Không cần hô hào “trải thảm đỏ đón nhân tài” gì cả, chỉ cần có cơ sở, có điều kiện thực tế để nhân tài, nhất là nhân tài trẻ thể hiện mình một cách hiệu quả nhất, TP.Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng trở thành một thành phố lớn về trí tuệ, về công nghệ, về khả năng thu hút, liên kết với khu vực, với châu lục và thế giới. Khi đó, đồng bằng sông Cửu Long sẽ thành đặc khu kinh tế nông nghiệp với công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, cung ứng an ninh lương thực quốc nội và xuất khẩu nông sản ra thế giới.
 
THANH THẢO
 
 

.