Lắng đọng trong từng trang viết...

10:05, 02/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những trang giấy úa màu thời gian với dòng chữ viết vội nguệch ngoạc, nhưng đã chạm đến trái tim của nhiều người. Hồi ký của một đời người nhưng là hình ảnh ghi dấu ấn của một thế hệ "Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Đó là nhật ký chiến trường, trang thư, hồi ký của những chiến sĩ cách mạng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt...
 
Hạnh phúc ngày hòa bình
 
Trong lời nói đầu cuốn hồi ký của mình, Đại tá Nguyễn Duy Úy (93 tuổi), ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) đã viết: “Hồi ký này chỉ ghi lại những điểm chính qua quá trình hoạt động, hoàn toàn hiện thực không thể nào nhớ hết chiến công thầm lặng của mình, dẫu có qua đời không có gì ân hận. Bởi vì trách nhiệm của người công dân đã làm tròn sứ mệnh lịch sử...”. Là một trong những người con Quảng Ngãi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Úy chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc - ngày toàn thắng 30/4/1975. Ông trải qua những năm tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng. Ông đi bộ qua Lào, Campuchia với đoạn đường hơn 180 nghìn ki lô mét làm nhiệm vụ chiến đấu và giúp bạn. Hành trình đó được ông ghi lại trong cuốn hồi ký khi đã nghỉ hưu (năm 1989). 
 
Đại tá Nguyễn Duy Úy, ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), xúc động khi xem lại cuốn hồi ký.                                     Ảnh: T.THUẬN
Đại tá Nguyễn Duy Úy, ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), xúc động khi xem lại cuốn hồi ký. Ảnh: T.THUẬN
Ông Úy tên thật là Nguyễn Công Tứ, đi bộ đội năm 18 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và là lớp cán bộ đi B đầu tiên. “Cuối năm 1959, trước khi vào Nam, Bác Hồ đến thăm đơn vị và dặn dò phải giữ vững tinh thần, khí tiết của người chiến sĩ. Bác nói, đi B là nhiệm vụ rất khó khăn, không biết trước được thời gian, đích đến, chỉ chắc chắn rằng đó là nhiệm vụ vinh quang - giải phóng dân tộc, thống nhất non sông”, ông Úy nhớ lại.
 
Vào Nam, ông công tác tại Cục Chính trị Miền - B2 đóng tại Lộc Ninh (Sông Bé). Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ tháng 2/1975, ông Úy và đơn vị đã học tập, quán triệt đầy đủ nhiệm vụ.  “Mình tham gia chiến dịch từ hướng tây bắc xuống Gia Định, áp sát đánh vào sân bay cửa ngõ Sài Gòn, Gia Định. Khoảng 3 giờ sáng ngày 30/4, pháo kích bắt đầu tấn công dồn dập vào sân bay, tiếng nổ long trời đã phá nát hệ thống hàng rào bảo vệ sân bay của địch. 
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, sân bay đã bị tê liệt do những đợt tấn công của quân ta, địch hoàn toàn thất thủ, không chống cự nổi... Sau khi giải phóng hoàn toàn, nhiệm vụ của mình là vào tiếp quản Nha chiến tranh chính trị, chiếm Nha quân pháp, Nha an ninh quân đội. Toàn bộ hồ sơ, tài sản của địch còn nguyên vẹn, ta thu giữ bảo quản... Đất nước Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Nam - Bắc thống nhất một nhà. Đây là nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc và Bác Hồ kính yêu. Nhân dân ta hưởng tự do, độc lập, thành quả cách mạnh nói chung trọn vẹn. Kết thúc chiến tranh thắng lợi”(trích hồi ký).
 
Sau 6 tháng kể từ ngày giải phóng Sài Gòn, ông Úy mới được cấp trên cho nghỉ phép về thăm nhà, đã 21 năm ông chưa về nhà kể từ khi cô con gái chào đời được 18 ngày và ông chưa kịp đặt tên. “Biết tin được đi phép mừng quá, 3 đêm liền hoàn toàn không ngủ được. Đêm 5 canh thức trắng, cứ nằm trằn trọc, suy nghĩ miên man, không biết gia đình cha mẹ ai còn ai mất, vợ con ra sao? Xác định phương hướng giải quyết, nếu vợ đi lấy chồng thì thái độ đối xử thế nào? Đứa con đầu lòng đã khôn lớn trưởng thành ra sao” (trích hồi ký).
 
Chị Nguyễn Thị Minh Tuyết- con gái duy nhất của ông Úy kể về lần đầu gặp cha khi ở tuổi 21 và đã là cô giáo trường làng. “Trong làng, trong xã hầu như ai cũng biết nhau, mà ngày hôm đó lúc đi dạy về thấy một người đàn ông lạ, tự dưng trong lòng tôi hồi hộp khác thường. Nhìn một lúc lại thấy ông rất đỗi thân quen. Tôi cũng nghi nghi là ba mình về. Trong làng nhiều người vây lại hỏi han ông. Tôi cũng hỏi cô mình “ai vậy?”. Cô tôi trả lời “ba con chứ ai”. Thế là tôi ôm ông, hai cha con cùng khóc. Lúc ấy ba không tin mẹ vẫn chung thủy chờ đợi...”, chị Tuyết nhớ lại.
 
“Mang ba lô vào đến nhà, quang cảnh tiêu điều xơ xác, những kỷ niệm năm xưa không còn nữa. Mắt nhìn đăm đăm, nước mắt chợt rơi, không nói nên lời, vừa mừng vừa tủi. Bởi vì 21 năm trời nay con mới biết mặt ba. Vợ gặp chồng nửa mừng nửa lo, lòng tin luôn ngờ vực, chẳng biết mình đã có vợ con ngoài miền Bắc hay không? Qua tìm hiểu, càng khâm phục lòng chung thủy của vợ, bao năm sống cảnh cá chậu chim lồng, chịu đựng biết bao gian khổ hiểm nguy. Dự kiến của mình nắm chắc 100% vợ đã có chồng, bởi sống dưới chế độ Mỹ ngụy bị o ép cuộc đời thanh xuân tuổi còn con gái. Mình nói không có vợ miền Bắc, vợ không tin. Dĩ nhiên không ai tin nổi sự chịu đựng lớn lao của con người vì sự nghiệp cách mạng" (trích hồi ký).
 
Nhật ký của đời người
 
Hồi ký của Đại tá Nguyễn Duy Úy. Ảnh: T.THUẬN
Hồi ký của Đại tá Nguyễn Duy Úy. Ảnh: T.THUẬN
Ông Lê Văn Thọ (77 tuổi) ở thôn Thọ Đông, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) gìn giữ cẩn trọng những cuốn nhật ký đã theo ông đi khắp các chiến trường từ Quảng Ngãi, Quảng Đà đến những ngày trên đất Bắc. Ông Thọ quê xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), cha là du kích Ba Tơ. Năm 13 tuổi, ông tham gia đội du kích xã. Năm 1961, ông thoát ly gia đình đi bộ đội. “18/4/1961. Một đêm tháng Ba đồng ruộng khô, cây buồn/ Ruộng, rẫy, núi đều xong/ Nửa đêm có tiếng gõ cửa/ Chờ lệnh con đi đã sẵn sàng/ Ra sau vớ lấy ba bô muối/ Một tấm ka ky, lạng tỏi khô/ Ba lô mang nặng vượt đồng khô/ Muôn trùng sương đậm/ đường muôn dặm/ Vũng Trục đây rồi núi dốc ghê/ Lên đây cảnh vật quá lạ thường/ Núi cao rừng rậm tiếng suối reo/ Rau ranh ốc đá cơm gạo rẫy/ Hai bữa nghỉ rồi lại thân thương”(trích nhật ký).
 
Ông Thọ cùng đồng chí, đồng đội tiên phong trên nhiều trận chiến. Ông là Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Binh chủng trinh sát đặc công Quân khu 5. Hơn 10 năm ở đơn vị, ông trực tiếp tham gia chiến đấu, chuẩn bị chiến trường phục vụ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 mở 10 chiến dịch khắp các mặt trận Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong đó, có rất nhiều trận đánh diễn ra ác liệt mà ông đã ghi trong nhật ký: "Trận Vĩnh Tuy (chống càn 1962), trận Hóc Khoai (lộ hầm.1963), trận Thạch Nội (giành lúa 1963), trận Bình Giang (tức Bình Đông, đánh Mỹ đầu tiên 1965), trận Bình Sa (quần với xe tăng Mỹ trên bãi biển 1965), trận Bình Hòa (chống càn 1966), trận chi khu Bình Sơn tập kích (tháng 3/1966), trận chợ Các (vận động tấn công tháng 3/1966), trận Núi Một, An Hòa, Đồng Ké, Ba Gia (đánh đồn 1964)...”.
 
Đầu năm 1968, ông được đơn vị cử ra Hà Nội học ở Học viện Quân sự chính trị trung cao Hà Nội. Năm 1970, ông được điều về công tác tại Quảng Trị, nghẹn ngào trong giờ phút chia tay, anh em ở học viện đã viết vào nhật ký của ông những dòng lưu bút: “Anh Thọ nhớ thương! Giờ phút cuối cùng muốn tâm sự cùng anh. Ghi lại đôi dòng tình cảm trong khi xa cách. Tình anh em, tình đồng chí, tình Nam Bắc một nhà. Anh miền Nam. Em miền Bắc. Tuy chúng ta không sinh ra cùng quê hương nhưng chúng ta về chung sống dưới mái trường 1 năm tình cảm nhiều nói sao hết được. Hơn nữa, em vinh dự được lớn khôn, trưởng thành trên quê hương đất Quảng anh hùng, truyền thống Ba Tơ bất khuất, kiên cường, được sự đùm bọc yêu thương của bà con. Quảng Ngãi nói chung, Sơn Tịnh... nói riêng. Giờ phút cuối muốn nói nhiều cùng anh nhưng lòng cảm động nghẹn ngào. Chỉ biết chúc anh lên đường nhận nhiệm vụ mới vui, khỏe... nhiều thắng lợi. Chào anh. Quyết thắng. Ngày 24/6/1970. Vũ Bái. Địa chỉ: Cha Vũ Văn Bỉnh, thôn Đồng Lâm, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc”.
 
Xin được trở lại chiến trường
 
“Qua thời gian được Đảng và nhân dân đưa về an dưỡng học tập ở miền Bắc: Đứng trước nhiệm vụ lịch sử của dân tộc còn dài, tôi đã tự rèn luyện đến nay tự thấy đã đảm bảo trở lại chiến trường công tác được. Cái vinh dự cuối cùng của tôi là sớm trở lại chiến trường và sống, chiến đấu trên quê hương”. Đây là một trong những đoạn được trích từ Đơn xin trở lại chiến trường của Thượng sĩ, y tá trưởng phẫu D Huỳnh Ngọc Tấn gửi Ban Tổ chức Trung ương vào ngày 20/7/1971. Ông Tấn (bí danh Trọng Khải) sinh ngày 20/1/1946, quê xã Đức Phong (Mộ Đức). Ông tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường ở huyện Mộ Đức. Tháng 4/1970, ông được cử ra miền Bắc học tập và an dưỡng. Tuy trong thời gian chữa bệnh, nhưng trong lòng ông vẫn luôn nghĩ về quê hương miền Nam yêu dấu, muốn đem hết sức mình chiến đấu để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên đã viết đơn xin trở lại chiến trường.
 
T.THUẬN - LÝ HÀ
 
                                                                                                                                                      
 
 
 
 

.