Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ

07:01, 10/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Chỉ thị 20 của Ban Bí thư “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, từ năm 2018 đến nay, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã quan tâm thực hiện chỉ đạo thực hiện với nhiều hình thức phong phú. Hầu hết cấp ủy các cấp đều đưa việc triển khai thực hiện công tác lịch sử Đảng vào nghị quyết đại hội đảng bộ và chương trình toàn khóa để chỉ đạo thực hiện.
[links()]
Chú trọng biên soạn sách lịch sử đảng bộ địa phương
 
Cầm trên tay cuốn Lịch sử Đảng bộ phường, giai đoạn 1930 - 2015, Phó Bí thư Đảng ủy phường Trương Quang Trọng Nguyễn Văn Thành cho biết: Trong quá trình biên soạn lịch sử đảng bộ phường, chúng tôi phải sưu tầm, thu thập tài liệu gần một năm mới hoàn thành và chọn đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ phường, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Khi bắt tay vào làm, đảng ủy đã thành lập tiểu ban biên tập, tiểu ban sưu tầm tài liệu, tiến hành 3 lần hội thảo cấp phường và phát hành hơn 700 cuốn. Vì đây là công trình có ý nghĩa rất thiết thực trong việc giáo dục chính trị tư tưởng, cũng như giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nên chúng tôi rất tâm huyết, dành thời gian để hoàn thành đúng vào dịp đại hội để làm quà tặng đại biểu và đảng viên trên địa bàn. 
Việc phát hành sách lịch sử Đảng bộ phường sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi).
Việc phát hành sách lịch sử Đảng bộ phường sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi).
"Để phát huy giá trị sách lịch sử đảng bộ, trong chương trình hành động thực hiện nghị quyết, đảng bộ phường xác định việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống là việc làm thường xuyên của cấp ủy, của từng chi bộ, qua đó phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần cách mạng trong giai đoạn đổi mới hiện nay, tạo động lực để các tầng lớp nhân dân phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển", ông Thành nhấn mạnh.
 
Đến nay, TP.Quảng Ngãi đã có 22/23 xã, phường biên soạn và xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương. Hiện nay, còn xã Tịnh Long đã thẩm định, đề nghị cho chủ trương xuất bản. Các địa phường như Lê Hồng Phong, Trần Phú, Quảng Phú, Trần Hưng Đạo, xã Tịnh Ấn Tây, Tịnh Ấn Đông, Nghĩa Dõng... đã có sách lịch sử nên đang tổ chức chỉnh biên giai đoạn 1930 - 2005 và viết bổ sung giai đoạn 2005 - 2015.
 
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Quảng Ngãi Đặng Quang Bình, công tác biên soạn, tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể thành phố đã được Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và đạt kết quả. Hằng năm, thành phố đều bố trí kinh phí để các xã, phường tổ chức biên soạn, xuất bản các tập sách lịch sử đảng bộ. Các tập sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đã biên soạn, xuất bản đều đảm bảo tính Đảng, tính khách quan, khoa học, thống nhất chung với lịch sử đảng các cấp; đồng thời cũng đã thể hiện rõ những nét đặc thù, những nét riêng và truyền thống đấu tranh, phát triển của mỗi địa phương, đơn vị.
 
Giáo dục truyền thống yêu nước
 
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Quảng Ngãi Đặng Quang Bình đánh giá: Các công trình không chỉ khái quát lại những sự kiện lịch sử, những thành tựu đạt được, mà còn tổng kết, đánh giá thực tiễn và rút ra bài học kinh nghiệm để phục vụ công tác nghiên cứu, học tập và sự lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi đảng bộ, mỗi ngành. Các tập sách lịch sử đảng bộ địa phương góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý thức tự lực tự cường vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đấu tranh bảo vệ quê hương, xây dựng thành phố ổn định và ngày càng phát triển.
 
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các địa phương đã triển khai Chỉ thị 20 một cách đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả. Các huyện như Tư Nghĩa, Ba Tơ, Lý Sơn, TP.Quảng Ngãi và TX.Đức Phổ... đã đưa chỉ tiêu biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống vào nghị quyết đại hội đảng bộ và chương trình công tác năm, xem đây là tiêu chí để đánh giá thi đua, khen thưởng. Riêng huyện Bình Sơn đưa công tác biên soạn, xuất bản sách làm tiêu chí đánh giá, phân loại cuối năm đối với người đứng đầu cấp ủy. Điều này cho thấy, cấp ủy và người đứng đầu các cấp ủy đã nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng đối với công tác xây dựng Đảng.
 
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 125/172 xã, phường, thị trấn xuất bản sách lịch sử đảng bộ và 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành xuất bản, tái bản sách lịch sử đảng bộ cấp mình...
 
Bài, ảnh: THANH THUẬN
 
 
 

.