Công tác giảm nghèo ở miền núi:
Cần phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng

09:11, 18/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh ta sẽ tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vừa qua, các huyện miền núi đã chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng. 
[links()]
"Điểm sáng" Sơn Hà
 
Huyện Sơn Hà là địa phương tiêu biểu điển hình trong thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân. Không đơn giản để huyện vùng cao Sơn Hà  được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện thoát nghèo, mà đó là thành quả của một chặng đường dài vượt khó, quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu giảm nghèo bền vững của đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Hà. 
Mô hình trồng dưa lưới của người dân huyện Sơn Hà.    Ảnh: N.VIÊN
Mô hình trồng dưa lưới của người dân huyện Sơn Hà. Ảnh: N.VIÊN
Theo chia sẻ kinh nghiệm của Huyện ủy Sơn Hà, huyện đã triển khai đồng bộ nhóm giải pháp trong công tác giảm nghèo; trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hà đã kịp thời cụ thể hóa, ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả. Trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (2010 - 2015 và 2015 - 2020), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản; xây dựng Đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Sơn Hà, giai đoạn 2009 - 2020 để làm cơ sở triển khai thực hiện...
 
Nhiều bài học kinh nghiệm
 
Kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo ở huyện Sơn Hà là bài học giá trị không chỉ cho địa phương miền núi này, mà cho cả các huyện vùng cao trong tỉnh, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo "cú hích" phát triển đối với vùng miền núi.
 
Theo đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững. Đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững thành tiêu chí quan trọng trong phương hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách giảm nghèo của địa phương. Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nghèo, trợ giúp kịp thời những đối tượng gặp rủi ro.
 
Cùng với đó là, tăng cường kiểm tra, giám sát và đặc biệt coi trọng việc giám sát cộng đồng, đảm bảo các khoản hỗ trợ phải được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Phát huy vai trò, ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người dân, hỗ trợ có điều kiện tham gia đối ứng của người dân, hạn chế hỗ trợ hoàn toàn, để tránh sự trông chờ, ỷ lại và nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng các nguồn lực được hỗ trợ từ Nhà nước.
 
Tại huyện miền núi Ba Tơ, Đảng bộ huyện cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo đạt được kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ cũng đã thẳng thắn nhận định, công tác giảm nghèo bền vững của huyện vẫn còn những khó khăn, thách thức. Bởi vậy, trong thời gian tới huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững; tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thôn xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ nghèo để tư vấn, giúp đỡ, thuyết phục người dân nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo...
Nghiên cứu chính sách đặc thù
 
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, trong thời gian tới sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Nghiên cứu chính sách đặc thù thu hút đầu tư và ưu tiêu nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở vùng miền núi.
 
PHƯƠNG LÝ
 
 
 
 
 

.