Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 53 và các hội nghị liên quan:
Dấu ấn trong tiến trình phát triển

09:09, 14/09/2020
.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 9 đến 12-9 đã thành công tốt đẹp dưới sự điều phối của Việt Nam. Nỗ lực tổ chức một loạt hội nghị quan trọng giữa những khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19 gây ra, đã ghi dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng, phát triển Cộng đồng ASEAN hơn 600 triệu dân, đồng thời bám sát nội hàm chủ đề Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.
 
Trách nhiệm và bản lĩnh vượt khó
 
Việt Nam đang trải qua một nhiệm kỳ Chủ tịch đặc biệt nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN khi đại dịch Covid-19 đặt ra những thử thách nghiêm trọng đối với toàn thế giới. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh vượt khó, Việt Nam thực hiện tốt trọng trách dẫn dắt, kết nối các hoạt động của ASEAN. Ông Jonathan Berkshire Miller, Giám đốc Hội đồng chính sách quốc tế, chuyên gia cao cấp Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canada nhận định, đại dịch khiến Việt Nam phải chuyển đổi cách thức tổ chức hầu hết các cuộc đối thoại, các hội nghị, song nước chủ nhà vẫn tận dụng được cơ hội để trở thành cầu nối gắn kết với ASEAN, cũng như với các đối tác đối thoại của khối.

 

Với quyết tâm mạnh mẽ của các nước thành viên dưới sự dẫn dắt linh hoạt, chủ động và tích cực của Việt Nam, các hoạt động trong khuôn khổ AMM 53 diễn ra sôi động và hiệu quả với 19 hội nghị cấp bộ trưởng và các phiên họp. Sự kiện quan trọng này có sự tham gia của 28 đoàn thuộc 4 châu lục và nhiều múi giờ khác nhau nên công tác tổ chức và sắp xếp lịch trình là một thách thức lớn. Tuy nhiên, Việt Nam đã cố gắng thu xếp hài hòa, xử lý yêu cầu của các bên, đồng thời bảo đảm mạch hội nghị được thông suốt và tuân thủ thông lệ của ASEAN. Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho rằng, số lượng kỷ lục 42 văn kiện được xem xét và thông qua, trong đó nổi bật là Thông cáo chung AMM 53, Kế hoạch hành động Hà Nội II của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)… là thành công lớn của hội nghị lần này cũng như cho thấy sự nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác bởi các hoạt động đều được tổ chức trực tuyến.
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphane Savanphet, Trưởng Quan chức cấp cao (SOM) ASEAN Lào đánh giá, các ưu tiên mà nước Chủ tịch ASEAN đề ra đều đạt tiến triển tốt. Dù tổ chức trực tuyến, song việc trao đổi, đóng góp ý kiến thẳng thắn vẫn diễn ra như các hội nghị trực tiếp, đòi hỏi nước chủ nhà phải đủ sức bao quát, nắm bắt và điều hành trên cương vị quan trọng của mình.
 
Củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN
 
"Gắn kết và Chủ động thích ứng không chỉ là chủ đề của năm 2020 mà điều đó cùng với tinh thần chủ động, trách nhiệm đã trở thành "thương hiệu" của ASEAN, giúp toàn khối đoàn kết cùng vượt sóng gió, tự tin tiến lên", Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy trong phát biểu chào mừng khai mạc AMM 53 sáng 9-9. Được đánh giá là một trong những hình mẫu tổ chức khu vực thành công nhất, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong củng cố cấu trúc hòa bình và an ninh khu vực, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác vì sự thịnh vượng chung. Trong đó, vai trò dẫn dắt của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy và đưa các giá trị của Cộng đồng ra thế giới được đánh giá cao.
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, tại hội nghị lần này, Việt Nam đã đưa ra 10 sáng kiến và đã được thông qua. Những đề xuất này đã chính thức trở thành những sáng kiến của ASEAN trong năm 2020, thể hiện rõ mong muốn của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên nhằm đẩy mạnh quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột (chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội), hình thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời phát huy vai trò của ASEAN là trung tâm kết nối, phát triển khu vực.
 
Các khuôn khổ hợp tác với đối tác do ASEAN khởi xướng và giữ vai trò chủ đạo là một trong những trọng tâm thảo luận của AMM 53 và các hội nghị liên quan. Theo đó, các cơ chế như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3... tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối ngoại của hiệp hội. Đặc biệt, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cho thấy sự cần thiết phải mở rộng liên kết với các đối tác bên ngoài. Kết quả nổi bật được ghi nhận tại hội nghị lần này là những đóng góp đáng khích lệ cho Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19 cùng những cam kết tăng cường hợp tác giữa các bên.
 
Trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, vượt qua các thách thức, khó khăn, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị trực tuyến quan trọng như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19… Thành công của AMM 53 và các hội nghị liên quan một lần nữa khẳng định vai trò chủ động, tích cực của nước chủ nhà Việt Nam. Các sáng kiến, kết quả được đề ra sẽ là tiền đề quan trọng góp phần chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Đây là những hoạt động mang tính định hướng lâu dài cho ASEAN trong giai đoạn tiếp theo nhằm phát huy bản lĩnh và sức mạnh, nâng cao vị thế của ASEAN trong một thế giới nhiều biến động.
 
Theo Hà Nội mới
 

.