Kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5.2020):
Ký ức Trường Sơn

10:05, 20/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để làm nên một huyền thoại của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là sự hy sinh của bao lớp người. Câu chuyện của một nữ giao liên ở Trường Sơn năm ấy về những năm tháng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã khắc hoạ một thời hoa lửa của tuổi thanh xuân. Bà là Nguyễn Thị Mỹ (68 tuổi), ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), hiện là Phó trưởng Ban Liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Mỹ nhắc về đồng chí, đồng đội ở Trường Sơn của mình qua những bức ảnh kỷ niệm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ nhắc về đồng chí, đồng đội ở Trường Sơn của mình qua những bức ảnh kỷ niệm.
Cầm những bức ảnh đã ố màu, nhưng tràn đầy kỷ niệm trên tay, bà Mỹ kể, năm 1973, bà xung phong vào Trường Sơn khi đang học lớp 9/10 ở quê hương Hà Tĩnh. Sau 3 tháng huấn luyện, bà được đưa vào chiến trường Đường 9 - Khe Sanh (Quảng Trị). Nhiệm vụ của bà Mỹ ngày đầu là giao liên, đồng thời cùng tham gia mở đường. "Lúc ấy tôi 21 tuổi, cùng với các bạn đồng môn, đồng niên đều lên đường vào Trường Sơn. Tôi được phân công làm Bí thư Chi đoàn của Đại đội 67, Tiểu đoàn 473, Trung đoàn 15, Đoàn 559. Vì còn trẻ, nên rất hăng hái", bà Mỹ nói.
 
Trong những năm 1973 - 1975, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn quyết định. Lúc bấy giờ, chiến trường Quảng Trị đã bớt ác liệt hơn so với những năm trước đó, nhưng đây vẫn là cửa ngõ để vận chuyển khí tài vào chiến trường miền Nam. Sau trận chiến Đường 9 - Khe Sanh năm 1972, quân đội Mỹ bại trận, nhưng để lại vô vàn bom mìn. Trong quá trình mở đường, không ít đồng chí, đồng đội của bà Mỹ đã hy sinh, vì bom mìn của Mỹ cài lại nơi đây.
 
Nhớ lại những năm tháng oai hùng ấy, bà Mỹ không khỏi bùi ngùi: Công việc hằng ngày của chúng tôi là làm đường và chiến đấu. Sống với rau rừng, nước suối và lán trại. Vũ khí là cuốc, xẻng, dây kích điện và bộc phá. Với tiểu đội nữ như chúng tôi thì sinh hoạt nơi rừng thiêng, nước độc vô cùng khốn khó. Cùng với những hy sinh do đạn bom, thì cũng không ít đồng đội của chúng tôi nằm lại núi rừng Trường Sơn bởi bệnh sốt rét. Dù là luôn đối mặt với sinh tử mỗi ngày, nhưng không hiểu sao ngày ấy, tất cả những người lính trẻ như chúng tôi gan dạ đến lạ thường. Mặc cho sống chết, chỉ biết rằng phải hoàn thành thật nhiều khối lượng công việc được giao mỗi ngày.
 
"Trong nhiều ký ức về chiến tranh, có một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên về người đồng đội có tên Hà Thị Viên. Năm 1974, trong lúc đang thi công đường thì dính phải bom và cô ấy đã hy sinh. Trong bom đạn, nữ liệt sĩ ấy được an táng vội. Đến giờ cũng không biết bạn ấy nằm nơi đâu giữa đại ngàn Trường Sơn...", bà Mỹ xúc động.  
 
Sau 1975, đất nước thống nhất, đơn vị của bà Mỹ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế với phiên hiệu Trung đoàn 89. Sau đó, bà nhận công tác tại Quân khu 4. Năm 1984, bà cùng chồng được chuyển công tác về Bộ Thủy lợi. Hai người đã tham gia xây dựng công trình thủy lợi Thạch Nham và gắn bó với quê hương thứ hai của mình, là vùng đất Quảng Ngãi. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng để được sống cùng với một thời hoa lửa, bà Mỹ đã đảm nhận vai trò Phó trưởng Ban Liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh.
 
Bài, ảnh: X.THIÊN
 
 

.