Cán bộ đồng hành cùng hộ nghèo

09:09, 24/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với sự giúp đỡ nghĩa tình, cùng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau của cán bộ, công chức huyện Tây Trà đã giúp hàng chục hộ dân của huyện có điều kiện để vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo chung của huyện. Đây là cách làm hay của Huyện ủy Tây Trà, khi triển khai thực hiện cuộc vận động “Cán bộ đồng hành cùng hộ nghèo”.
TIN LIÊN QUAN

Trao “cần câu” giúp dân giảm nghèo

Ngay sau khi triển khai cuộc vận động “Cán bộ đồng hành cùng hộ nghèo”, cán bộ các cơ quan ban, ngành và UBND các xã trên địa bàn huyện Tây Trà đã đồng tình hưởng ứng. Việc chọn đối tượng thụ hưởng như thế nào cũng được cán bộ các cơ quan và chính quyền địa phương soát xét kỹ. Về phía hộ được chọn để thoát nghèo, phải cam kết chăm chỉ làm ăn, nỗ lực phát huy nguồn hỗ trợ, vươn lên phát triển kinh tế.
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên (bên trái) trao đổi với lãnh đạo huyện Tây Trà về mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo xã Trà Thanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên (bên trái) trao đổi với lãnh đạo huyện Tây Trà về mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo xã Trà Thanh.

Sau khi bàn xét, anh Hồ Văn Leo, ở thôn Vuông, xã Trà Thanh được cán bộ xã chọn để hỗ trợ thoát nghèo. Với nhu cầu mua lưới B40 rào chắn xung quanh để nuôi gà ta và trồng chuối Đồng Nai, anh Leo được hỗ trợ hơn 14 triệu trồng.

Anh Leo cho biết: “Trước đây, gia đình tôi không có vốn để phát triển kinh tế, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ xã, gia đình tôi mới có điều kiện làm ăn và đã thoát được nghèo”.

Tương tự, gia đình anh Hồ Văn Đậu cũng nằm trong diện hộ nghèo của xã Trà Thanh. Dù rất cố gắng làm ăn, song cái nghèo vẫn mãi đeo bám. Năm 2018, anh Đậu được cán bộ xã Trà Thanh chọn để hỗ trợ thoát nghèo. Anh Đậu được hỗ trợ 16,5 triệu đồng mua một con bò cái và một con nghé. Sau vài tháng thả nuôi, nhờ chăm sóc tốt, bò mẹ đã sinh thêm một bê con và xuất bán một con được 12 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Trà Thanh Hồ Thanh Hùng cho biết: Mỗi năm, địa phương đều họp xét và cán bộ, công chức đóng góp tiền để hỗ trợ. Theo đó, đối với cán bộ, công chức đóng 200 nghìn đồng/người; riêng cán bộ bán chuyên trách đóng 100 nghìn đồng/người để hỗ trợ sinh kế cho 1 hộ nghèo phát triển kinh tế. Tùy theo nhu cầu, chúng tôi sẽ có sự hỗ trợ khác nhau. Số tiền còn dư, xã sẽ gối đầu cho năm tiếp theo.

"Mặc dù không đạt 100% như mục tiêu đề ra, nhưng năm 2017, 30 hộ nghèo của huyện đã thoát nghèo và năm 2018 là 32/36 hộ thoát nghèo. Mô hình này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo chung của huyện. Sắp tới, huyện sẽ tổ chức sơ kết 2 năm để đánh giá về kết quả của cuộc vận động này, đồng thời rút kinh nghiệm những hạn chế, cũng như định hướng cho những năm tiếp theo".

Bí thư Huyện ủy Tây Trà PHẠM XUÂN VINH

Chung tay thay đổi cuộc sống người nghèo

Cái hay của mô hình “Cán bộ đồng hành cùng hộ nghèo” là ở chỗ, hỗ trợ không chỉ đơn thuần là cán bộ góp tiền rồi đưa cho người nghèo tự mua cây trồng, vật nuôi... mà cán bộ “đỡ đầu” sẽ đến tận nhà để trao đổi, bàn bạc với họ là chọn cây gì, con gì cho phù hợp rồi mới đi mua.
Anh Hồ Văn Đậu, thôn Vuông, xã Trà Thanh (Tây Trà) được cán bộ xã góp tiền hỗ trợ mua bò để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Anh Hồ Văn Đậu, thôn Vuông, xã Trà Thanh (Tây Trà) được cán bộ xã góp tiền hỗ trợ mua bò để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Để hỗ trợ hộ nghèo mua cây, con giống đúng giá và phù hợp, cán bộ các cơ quan, chính quyền địa phương sẽ trực tiếp đưa hộ nghèo đi mua và định hướng nếu là trâu, bò phải mua tại địa phương, vì vật nuôi đã quen với điều kiện sống nơi đây, tránh trường hợp “lạ nước” dẫn đến thiệt hại.

Chính nhờ sự đồng tình ấy mà khi được trao “cần câu cơm”, những hộ được hỗ trợ đều rất hài lòng. Từ đó, đối tượng thụ hưởng đã tích cực chăm sóc, phát huy hiệu quả thiết thực.

Theo Bí thư Huyện ủy Tây Trà Phạm Xuân Vinh, thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2017, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tây Trà đã thống nhất tổ chức cuộc vận động “Cán bộ đồng hành cùng hộ nghèo”.

Theo đó, phân công cho 2-3 cơ quan chọn và giúp một hộ nghèo của một thôn thoát nghèo trong năm. Điểm đặc biệt của mô hình này là mỗi nhóm, mỗi cơ quan có cách làm khác nhau, nhưng đều chung một mục tiêu là giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.


Bài, ảnh: HỒNG HOA  

 

.