60 năm mở đường Trường Sơn (19.5.1959-19.5.2019):
Gạch nối của quá khứ và tương lai

10:05, 11/05/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Con đường huyền thoại Đông Trường Sơn đi qua địa phận Quảng Ngãi chỉ dài khoảng 40km, nhưng nơi này lại in đậm những chiến công hiển hách của một thời bom đạn.

TIN LIÊN QUAN

Con đường huyền thoại

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời. Để thống nhất đất nước và chi viện cho chiến trường miền Nam, đầu năm 1959, Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị đặc biệt bàn về thống nhất đất nước.

Cuộc họp dẫn tới quyết định cần phải xây dựng một tuyến đường bí mật để vận chuyển người, vũ khí, lương thực... từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đó, ở cánh tây dãy Trường Sơn là đường Hồ Chí Minh và phía đông là đường Đông Trường Sơn.

Đường Đông Trường Sơn qua xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây.
Đường Đông Trường Sơn qua xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây.


Với Quảng Ngãi, đường Đông Trường Sơn như một mạch hào quan trọng trong những tháng năm mưa bom, bão đạn. Từ những cánh rừng già, đồi núi trùng điệp được bộ đội, dân quân địa phương ngày đêm ra sức phá đá mở đường.

Bắt đầu từ thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, Quảng Nam), những nhát cuốc đầu tiên ở sườn đông dãy Trường Sơn ấy đã làm nên một con đường huyền thoại: Đường Đông Trường Sơn! Tại Quảng Ngãi, đường Đông Trường Sơn có điểm đầu tại khu vực giáp ranh giữa xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) và điểm cuối tại cầu Ngọc Tem, xã Ngọc Tem (huyện Konplong, Kon Tum).

Với phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, trong suốt quá trình hành quân, lập các chốt giao liên, trạm dừng nghỉ... qua nhiều năm trời những lối mòn nhỏ được mở rộng đảm bảo cho các phương tiện cơ giới vận chuyển vũ khí, khí tài vào chiến trường miền Nam và vận chuyển thương bệnh binh, học sinh miền Nam ra Bắc.

Cựu chiến binh Đinh Văn Vật, người từng tham gia mở đường năm xưa, kể: Ngày đó tôi 14 hay 15 tuổi gì đấy, nghe bộ đội và du kích kêu gọi, nên tôi cùng anh em thanh niên trong làng xung phong đào núi mở đường.

Với những người từng tham gia mở đường Đông Trường Sơn, không ai quên được câu cửa miệng của người dân Tây Nguyên khi tuyến đường Đông Trường Sơn được mở đến Kon Tum: “Dân Tây Nguyên vị gì cũng có - ngọt, chát, đắng, bùi, nhưng chỉ riêng vị mặn là không có”.

Hiểu được điểm yếu của Tây Nguyên là thiếu muối, nên đế quốc Mỹ đã chặn đường xuống biển Sa Huỳnh lấy muối. Khi đường Đông Trường Sơn thông tuyến, kể từ đó hạt muối đã lên được Tây Nguyên. Nhưng cũng chính thời điểm đó, đường Đông Trường Sơn trở thành mục tiêu hàng đầu của những trận mưa bom, bão đạn của đế quốc Mỹ.

Con đường của ấm no

Đường Đông Trường Sơn được ví như mạch nguồn đem lại cuộc sống mới cho hàng vạn hộ dân, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các vùng khó khăn, vùng căn cứ cách mạng. Kể từ khi con đường Đông Trường Sơn được xây dựng, cả vùng rừng núi khó khăn của huyện Sơn Tây như bừng sáng.

Thong dong trên con đường huyền thoại năm xưa từ xã Sơn Bua đến cầu Ngọc Tem, không khó để nhận ra những xóm làng hai bên đường đã thay da đổi thịt. Ngay tại trung tâm xã Sơn Bua, khung cảnh thanh bình của vùng đất từng hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn nay đã trở thành phố thị giữa núi rừng. Những dãy nhà xây, nhà sàn kiên cố mọc bên đường trông như một thị tứ thu nhỏ.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua Đinh Minh Tôn cho biết: Đường Đông Trường Sơn hình thành đã giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, vận chuyển nông sản trong mỗi mùa thu hoạch. Có con đường rộng rãi, đồng bào ai cũng vui, cũng phấn khởi. Hàng hóa nông sản làm ra được thương lái thu mua với giá cao hơn. Rồi mỗi mùa mưa lũ, giao thông đi lại thuận lợi, không còn cảnh tắc đường, cô lập nữa.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng khẳng định: Đường Đông Trường Sơn hình thành chính là mạch nguồn của sự ấm no. Con đường huyền thoại không chỉ làm nên những chiến công hiển hách trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, mà còn mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, du lịch. Trong tương lai, đường Đông Trường Sơn sẽ là một gạch nối mang lại sự thịnh vượng cho vùng đất ngàn cau này.

Điểm duy nhất thông ra cao tốc

Đường Đông Trường Sơn có chiều dài  667,5 km, điểm đầu tại thị trấn Thạnh Mỹ (Quảng Nam), điểm cuối tại cầu Suối Vàng (Lâm Đồng). Tuyến đường được thiết kế với tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp 4 miền núi, có mặt cắt 8m, chạy xuyên qua 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên và Lâm Đồng. Trong gần 700km đường chỉ duy nhất điểm nối với Tỉnh lộ 623 tại trung tâm huyện Sơn Tây là có kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.


Bài, ảnh: TRẦN LÊ


.