Sáng ngời tấm gương nữ Đại đội Hồng Gấm

03:04, 29/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bà Nguyễn Thị Hồng Điều, nguyên Huyện đội phó Huyện đội Đức Phổ (giai đoạn 1971 - 1973), cho biết: Đại đội nữ Hồng Gấm của lực lượng vũ trang huyện Đức Phổ là đơn vị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một phần là nhờ tập thể đó có những cá nhân xuất sắc như bà Trịnh Thị Tuyết Mai.

Trong chiến tranh, nữ chiến sĩ Trịnh Thị Tuyết Mai đánh giặc rất cừ, còn trong thời bình người cựu chiến binh của Đại đội Hồng Gấm này vẫn giữ được phẩm chất đạo đức của Bộ đội Cụ Hồ, làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng và xã hội.

Dũng sĩ đánh xe

Lần đầu tiên gặp mặt, bà Trịnh Thị Tuyết Mai (65 tuổi), ở thôn Hội An I, xã Phổ An (Đức Phổ), nguyên là Trung đội phó Đại đội Nữ Hồng Gấm, đã đưa cho tôi xem kỷ vật của “một thời đạn bom”. Đó là tờ giấy chứng nhận của Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam phong tặng cho chị danh hiệu “Dũng sĩ đánh xe”, ký ngày 29.11.1974.

Bà Trịnh Thị Tuyết Mai đánh địch càn tại xã Phổ Thuận (Đức Phổ) năm 1973.
Bà Trịnh Thị Tuyết Mai đánh địch càn tại xã Phổ Thuận (Đức Phổ) năm 1973.


Nhớ về những ngày chiến đấu ác liệt, bà Mai kể: “Mùa đông năm ấy, tôi được Ban chỉ huy Đại đội nữ Hồng Gấm giao nhiệm vụ trực tiếp bấm mìn đánh chặn đoàn xe địch từ Đà Nẵng vào viện trợ cho địch đang bị quân ta vây đánh tại Sa Huỳnh (Đức Phổ). Qua nắm tình hình, đến đêm thứ tư, tôi cùng với du kích xã Phổ Thuận mang một quả mìn tự chế bằng thuốc nổ TNT nặng hơn 10kg xuống Quốc lộ 1, chọn nơi để đặt mìn. Đêm hôm đó, tôi đã cùng với anh em du kích dùng dao găm cạy từng miếng đất nhỏ móc lên bỏ vào bao, rồi đặt mìn xuống lấp đất lại, trên cắm một cây sặt đánh dấu vị trí để từ xa vẫn nhìn thấy được”.

Sáng hôm sau, một mình bà Mai cải trang thành nông dân vác cuốc đi làm bờ ruộng tại chỗ cách quả mìn khoảng 30m. Bình tĩnh nhận định để cho vài chiếc xe của địch chạy qua và đợi cho tới gần 10 giờ trưa thì từ xa có nhiều tiếng còi xe rú lên inh ỏi. “Đây là đoàn xe địch mà ta cần phải đánh”, bà Mai nghĩ vậy và đợi cho chiếc xe đầu tiên vừa lăn bánh tới cây sặt đánh dấu từ trước. Ngay tức thì, bà Mai bấm chập dây điện, rồi nằm rạp xuống bờ ruộng.

Một tiếng nổ rất to, đất đá văng lên phủ khắp người bà. Nhìn thấy xe địch bốc cháy, cả đoàn xe dừng lại, bà Mai vội chạy qua đồng trống, trong lúc hàng trăm tên địch từ trên xe tràn xuống đường, dùng nhiều loại súng bắn xối xả.  Bà Mai bị thương cánh tay phải, được đồng đội kịp thời yểm trợ giải vây, dìu bà về nơi an toàn.

Trong trận đánh đó, Đại đội Hồng Gấm đã chặn đứng đoàn xe quân sự chi viện cho địch ở Sa Huỳnh. Ghi nhận chiến công này, bà Mai đã vinh dự được Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ đánh xe”.

Chống địch càn bằng tinh thần thép

Lòng yêu nước và căm thù giặc đã hun đúc cho bà Mai và Đại đội nữ Hồng Gấm có bản lĩnh và tinh thần thép để đánh giặc, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Ngày 25.3.1973, tại thôn Bình Mỹ, xã Phổ Thuận, bà Mai đã cùng với đồng đội quyết tâm bám giữ trận địa, quần nhau đánh giặc suốt cả ngày để giành lại từng tấc đất quê hương.

Vợ chồng bà Mai vui với tuổi già tại thôn Hội An I, xã Phổ An (Đức Phổ).Vợ chồng bà Mai vui với tuổi già tại thôn Hội An I, xã Phổ An (Đức Phổ).
Vợ chồng bà Mai vui với tuổi già tại thôn Hội An I, xã Phổ An (Đức Phổ).Vợ chồng bà Mai vui với tuổi già tại thôn Hội An I, xã Phổ An (Đức Phổ).


Hôm đó, từ lúc 7 giờ sáng, Sư đoàn 2 và Trinh sát 4 tàn ác khét tiếng đã tập trung tại núi Xương Rồng, chia làm hai mũi, giăng thành hàng ngang tiến thẳng vào các vị trí của ta để cắm cờ, lấn đất, giành dân vùng giải phóng. Tổ của bà Mai có 3 người được giao nhiệm vụ đánh thọc hông.

Chị em nằm phục kích dưới hầm được ngụy trang kỹ, bình tĩnh chờ cho bọn chúng đến gần khoảng 10m, bà Mai mới dùng súng phát hỏa, siết cò liên thanh từng loạt, đồng đội cùng nổ súng tiếp theo bắn thẳng vào đội hình địch.  Địch giãn ra, dội pháo vào đội hình của ta, rồi tiếp tục phản công lại. Tổ của bà Mai lại tiếp tục đánh trả.

Trong lúc đang chiến đấu thì có một đồng chí bị thương vào đầu, bà Mai kịp thời băng bó, rồi cho lùi về tuyến sau, để lại cho bà một khẩu súng AK với mấy băng đạn. Bà Mai liền sử dụng hai khẩu súng tiếp tục chống trả lại địch. Cả ngày hôm ấy, 4 lần địch tấn công, thì cả 4 lần đều bị quân ta đánh bật trở lại. Đến 4 giờ chiều cùng ngày, địch chống cự không nổi đành phải rút lui về đồn ở núi Xương Rồng cố thủ. Trong trận chống càn này, bà Mai đã cùng với đồng đội tiêu diệt gần 100 tên địch, trả lại bình yên cho vùng giải phóng.

Hăng say với nhiệm vụ mới

Sau khi hòa bình, bà Mai đã làm đám cưới với ông Nguyễn Thành Phương, là người cùng quê, công tác tại Tỉnh đội Quảng Ngãi, đúng như lời hẹn ước của hai người trong chiến tranh. Rổi vợ chồng bà Mai vừa cố gắng lo công tác xã hội, vừa lo phát triển kinh tế gia đình, nuôi 4 người con học qua đại học, có việc làm ổn định.

Sau ngày nghỉ hưu, năm 2010, bà Mai đã đi từng nhà vận động bà con đóng góp tiền làm đường điện thắp sáng khắp thôn. Đến khi được dân cử làm Trưởng khu dân cư thôn Hội An I, bà Mai lại tiếp tục vận động đóng góp mỗi hộ 3 triệu đồng, riêng bà hỗ trợ 9 triệu đồng, cùng với khoản xi măng của tỉnh hỗ trợ, để hoàn thành  hai tuyến đường thôn bằng bê tông xi măng, với chiều dài 650m, rộng 3m. Hiện tại, bà Mai đang tham gia Ban chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của xã. Vừa qua, bà Mai đã tình nguyện đóng góp 10 triệu đồng, để hỗ trợ cho các hộ khó khăn trong xã.


                 Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM



 


.