Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ: Giúp cán bộ "tự soi, tự sửa"

10:01, 24/01/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Quy định của Bộ Chính trị và Công văn 2923 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ", đến nay, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành.
TIN LIÊN QUAN
Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cấp huyện và tương đương phải đảm bảo nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các cấp.
 
Người được lấy phiếu tín nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và cấp huyện; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cấp trưởng, cấp phó các cơ quan Ðảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ vào năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, đảm bảo dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch.
 
Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu.
Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu.

 Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ là “kênh” thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét mức độ tín nhiệm và đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ hiệu quả. Thực hiện chủ trương này, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ một cách nghiêm túc, đúng quy trình, quy định.

Căn cứ vào các tiêu chí theo nội dung lấy phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm được đánh giá theo 3 mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Kết quả phiếu tín nhiệm này được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Những đồng chí có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức, hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Nội dung lấy phiếu tín nhiệm dựa trên 3 phương diện, đó là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, ý thức tổ chức kỳ luật; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và cuối cùng là kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Mới đây, tại Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đã khẳng định: Việc lấy phiếu tín nhiệm giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm nghiên cứu, tham khảo, "tự soi, tự sửa", tự điều chỉnh, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, qua đó nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác và uy tín.

Việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm cán bộ giữa nhiệm kỳ được tiến hành ngay sau kiểm điểm cuối năm 2018, chính vì vậy, việc "tự soi, tự sửa" là hành động tự nhìn lại chính mình sau những đánh giá, nhận xét của đồng chí, đồng nghiệp và của quần chúng nhân dân. Những đánh giá khách quan, thẳng thắn (cũng có khi là chủ quan, chưa toàn diện) đều ít nhiều cung cấp một góc nhìn về bản thân mà chính cán bộ chưa nhìn ra được; nói cách khác là soi lại để nhìn ra mình với những hạn chế, nhược điểm.

Thấy được thì phải sửa, đầu tiên là phải tự mình sửa trước khi để tổ chức, tập thể yêu cầu sửa. Cho nên "tự soi, tự sửa" không phải là yêu cầu quá khó, mà chính là nhận thức và hành động hằng ngày của mỗi người. Đó cũng là cách ứng xử văn hóa của cán bộ, đảng viên, là sự biểu hiện cụ thể nhất trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chính hành động "tự soi, tự sửa" của cán bộ, đảng viên trước những nhận xét, đánh giá cho thấy sự tiến bộ của cán bộ, đảng viên trong quá trình rèn luyện về mọi mặt.

"Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ngoài việc liên hệ, kiểm điểm, đánh giá bản thân, căn cứ vào ý kiến góp ý, vào phiếu lấy tín nhiệm của tập thể, mỗi cán bộ có thể nhìn nhận lại bản thân mình đầy đủ hơn, xem còn những mặt yếu gì để sửa chữa, khắc phục và vươn lên. Kết quả đó cũng là một kênh tham khảo, giúp cho cấp quản lý đánh giá cán bộ chính xác hơn, hạn chế được những nhìn nhận cảm tính", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Bài, ảnh: PV


 

.