Ban Tiếp công dân tỉnh: "Cầu nối" giữa người dân và chính quyền

04:01, 20/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với vai trò là “cầu nối” giữa người dân và các cấp chính quyền trong việc giải quyết những vấn đề kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, Ban Tiếp công dân tỉnh (Văn phòng UBND tỉnh) đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu cho UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2018, Ban Tiếp công dân tỉnh đã tổ chức tiếp thường xuyên 378 lượt/551 người (trong đó có 30 đoàn đông người); tiếp nhận và đề xuất chuyển đến các cơ quan thẩm quyền giải quyết 958 đơn thư khiếu nại, tố cáo theo đúng thẩm quyền, góp phần xử lý, giải quyết những điểm nóng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ban Tiếp công dân tỉnh còn tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xử lý một số vấn đề phát sinh, nhằm ngăn ngừa các vụ việc phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính tiếp công dân định kỳ tại trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính tiếp công dân định kỳ tại trụ sở Ban tiếp công dân tỉnh.


Hiện nay, Ban Tiếp công dân tỉnh có 3 cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp công dân tại trụ sở. Phó Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Nguyễn Đức Lợi cho biết: Thời gian qua, đa số người dân đến trụ sở tiếp công dân đều chấp hành, thực hiện tốt các quy định của Luật Tiếp công dân và Nội quy tiếp công dân. Bên cạnh đó cũng có trường hợp quá khích, gây rối, lôi kéo người khác khiếu kiện. Căng thẳng nhất là đối với những trường hợp người tố cáo, khiếu nại về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật; cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn, nhưng người dân vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Trong những trường hợp này, theo quy định, cán bộ tiếp dân được quyền từ chối tiếp. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã có thông báo chấm dứt giải quyết, hoặc từ chối tiếp, tiếp nhận và giải quyết đơn, nhưng đương sự vẫn tiếp tục đến khiếu nại gay gắt, thậm chí kéo đến trụ sở các cơ quan gây sức ép. Do đó, cán bộ tiếp dân phải tiếp những trường hợp này.

Một khó khăn khác là, cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân chưa được xây dựng. Vì vậy, một số vụ việc địa phương đã thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, nhưng Ban Tiếp công dân Trung ương, Văn phòng Chính phủ, hoặc các bộ, ngành ở trung ương vẫn chuyển đơn, hoặc hướng dẫn công dân về địa phương để xem xét, giải quyết; dẫn đến người dân lại tiếp tục kéo đến trụ sở tiếp công dân yêu cầu giải quyết.

Do đó, Chính phủ cần ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Thanh tra Chính phủ có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc từ chối tiếp trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo bằng văn bản nhưng người dân vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài...


Bài, ảnh: X.THIÊN



 


.