Đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC: Cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp

08:10, 31/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, không phải tất cả CB, CC, VC đều có điều kiện thuận lợi để học tập, nâng cao trình độ về chuyên môn cũng như lý luận chính trị. Do vậy, cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để động viên, tạo điều kiện cho CB, CC, VC khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

TIN LIÊN QUAN

Học viên tham gia khóa học lý luận trung cấp chính trị tại Trường Chính trị tỉnh.
Học viên tham gia khóa học lý luận trung cấp chính trị tại Trường Chính trị tỉnh.
 Thông tư 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC có hiệu lực thi hành từ ngày 15.6.2018.

Theo đó, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CB, CC ở trong nước được bố trí trong dự toán hằng năm của cơ quan, đơn vị quản lý CBCC và được sử dụng để chi cho các nội dung sau: Chi phí dịch vụ đào tạo và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc; chi hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung; chi hỗ trợ chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ; nghỉ Tết); chi thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ cho CB, CC trong những ngày đi tập trung học tại cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo và đơn vị tổ chức đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ)...

 

Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Chánh: “Giao quyền chủ động cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị”  

Hiện nay, các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đều được giao quyền tự chủ, do vậy theo Thông tư 36 của Bộ Tài chính, thủ trưởng các đơn vị quản lý CB, CC, VC chủ động cân đối kinh phí để quyết định cử CB, CC, VC đi học nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Thông tư 36 quy định rất rõ nội dung chi, còn mức chi cụ thể do địa phương quyết định.

Đối với quy định về mức chi đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC theo Thông tư 36, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua với mức chi cụ thể theo khả năng dự toán ngân sách của từng cấp, từng cơ quan; đối tượng đào tạo, bồi dưỡng phải theo kế hoạch của tỉnh ban hành. Đối với đối tượng là CB, CC, VC thì phải chi trả theo dự toán chi thường xuyên của cơ quan quản lý CB, CC, VC. Đối với đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì sẽ trình theo hướng cơ quan được tỉnh giao nhiệm vụ mở lớp bồi dưỡng dự trù kinh phí, để chi trả cho đối tượng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Sơn Tịnh Lê Văn Thảo: “Hỗ trợ kinh phí để động viên CB, CC, VC”

Thời gian qua, huyện rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ của đội ngũ CB, CC, VC. Tuy nhiên, huyện không sử dụng ngân sách nhà nước cho việc đào tạo để chuẩn hóa bằng cấp, đào tạo sau đại học đối với CB, CC, VC tốt nghiệp đại học hệ tại chức, chuyên tu, từ xa, hệ vừa học vừa làm.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là, nhiều cán bộ quản lý ở các trường trên địa bàn huyện xin nghỉ hưu trước tuổi theo chế độ, do vậy năm 2019 sẽ thiếu trầm trọng cán bộ quản lý. Trong khi đó nhiều cán bộ thuộc diện quy hoạch chưa đáp ứng tiêu chuẩn về lý luận chính trị. Dự kiến, huyện sẽ mở lớp trung cấp lý luận chính trị ngoài kế hoạch, trong đó có cán bộ thuộc diện quy hoạch ở các trường được cử đi học. Vì là lớp học ngoài kế hoạch, nên huyện sẽ hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại người học sẽ tự bỏ tiền cá nhân. Để đảm bảo nguồn cán bộ kế cận cho các trường, huyện động viên cán bộ được cử đi học nêu cao tinh thần trách nhiệm.   

Phó Trưởng Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Tư Nghĩa Nguyễn Văn Ba: “Cân nhắc mức chi phù hợp"

Hằng năm, huyện bố trí ngân sách khoảng 1 tỷ đồng cho Phòng Nội vụ và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện để chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC trên địa bàn huyện. Đối với các lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại huyện, theo thông tư trước đây của Bộ Tài chính, tất cả các đối tượng được cử đi học được hỗ trợ 50.000đồng/ngày/người, đây là nguồn hỗ trợ nhằm động viên, hỗ trợ người học. Tuy nhiên, khi Thông tư 36 có hiệu lực, huyện đã dừng việc chi hỗ trợ, chờ quy định mức chi cụ thể được HĐND tỉnh thông qua theo đúng như hướng dẫn của thông tư.

Đề nghị HĐND tỉnh sớm thông qua Quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng CB, CC, VC để các cơ quan, đơn vị, địa phương có cơ sở chi nhằm động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho CB, CC, VC được cử đi học tập nâng cao trình độ. Theo tôi, cần phải hết sức cân nhắc, đưa ra mức chi phù hợp, vì nếu cao quá thì ngân sách địa phương không đảm đương nổi khi cử CB, CC, VC đi học.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) Nguyễn Hải Kiên: “Cần có cơ chế thỏa đáng để động viên”

Việc hỗ trợ cho CB, CC, VC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng là cần thiết, nhằm góp phần động viên, khuyến khích CB, CC, VC đi học để nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Khi dừng thực hiện Quyết định 481 của UBND tỉnh, một số CB, CC khi được cử đi học gặp khó khăn khi được cử đi học, tiền lương thấp trong khi đó phải chi phí đi lại, ăn uống, tài liệu học tập... Tôi mong rằng, HĐND tỉnh nhìn nhận từ thực tiễn để ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp cho CB, CC, VC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

Một vấn đề nữa cần quan tâm là, thực hiện tinh giảm biên chế, nên nhiều đơn vị, địa phương không thể cử cán bộ đi học tập trung, mà vừa học vừa làm. Vừa đi học, vừa giải quyết khối lượng công việc tại đơn vị là sự cố gắng rất lớn của cán bộ, nên theo tôi cần có sự quan tâm hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thượng (Sơn Hà) Trần Thị Kim Thành: “Nên hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách”

Do nguồn kinh phí hoạt động của xã eo hẹp, nên chúng tôi không thể bố trí để hỗ trợ CB, CC khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, CB, CC đi học để nâng cao trình độ.
 
Nhiều cán bộ ở địa phương, kể cả cán bộ không chuyên trách đã tự bỏ tiền túi đi học. Tuy nhiên, đối với cán bộ không chuyên trách thì rất thiệt thòi, vì không được hưởng lương, phụ cấp nhiều nhất cũng chỉ 2 triệu đồng/người/tháng.

Điều kiện công tác ở miền núi rất khó khăn, trong khi nhiều cán bộ không chuyên trách đời sống còn vất vả, nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để động viên, tạo điều kiện cho cán bộ không chuyên trách khi được cử đi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.


 

.