KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG (20.8.1888- 20.8.2018)
Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn

09:08, 20/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20.8.1888, là người con ưu tú của miền Nam, là người đồng chí, người bạn tâm giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng; hết lòng vì nước, vì dân.

TIN LIÊN QUAN

Sáng ngời đạo đức cách mạng

Chủ tịch Tôn Đức Thắng xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh An Giang. Lớn lên trong bối cảnh thực dân Pháp mở rộng cuộc xâm lược ra toàn cõi Việt Nam. Đây cũng là thời điểm mà phong trào yêu nước của nhân dân phát triển mạnh mẽ ở khắp 3 kỳ, nhằm chống lại cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của người thanh niên yêu nước Tôn Đức Thắng.

Trường đại học mang tên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đóng tại Quận 7, TP.HCM.
Trường đại học mang tên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đóng tại Quận 7, TP.HCM.


Ngay khi còn là học sinh Trường Bách Nghệ Sài Gòn, đồng chí là "người chỉ huy" nhiều cuộc bãi khóa để phản đối sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với phong trào đấu tranh của nông dân ở nhiều nơi. Năm 1912, khi mới 24 tuổi, đồng chí đã tổ chức và lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Sửa chữa tàu thủy Ba Son, mở đầu cho cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian lao, nhưng rất vinh quang của đồng chí.  

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người theo suốt cuộc cách mạng của Việt Nam, từ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cho đến ngày toàn thắng. 92 tuổi đời, với hơn 60 năm hoạt động cách mạng, nếm trải 17 năm tù đày, trong mọi hoàn cảnh, đồng chí vẫn luôn toát lên một tinh thần yêu nước đến cùng, một tinh thần đoàn kết ái hữu giai cấp quốc tế cộng sản, một tính nhân văn tự nhiên, sâu sắc hiếm có.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đảm nhận nhiều chức vụ; là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam... Liên tục trong suốt 27 năm, ông làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và MTTQ Việt Nam, là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II, III, IV cho đến khi qua đời (ngày 30.3.1980).


Năm 1958, nhân dịp chúc mừng Chủ tịch Tôn Đức Thắng thọ 70 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân". Đồng chí Lê Duẩn - Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thì nói: ''Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị, đó là những gương sáng để chúng ta học tập".

Trên 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta; được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Đại đoàn kết; được Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ trao tặng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Mông Cổ; Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu Ba trao tặng Huân chương Hữu nghị Cu Ba; Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin...

Nhất quán chính sách đại đoàn kết

Là vị Chủ tịch đầu tiên và lâu nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng là người có đóng góp quan trọng và đặc biệt xuất sắc trong việc bồi đắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 27 năm làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng giải quyết thành công trong cả lý luận và thực tiễn mối quan hệ giữa dân tộc - giai cấp, mối quan hệ giữa quyền lợi của dân tộc với lợi ích của bộ phận để xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đồng chí đã chỉ ra rằng, Đảng phải nắm bắt và phân tích sâu sắc sự vận động của những điều kiện lịch sử dân tộc và thời đại để làm rõ và xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc - giai cấp, xác định đúng “những điểm chung cho toàn thể dân tộc” - theo tư tưởng Hồ Chí Minh - trong nội dung các khẩu hiệu chiến lược của cách mạng để tập hợp được lực lượng, đoàn kết dân tộc ở mỗi thời kỳ... nhằm phát huy tối đa sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888- 20.8.2018), ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến đồng chí - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.


Bài, ảnh: THANH THUẬN



 


.