Mộ Đức: Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội

02:05, 20/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế- xã hội ở huyện Mộ Đức đã có bước phát triển mới; đời sống người dân không ngừng được nâng lên.  

TIN LIÊN QUAN

Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu cho biết, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội, huyện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (đạt 19,3%/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,4%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng 22,2%, thương mại - dịch vụ tăng 20,9%. Đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 24,5 triệu đồng/năm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững...

Nông thôn mới ở xã Đức Tân ngày càng khởi sắc.
Nông thôn mới ở xã Đức Tân ngày càng khởi sắc.


Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, nên huyện đã tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển. Trên địa bàn huyện có 11 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 1.200 tỷ đồng, triển khai sản xuất nông sản hữu cơ, liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao là 4.545ha, năng suất tăng so với năm 2016 là 3,6 tạ/ha; có 114ha sản xuất rau an toàn. Xây dựng được 27 cánh đồng có doanh thu trên 150 triệu đồng/ha/năm; liên kết sản xuất hơn 300ha lúa giống, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Chuyển đổi 300ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, huyện đã dồn điền, đổi thửa hơn 917ha, góp phần hình thành cánh đồng lớn, vùng sản xuất chuyên canh... Huyện còn khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư phát triển trang trại. Trên địa bàn huyện có 14 trang trại chăn nuôi tổng hợp; có 4 xã đạt xã nông thôn mới, đạt 66% so với chỉ tiêu nghị quyết...
 

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và phát triển đô thị... huyện kêu gọi được 18 dự án, với tổng vốn đăng ký 1.100 tỷ đồng. Cụm Công nghiệp Thạch Trụ và Quán Lát thu hút 19 dự án, giải quyết việc làm cho 450 lao động và tạo giá trị sản xuất công nghiệp 400 tỷ đồng/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Đức Hiệp Lý Minh Hưng cho biết, để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác, xã đã chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất lúa tăng từ 67 tạ/ha lên 72 tạ/ha, chi phí đầu tư giảm nhiều so với trước.

Ông Trần Mận, ở thôn Phú An cho biết: Trước kia, gia đình tôi có tới 7 đám ruộng nằm ở nhiều nơi, nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Qua thực hiện dồn điền, đổi thửa, gia đình tôi canh tác trên 2 đám ruộng với diện tích lớn, thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, vừa đỡ tốn chi phí, công sức, mà năng suất lúa lại cao hơn trước.

Đi đôi với lãnh đạo phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cũng được Huyện ủy Mộ Đức quan tâm lãnh đạo. Đến nay, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Huyện triển khai có hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong công tác xây dựng Đảng, huyện lấy hiệu quả việc thực hiện nghị quyết của Đảng, các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước làm cơ sở đánh giá xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm. Công tác tổ chức, cán bộ được chú trọng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu.

Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu cho biết thêm, để đạt được kết quả nói trên, các cấp ủy đảng đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện toàn diện các mặt công tác. Ban Thường vụ Huyện ủy và hệ thống chính trị trong huyện đều hướng về cơ sở để lãnh đạo, điều hành. Phân công các đồng chí cấp ủy phụ trách từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể; tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy các cấp với nhân dân; chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vướng mắc ngay từ cơ sở.
 

Bài, ảnh: BÁ SƠN



 


.