Ông "mười tám"

09:02, 23/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những người tù yêu nước ở Quảng Ngãi và bà con xã Đức Chánh (Mộ Đức) thường gọi đùa ông là ông “mười tám”. Bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm thì ông đã có đến 18 năm 4 tháng bị địch bắt cầm tù, ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo...

Xuân này, ông Phạm Ngọc Điệp đã 84 tuổi. Cái lưng đã bắt đầu còng, nhưng nụ cười khá tươi. Ông nói: Mỗi khi nghe bài hát hùng tráng Giải phóng miền Nam, Vừng trời đông, Kết đoàn, là mình nhớ lại những tháng năm tuổi trẻ trong chốn lao tù...

Bài ca lưu biệt

Nhà ông Phạm Ngọc Điệp ở thôn 4, xã Đức Chánh (Mộ Đức). Từ đây, nhìn về phía biển có núi Văn Bân chạy dài. Địa hình như thế nên bước sang thời chống Mỹ, huyện Mộ Đức chọn nơi này là lối đi về để hoạt động. Ông trở thành người hoạt động cơ sở, đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ.

 Ông Phạm Ngọc Điệp, người ở tù Côn Đảo 18 năm, 4 tháng. ẢNH: Cẩm Thu
Ông Phạm Ngọc Điệp, người ở tù Côn Đảo 18 năm, 4 tháng. ẢNH: Cẩm Thu


Ông nhớ như in, cái đêm tháng Chạp năm Bính Tuất - 1957, chỉ còn vài chục ngày nữa là đến Tết Đinh Dậu. Thật bất ngờ, khoảng 2 giờ sáng, địch đến vây nhà bắt sống Tỉnh ủy viên Nguyễn Cát và ông.  

Từ Chi khu Mộ Đức, địch đưa ông ra Trung tâm thẩm vấn, rồi nhà lao Quảng Ngãi. Những lần tra tấn tóe máu, nhưng không moi được gì, địch bèn chuyển ông ra Đà Nẵng, để cùng những anh em bị địch bắt từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị đày đi Côn Đảo. Bài ca lưu biệt bắt đầu từ đó...  

“Địa ngục trần gian” Côn Đảo “đón” ông và những đồng chí sau hai ngày, ba đêm lênh đênh trên biển bằng những trận mưa dùi cui từ cầu tàu đến trại giam. Rồi những tháng năm kế tiếp là tra tấn, biệt giam. Ai không khai thì trở lại buồng giam, đối mặt với đủ kiểu tra tấn dã man. Chính vì thế, ở nghĩa địa Hàng Dương theo thời gian mộ chí thêm dày.

Song chốn lao tù không chỉ có sự tra tấn, đày đọa. Ở đây, có những hôm tiếng hát của anh em trong tù vút cao, bay ra ngoài song sắt, bừng lên khí thế đấu tranh. Ở đây, cũng có những bài học về sự kiên trung, son sắt  mà chắc rằng không có một trường học nào  hơn được. Ông bồi hồi, ngượng ngập rồi lâu dần thành quen cũng tập tành hát những bài ca cách mạng, học tiếng Pháp từ những đồng chí bạn tù.
 

“Cả tuổi xuân mình gửi lại trong tù. Đất nước thống nhất rồi thì cố gắng dựng xây”.
 Ông PHẠM NGỌC ĐIỆP, ở thôn 4, xã Đức Chánh (Mộ Đức).

Những mùa xuân nơi “địa ngục trần gian”

Ở Côn Đảo quanh năm chan hòa ánh nắng, không có cái rét lạnh khi gió mùa đông bắc ào ạt thổi về. Nhưng mỗi khi mùa xuân sắp gõ cửa, là những người tù da diết nhớ quê. Ông nhớ lại cái ngày bị địch bắt giam ở Nhà lao Quảng Ngãi, cha mẹ và vợ ông có ghé ra thăm. Đứng trong song sắt ông nhìn thấy cha mình yếu lắm, mà nước mắt rưng rưng. Còn đứa con trai đầu, ngày ông bị địch bắt mới 20 tháng tuổi, bây giờ chẳng biết ra sao.  

Ở đất liền, mẹ của ông nhớ con khắc khoải rồi mất năm 1962, nhưng mãi đến năm 1964, ông mới nghe tin. Còn cha ông mất năm 1968, sau đó 7 năm ông mới biết. Riêng gia đình nhỏ của ông, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, tình cờ qua thư của một bạn tù, ông biết, ngày ông bị bắt, vợ ông có mang và đã sinh được một người con gái.
 

 

Ông Phạm Ngọc Điệp cùng  người thân chụp hình lưu niệm khi ra thăm lại Côn Đảo năm 2016.
Ông Phạm Ngọc Điệp cùng người thân chụp hình lưu niệm khi ra thăm lại Côn Đảo năm 2016.
Năm 2016, sau 41 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, cả gia đình ông trở lại thăm Côn Đảo. Nhìn di tích Nhà ngục Côn Đảo với những trại giam và những dụng cụ tra tấn cực hình, vợ ông cùng con gái, con trai, con rể đã ôm choàng lấy ông và đều không cầm được nước mắt. Họ hiểu hơn nơi “địa ngục trần gian” mà chồng, cha mình đã sống trong thời gian ngót hai chục năm.

Ở chốn lao tù, khi mùa xuân về, những người bạn tù kể cho nhau nghe về những bánh mứt mang hương vị của từng vùng miền, nào là Quảng Nam, nào là Quảng Trị... Còn ông nhớ ngày xuân, có mưa lấm tấm, ông cùng vợ con đi tảo mộ tổ tiên trên núi Văn Bân, rồi ghé xóm bên xem hát bài chòi. Càng kể càng nhớ, càng kể càng thương. Tình yêu quê hương, gia đình tha thiết càng tôi rèn ý chí đấu tranh.

Ông nhớ mãi cái Tết cuối cùng trong tù – mùa xuân 1975, ông chính thức được kết nạp Đảng. “Kết nạp Đảng trong tù đâu có nghi thức gì nhiều đâu. Chỉ có tổ ba người thông qua quyết định bằng miệng. Nhưng nó thiêng liêng cao cả đến lạ lùng”- ông nhớ lại.  

Ngày trở về và những yêu thương  

Mùa xuân 1975, một mùa xuân lịch sử của dân tộc. Đất nước hoàn toàn giải phóng, ông cùng những đồng chí bạn tù không ai bảo ai, họ cùng ôm nhau, rồi cùng nhau chạy ra phía rừng dương thắp hương trên từng mộ chí cho những đồng đội đã hy sinh.

Thể theo yêu cầu của Ban quân quản, ông ở lại Côn Đảo tham gia ổn định trật tự trên đảo. Công việc bận rộn, nhưng ông vui, vì biết sẽ có ngày trở lại quê nhà.

Rồi cái ngày đó cũng đến, Trung ương cử đoàn tàu ra đón những chiến sĩ trung kiên về Đà Nẵng, rồi tỉnh Quảng Ngãi đưa xe ra đón ông về. Trong chốn lao tù chẳng bao giờ khuất phục, nhưng nghĩ đến quê nhà, vợ con, người thân, đôi mắt ông rưng rưng. Về đến quê nhà, ông lặng im nhìn xóm làng tan hoang, mẹ cha của ông không còn nữa. Vợ của ông- bà Nguyễn Thị Nguyệt, tháng năm và chiến tranh bao nỗi khổ đau, mất mát hằn in trên nét mặt. Sau nụ cười vui là nước mắt lưng tròng. Ông cùng vợ lo sửa sang lại nếp nhà tranh...

Đất nước thời hậu chiến nhiều khó khăn đang cần những bàn tay dựng xây, nên ông tích cực tham gia chính quyền địa phương, về hưu, lại tham gia nhiều vị trí công tác ở cơ sở. Ông nói: “Cả tuổi xuân mình gửi lại trong tù. Đất nước thống nhất rồi thì cố gắng dựng xây”.

Cẩm Thu


 


.