Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:
Bản hùng ca Xuân 68 (kỳ 3)

08:01, 31/01/2018
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 3: Những tháng ngày không thể nào quên       


(Báo Quảng Ngãi)- Khí phách của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vô cùng oai hùng, được lịch sử ghi nhận. Đó là những ngày tháng mà cả dân tộc Việt Nam sục sôi quyết tâm đánh Mỹ cứu nước và cho đến bây giờ cũng không thể nào quên được.


“Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không chỉ thể hiện tinh thần quyết chiến của lực lượng vũ trang, mà còn có cả sức mạnh của quần chúng nhân dân. Dù đối mặt với hiểm nguy, nhưng nhân dân từ đông Bình Sơn, Sơn Tịnh kéo lên thị xã, từ Mộ Đức kéo ra... rầm trời, rầm đất. Thà chết không lùi bước, người đi trước cầm cờ, băng khẩu hiệu bị địch bắn ngã gục, lập tức có người khác xông lên tiếp tục giương cao cờ, băng rôn, khẩu hiệu...”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thanh Biền, nhớ lại.

Bức mật lệnh trên cánh tay

Câu chuyện về bức mật lệnh trên cánh tay được chúng tôi ghi lại trong không khí ngập tràn sắc Xuân Mậu Tuất 2018- thời điểm mà cả dân tộc Việt Nam được sống lại trong bầu không khí hào hùng của 50 năm về trước. Người chuyển bức mật lệnh năm xưa là bà Võ Thị Thu Sang (67 tuổi), hiện ở tổ dân phố 1, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). Bà Sang khi đó là chiến sĩ giao liên Đại đội thông tin H18 thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi. Bà Sang, chia sẻ: Do tính chất quan trọng của mật lệnh về việc lui thời gian nổ súng lại một ngày, để phối hợp với toàn miền nên phải di chuyển đi bằng đường bộ. “Sáng 30 Tết, khi tôi vừa thực hiện nhiệm vụ trở về đơn vị thì nhận được lệnh của thủ trưởng phải chuyển bức mật lệnh đặc biệt đến các đơn vị ở vùng Đông Sơn (nay là vùng đông Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi) trước 5 giờ chiều cùng ngày.

 

Tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.                                 Ảnh: PV
Tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: PV


Bức mật lệnh được Tỉnh đội trưởng và Chính trị viên viết trực tiếp lên cánh tay trái của tôi. Dù lúc bấy giờ bà Sang mới 17 tuổi, nhưng hết sức can trường, mưu trí vượt qua mọi hiểm nguy để kịp thời chuyển mật lệnh. Thường thì việc chuyển thư từ thông tin giữa các đơn vị chỉ đi vào ban đêm, nhưng do tình huống khẩn cấp nên bà Sang phải đi ban ngày và trên quãng đường rất xa, qua những vùng địch chiếm đóng. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, liên quan đến sự sống còn của rất nhiều đồng chí, đồng đội và phong trào cách mạnh của ta.

Khi nhận lệnh, từ hang đá Ông Mọ, xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa), nơi đơn vị đóng quân, bà Sang vượt núi ra Nghĩa Lâm, lội sông Trà Khúc sang Tịnh Minh, Tịnh Bắc, đến Tịnh Bình, xuống Tịnh Thọ, qua Tịnh Phong, để đến vùng Đông Sơn. Mệnh lệnh trái tim đã thôi thúc bước chân nữ chiến sĩ giao liên thoăn thoắt. Bà Sang kể: Nguy hiểm nhất là khi đến thôn Thế Lợi, xã Tịnh Phong, địch hành quân với xe tăng dàn trận khắp nơi. Lúc này, thời gian giao bức mật lệnh không còn nhiều, nên bà Sang quyết định men theo bờ ruộng, nhanh chóng chạy về phía vùng Đông Sơn và đã hoàn thành việc chuyển mật lệnh. "Không thể tin rằng, ngày đó tôi lại có quyết định táo bạo đến thế", bà Sang bồi hồi.

Chuyện về những trinh sát điệp báo

Trong trận chiến 50 năm trước, những trinh sát điệp báo của Ban An ninh tỉnh và thị xã Quảng Ngãi làm nhiệm vụ dẫn bộ đội tiếp cận các căn cứ của địch trong lòng thị xã đã có những đóng góp rất lớn cho cuộc chiến, gây tổn thất nặng nề cho địch. Nguyên Tổ trưởng điệp báo B3, Ban An ninh tỉnh  Lê Văn Diêu (nguyên là Phó Giám đốc Công an tỉnh) cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ trinh sát, vẽ sơ đồ và nắm bắt quy luật đi lại của quân lính tại Sư đoàn 2 Mỹ- ngụy và dẫn đường cho các đơn vị đặc công tấn công vào các căn cứ của địch.

Ông Phạm Hồng Anh.                                                Ảnh: PV
Ông Phạm Hồng Anh. Ảnh: PV


Ông Diêu kể: Chúng tôi cùng Tiểu đoàn 406 xuất kích từ vùng Tịnh Khê, được đội thuyền của xã do Ban Giao vận tỉnh và huyện Sơn Tịnh tổ chức vận chuyển bí mật vượt qua sông Trà Khúc hướng lên thị xã. Khi đến địa điểm một đồng mía (nay thuộc phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi) đã là nửa đêm. Theo sự phân công, tôi dẫn một đại đội của Tiểu đoàn 406 di chuyển qua rạp Mỹ Vân (bến xe ngựa cũ), qua đường Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Nghiêm) đến đường Nguyễn Thái Học (nay là đường Ngô Quyền) vào mục tiêu cửa tây của Bộ chỉ huy Sư đoàn 2 Mỹ-ngụy.

Một cánh khác do đồng chí Trần Toa, là Đội trưởng an ninh, Ban An ninh thị xã Quảng Ngãi dẫn, tiến thẳng vào cổng trại thiết giáp của Sư đoàn 2 Mỹ-ngụy. Một cánh nữa do đồng chí Sơn (Dầu), thuộc Đội công tác thị xã dẫn một đại đội vào cửa đông (phía đường Nguyễn Du bây giờ). Đến “giờ G”, bộ đội ta tấn công các mục tiêu của địch, thì lực lượng trinh sát hoàn thành nhiệm vụ rút ra bên ngoài. Ông Diêu, nghẹn ngào nói: “Trước khi thực hiện nhiệm vụ, anh em hẹn địa điểm gặp nhau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trong đêm hôm ấy, tôi và đồng chí Trần Toa rút lui ra vị trí đã hẹn, nhưng chờ mãi vẫn không thấy anh Sơn ra. Đêm ấy, anh Sơn đã hy sinh, đến giờ tôi vẫn không sao quên được anh ấy”.

Lời thề với non sông

Dẫu thời gian có lùi xa, nhưng nguyên Chính trị viên Đại đội 95 đặc công Phan Thanh Hiệp vẫn không thể quên cái đêm chuẩn bị bước vào cuộc tổng tiến công. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đầu quấn chiếc khăn màu tro xám đề dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Lời thề với non sông, đất nước đó đã khắc sâu trong trái tim, khối óc của những chiến sĩ cách mạng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã đi sâu vào sào huyệt của địch và đã anh dũng hy sinh. Hình ảnh Trung đội trưởng đơn vị đặc công 506B Nguyễn Hợp là một trong rất nhiều niềm tự hào của bộ đội ta. Khi bị thương, biết mình khó qua khỏi nên đã nằm vắt người trên hàng rào kẽm gai, để làm cầu cho đồng đội vượt lên tiêu diệt địch. Cuối cùng anh đã hy sinh trong sự thán phục của đồng đội.

Có lẽ, chỉ với lòng quả cảm của những chiến sĩ cách mạng mới có những hành động gan dạ đến thế. Nguyên Chính trị viên Đại đội đặc công 506B, ông Phạm Hồng Anh kể: Lúc 7 giờ sáng ngày Mùng 1 Tết, đơn vị được lệnh tấn công, nhưng bị phản kích, nên lui về Trường Kim Thông để cầm cự (nay là Trường THCS Nguyễn Nghiêm). Địch sử dụng hỏa lực đánh vào trường, nhưng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị kiên cường đánh trả giáp lá cà trong phạm vi 7 - 8m và chỉ đánh bằng lựu đạn. Trong trận đánh ấy, bộ đội ta nhiều người hy sinh, nhưng địch phải chịu tổn thất không nhỏ.

Ân tình không thể quên

Nhắc lại trận đánh một mất, một còn với địch ở Trường Kim Thông, nguyên Chính trị viên Đại đội đặc công 506B Phạm Hồng Anh không sao quên được những người đã giúp ông thoát chết. Sau khi chiến đấu với địch, ông Anh bị thương nặng. Trong lúc rút lui, ẩn nấp trong ruộng mía ở khu vực ngã năm Quán Ấm thì nghe có tiếng thì thầm ở gần. Ông Anh thử dùng mật lệnh để liên lạc.

 
Không ai trả lời, cũng không có tiếng súng. “Là ai đó?”, ông Anh đánh tiếng. “Là anh em”, giọng nói vọng lại. Ông Anh tiếp tục: “Anh em nào?”. Vẫn giọng nói đó: “Chúng tôi trong nhà lao thoát ra, chưa ra khỏi thị xã vì không biết đường đi”. Sau đó, anh em ở nhà lao khiêng tôi chạy về hướng Nghĩa Lâm để đưa về căn cứ điều trị. Sau đó, nhiều anh em ở nhà lao xin tham gia vào đơn vị để tiếp tục chiến đấu. "Nếu không có họ, chắc có lẽ tôi  không thể thấy được quê hương, đất nước ngày giải phóng, Bắc-Nam sum họp một nhà”, ông Anh trầm giọng.

 


P.LÝ-NG.TRIỀU-X.THIÊN

-------------------

Kỳ 4: Để những mùa xuân mãi nở hoa   

               

.