Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:
Bản hùng ca Xuân 68 (kỳ 2)

08:01, 30/01/2018
.

TIN LIÊN QUAN


Kỳ 2: Một mùa xuân quả cảm

Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Ðài Tiếng nói Việt Nam ngân vang lời thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta". Lời thơ chúc Tết của Bác đã dấy lên tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho quân và dân ta khắp chiến trường miền Nam, trong đó có Quảng Ngãi.   
 
Đúng 2 giờ 30 phút, ngày 31.1.1968, tất cả các lực lượng vũ trang trong tỉnh đồng loạt nổ súng vào thị xã Quảng Ngãi, các thị trấn và vùng phụ cận, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Quảng Ngãi...

Những trận đòn sấm sét

Tại thị xã Quảng Ngãi, mục tiêu tấn công của bộ đội ta là Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 ngụy, Tòa hành chính tỉnh, Nhà lao Quảng Ngãi, Tỉnh đoàn Bảo an, Sân bay Quảng Ngãi, Đài Phát thanh, Ty Cảnh sát, Ga Ông Bố... Tại sân bay, các Tiểu đoàn  81, 83, D20, C trinh sát lần lượt đánh chiếm các khu vực. Mặc dù địch dùng hỏa lực chống trả quyết liệt, nhưng các mũi tiến công của ta vẫn dũng mãnh đánh chiếm trung tâm chỉ huy Trung đoàn 4 Chiến đoàn thiết giáp. Bộ phận trinh sát bí mật luồn sâu từ trung tâm sân bay đánh ra, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 3 máy bay, đốt cháy kho xăng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Đại tá Phan Long Châu (bên trái) và đại tá Đặng Kim Cương cùng nhau nhớ về trận đánh Xuân Mậu Thân 1968. ẢNH: P.V
Đại tá Phan Long Châu (bên trái) và đại tá Đặng Kim Cương cùng nhau nhớ về trận đánh Xuân Mậu Thân 1968. ẢNH: P.V

Đại tá Phan Long Châu, khi ấy là Chính trị viên phó Tiểu đoàn 81, đơn vị được giao đánh địch ở phía nam sân bay, cho biết: “Địch dùng đại liên, pháo cối phản kích, nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường chiến đấu, chiếm được nhiều vị trí quan trọng”. Trong ký ức của ông Châu, câu chuyện về người đồng đội tên Mai vẫn không phai nhòa. Ông Châu kể: Trong lúc giao chiến, địch bắn loạt đại liên thì anh Mai nằm im, đồng đội liền bảo: “Đồng chí Mai hy sinh rồi”. Nghe vậy, anh Mai vùng dậy, nói: “Không, tui còn sống”. Rồi chúng tôi tiếp tục tấn công tiêu diệt địch. Khí tiết của người chiến sĩ cộng sản là thế đấy, nào có nghĩ đến thân mình, còn sống là còn chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước.
 
Thiếu tá Hà Văn Thí.                      Ảnh: P.V
Thiếu tá Hà Văn Thí. Ảnh: P.V
Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn đặc công ghép 506A, 506B và Đại đội 95 Hà Văn Thí, năm nay đã 90 tuổi, hiện ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), bồi hồi nhớ lại: “Anh em chiến đấu quả cảm, nào có nghĩ đến chuyện hy sinh, cứ nhằm thẳng mục tiêu của địch mà đánh. Chỉ tiếc cho anh Khánh, quê ở miền Bắc vừa mới tăng cường vào được 3 ngày, chưa biết hết tên thì hy sinh ở Nhà lao Quảng Ngãi. Tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của anh Khánh đã khích lệ tinh thần để anh em trong đơn vị tiếp tục chiến đấu”.
Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 406 và Đại đội 21 bộ đội đặc công của tỉnh nổ súng đánh chiếm một phân khu nội thành, bao vây nhà Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 ngụy, diệt nhiều tên địch kháng cự, phá hủy một số xe thiết giáp... Đại đội 506A và Đại đội 95 đặc công của Bình Sơn cùng tham gia đánh chiếm Nhà lao Quảng Ngãi, giải thoát tù chính trị và đánh sập 2 lô cốt khu Tỉnh đoàn Bảo an... Đại đội đặc công 506B thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi đánh vào ngã năm Quán Ấm; một mũi đánh lên ngã ba Bồ Đề, Đài Phát thanh, một mũi tấn công Tòa hành chính tỉnh. Khi tiến vào ngã năm Quán Ấm thì bị địch rải dây thép gai nhiều lớp, nhằm cản đường tiến công của quân ta, bộ đội phải dùng bộc phá ống đánh liên tục để đánh phá và chiếm bốt ngã năm Quán Ấm...
 
Trực tiếp cùng đồng đội đánh chiếm Nhà lao Quảng Ngãi, nguyên Chính trị viên Đại đội 95 đặc công, đại tá Phan Thanh Hiệp, kể: Để đánh nhà lao, anh em phải vượt qua bãi mìn, hàng rào kẽm gai nhiều lớp. Địch ở trên cao dùng đại liên bắn trả quyết liệt. Anh Sáu, Đại đội phó Đại đội 506A, bò sát hàng rào, nâng khẩu B40 bắn liên tiếp bốn quả vào phía địch, khiến chúng náo loạn hàng ngũ. Một tổ đặc công lọt được vào nhà lao, Đại đội trưởng Đại đội 506A Nguyễn Ngọc Anh dùng súng AK bắn tung các ổ khóa phòng giam, giải thoát nhiều tù chính trị.

Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 48, đại tá Đặng Kim Cương (78 tuổi, ở TP.Quảng Ngãi) đã tham gia rất nhiều trận đánh, nhưng hằn sâu trong trí nhớ của ông vẫn là trận Xuân Mậu Thân 1968. Năm ấy, Tiểu đoàn 48 có nhiệm vụ đánh chiếm Cao điểm 45 ở phía bắc cầu Trà Khúc. Đại tá Cương kể: Vào lúc 3 giờ sáng ngày Mùng 1 Tết, Tiểu đoàn 48 đã chiếm được Cao điểm 45, làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên địch. Đến 5 giờ sáng, bộ đội rời khỏi cao điểm, riêng Đại đội 3 ở lại làm nhiệm vụ giữ đồi, trong đó có đại tá Cương, thì sau đó bị địch phản kích.

Lúc bấy giờ đại tá Cương chỉ còn 2 viên đạn, nhưng cũng kịp bắn cháy 1 xe tăng, tạo thời cơ để những anh em còn lại thoát ra khỏi đồi và trở về đơn vị ở Tịnh Khê an toàn lúc 17 giờ chiều. Ghi nhận những chiến công đó, đại tá Cương được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới. Đại tá Cương, kể: “Sau trận đó, anh em tiểu đoàn càng thêm quyết tâm tiêu diệt giặc Mỹ, tiếp tục chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng, quyết một tấc không đi, một li không rời”.

Hừng hực khí thế tiến công

Chủ tịch Hội CCB tỉnh, đại tá Huỳnh Minh Giữ cho rằng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 là một bản hùng ca trong lịch sử đấu tranh của dân tộc đi cùng với non sông, đất nước trong suốt 50 mùa xuân qua và cả mai sau.

 

Tinh thần đấu tranh của quần chúng luôn sục sôi

Mặc cho bị địch đàn áp, bị thương vong, nhưng không gì có thể ngăn nổi ý chí đấu tranh sục sôi của quần chúng nhân dân. Ông Lê Nam Hà (85 tuổi) - nguyên Phó Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi trong chiến tranh, không thể quên khí thế của dòng người kéo vào thị xã ngày ấy. “Nghe bộ đội đánh giặc Mỹ, dân bỏ nhà trống để vào thị xã chờ tiếp quản. Lúc đi, mọi người gói theo cả bánh tét, bánh khô… Nhưng rồi, địch thả bom ác liệt, bà con phải di tản dần”, ông Hà nhớ lại.

Cùng với tiến công ở trung tâm tỉnh lỵ, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Sơn Tịnh còn đánh vào núi Sứa, cầu Trường Xuân và tiến công vào quận lỵ Sơn Tịnh; LLVT huyện Đức Phổ tiến công vào thị trấn Đức Phổ, trận địa pháo Gò Hội; ở Mộ Đức thì đánh vào cứ điểm Mồ Côi, phá hủy 6 khẩu pháo 105 của địch. Còn LLVT huyện Ba Tơ được một số binh sĩ ngụy nội ứng tiến công tiêu diệt một đại đội “Trường Sơn”; tại huyện Trà Bồng tiến công địch ở khu vực Gò Đá, Tà Lạc, Trà Nham...

 Tại huyện Tư Nghĩa, trung đội đặc công đánh vào cứ điểm Núi Bút, đánh chiếm 2 lô cốt. Du kích và đội công tác cùng với quần chúng các xã Nghĩa Dõng, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà, Nghĩa An, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương đã bức địch rút bỏ các đồn, giải phóng hoàn toàn các xã nói trên. Cùng trong đêm 30 rạng ngày 31.1.1968, Đại đội 75 huyện Tư Nghĩa đã phối hợp với hơn 7.000 quần chúng kéo vào đánh chiếm huyện lỵ Tư Nghĩa, buộc hai trung đội nghĩa quân ở Nghĩa Dõng ra đầu hàng... Đúng như lời cụ Phạm Thanh Biền, khí thế đấu tranh của quân và dân ta “rầm trời, rầm đất”, khiến địch hoảng loạn.

Ngọn lửa cách mạng đã thổi bùng tinh thần quật khởi trong lòng dân, vốn lâu nay sục sôi lòng căm phẫn trước sự tàn bạo của Mỹ - ngụy. Trong khi LLVT tiến công tiêu diệt địch ở thị xã, thị trấn, các quận lỵ, thì nhân dân các huyện cũng đồng loạt nổi dậy, đấu tranh chính trị. Tại Sơn Tịnh có khoảng 12.000  người kéo về thị xã, 4.000 người xông vào quận lỵ Sơn Tịnh, phối hợp cùng 10.000 quần chúng đang bị kìm kẹp ở khu dồn vùng dậy đấu tranh trở về làng cũ. Ở Tư Nghĩa, hàng chục nghìn quần chúng từ các xã phía đông kéo lên, các xã phía tây kéo xuống quận lỵ đổ về thị xã Quảng Ngãi với giáo mác, gậy gộc, băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu đấu tranh chính trị. Các huyện khác cũng có hàng chục nghìn người kéo về quận lỵ, thị trấn biểu tình.

 

P.Lý-Ng.Triều-X.Thiên

-------------------

Kỳ 3: Những tháng ngày không thể nào quên


 


.