Quy định tiêu chuẩn chức danh: Việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

02:11, 28/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy Quảng Ngãi luôn nhất quán quan điểm chỉ đạo trong công tác cán bộ là: “Không quy hoạch, bổ nhiệm lần đầu cán bộ lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh từ cấp phòng trở lên đối với những người sinh từ sau năm 1975 trở đi, nhưng không có bằng tốt nghiệp đại học chính quy (trường hợp đặc biệt do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định)... Chỉ đạo đó được các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh cơ bản chấp hành nghiêm túc...

Phải chuẩn hóa tiêu chuẩn chức danh   

Cụ thể hóa chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 16.6.2015 và mới đây được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định số 61/2017/QĐ-UBND ngày 15.9.2017 về Quy định tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố; cấp trưởng, cấp phó các  đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, UBND huyện, TP.Quảng Ngãi.

Kiểm tra  hồ sơ cán bộ tại huyện Nghĩa Hành.                                                                                                                                                      Ảnh: TL
Kiểm tra hồ sơ cán bộ tại huyện Nghĩa Hành. Ảnh: TL


Theo đó, trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành sinh từ năm 1965 - 1975 phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Trường hợp tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có bằng thạc sĩ; có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội, có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, được đơn vị tín nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 3 năm liền kề gần nhất, có thể xem xét bổ nhiệm lần đầu. Các trường hợp sinh từ sau năm 1975 trở đi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Đối với tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương cấp huyện cũng cơ bản như cấp tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất Kết luận một số tiêu chí để xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026. Cụ thể là: Những đồng chí sinh từ năm 1965-1975 phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy, hoặc nếu không có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy thì phải có bằng thạc sĩ. Những đồng chí sinh từ sau năm 1975 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy...

Các trường hợp đặc biệt (kể cả quy hoạch cán bộ tỉnh và các huyện, thành phố), Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể trong quá trình rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch hằng năm. Trước khi ban hành Kết luận đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận công khai, dân chủ và đi đến thống nhất, nên phải nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Trung ương chỉ đưa ra yêu cầu bổ nhiệm trưởng, phó phòng phải có trình độ đại học, không nêu cụ thể là chính quy hay tại chức, trong khi tỉnh ta yêu cầu đại học chính quy là chưa đúng. Tôi khẳng định rằng, việc vận dụng này là không sai, vì chúng ta yêu cầu trình độ cao hơn quy định của Trung ương; nếu chúng ta hạ thấp tiêu chuẩn chức danh thì mới gọi là sai. Tỉnh cũng sẽ vận dụng linh hoạt để trọng dụng những cán bộ thật sự có năng lực, có uy tín trong cơ quan, với dân, mặc dù không đủ tiêu chuẩn quy định về chức danh...


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy NGUYỄN THANH QUANG


Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đoàn Dụng, việc tỉnh có đề cập đến bằng tốt nghiệp đại học chính quy, tại chức khi bổ nhiệm cán bộ không phải là nặng về bằng cấp, mà nhằm từng bước chuẩn hóa quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách hành chính, nhất là xây dựng chính quyền điện tử. Với một số trường hợp học đại học tại chức, nhưng vẫn được bổ nhiệm trong thời gian qua là do cán bộ này có bằng thạc sĩ, có năng lực vượt trội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sự tín nhiệm cao của đơn vị nơi công tác. Một số cán bộ nhận thấy chưa đủ tiêu chuẩn chức danh theo quy định, hoặc muốn phát triển hơn nữa trong sự nghiệp, nay tự nguyện đi học lại là việc làm bình thường của cá nhân đó.

Tạo sự công bằng cho người học chính quy

Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo hệ chính quy bao giờ cũng hơn hệ đào tạo tại chức. Căn cứ có thể chỉ ra là, thi đầu vào hệ đại học chính quy thấp nhất cũng từ 15-17 điểm mới đỗ, cá biệt có khi 25- 27 điểm cũng rớt; còn đối với hệ tại chức, từ xa thì đầu vào dễ hơn. Tất nhiên, học tại chức cũng có những người giỏi, nhưng số này không nhiều.

Ông Đoàn Dụng cho rằng, việc tỉnh quy định cán bộ lãnh đạo, quản lý sinh sau năm 1975 phải có bằng đại học chính quy là hợp lý, vì thời điểm lúc bấy giờ đất nước thống nhất,  có điều kiện để học tập. Từ năm 1975 đến nay, đội ngũ cán bộ học đại học chính quy rất nhiều. Hiện trên địa bàn tỉnh, sau kỳ thi công chức, viên chức, còn dư gần 5.000 sinh viên đào tạo chính quy chưa có việc làm. Đối với kỳ thi tuyển giáo viên, có 5.200 thí sinh nộp hồ sơ, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 1.650 người... Từ thực tế đó, quy định tuyển dụng, bổ nhiệm người có bằng tốt nghiệp đại học chính quy là chính đáng.

Theo ông Dụng, đối với trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương cấp huyện, sở dĩ tiêu chuẩn có thấp hơn so với cấp tỉnh là nhằm đáp ứng yêu cầu số lượng cán bộ quản lý trước mắt, nhưng về sau này thì cũng phải khắc phục triệt để. Có như thế mới từng bước tạo nguồn cán bộ có chất lượng từ cơ sở đến tỉnh. Qua thanh tra, Sở Nội vụ nhận thấy, công tác bổ nhiệm cán bộ ở một số sở, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. “Từ nay về sau, tỉnh sẽ kiên quyết không bổ nhiệm và bổ nhiệm lại đối với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn chức danh như đã quy định”, ông Dụng nhấn mạnh.
                             

P. ĐỨC- P.LÝ


 


.