Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp

09:11, 15/11/2017
.

Với 87,78% đại biểu tán thành, sáng 15/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp.

 

Kết quả biểu quyết
Kết quả biểu quyết


Luật được thông qua gồm 12 chương, 108 điều với các quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp; chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp; phân loại rừng; những hành vi bị nghiêm cấm; quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm…

Về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp, Luật quy định rõ: Rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.

Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng.

Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp.

Tuân thủ điều ước quốc tế liên quan đến lâm nghiệp mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này hoặc văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.  

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp, Luật quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế--xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp…

Luật cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật. Đưa chất thải, hoá chất độc hại, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy vào rừng trái quy định, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng. Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật. Hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng. Vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, phòng, trừ sinh vật gây hại rừng, quản lý các loài ngoại lai xâm hại, dịch vụ môi trường rừng…

Về quy định chuyển tiếp (Điều 108), Luật quy định rõ: Chủ rừng đã được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao, cho thuê; thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Chủ rừng là tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng sản xuất trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao; quyền và nghĩa vụ được thực hiện theo quy định tại điểm a, c, d khoản 1 và khoản 2 Điều 79 của Luật này.

Đối với các dự án thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải phóng mặt bằng trước khi Luật này có hiệu lực thi hành, phải trồng rừng thay thế theo quy định tại Điều 21 của Luật này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát diện tích rừng tự nhiên hiện có để đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Về hiệu lực thi hành, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
 

Theo Nguyễn Hoàng/Chinhphu.vn

 


.