Bí thư Quảng Ngãi nói về việc học thạc sĩ phải có bằng ĐH chính quy

05:11, 24/11/2017
.

“Theo tôi, quy định của tỉnh Quảng Ngãi về việc đối với người sinh từ năm 1975 về sau phải tốt nghiệp ĐH chính quy mới được bổ nhiệm chức danh là hơi muộn. Đúng ra, cần quy định thời gian tuổi phải trước năm 1975, có như vậy mới sớm lựa chọn được đội ngũ cán bộ có nền kiến thức tốt”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nói.     

 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ.

 

Liên quan đến vấn đề tỉnh Quảng Ngãi ban hành và thực hiện quy định: "Cán bộ sinh từ năm 1975 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp đại học (ĐH) chính quy mới được bổ nhiệm chức danh trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành UBND huyện, thành phố" gây nhiều tranh cãi, phóng viên Dân Việt có trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi - Lê Viết Chữ.
 
Ông Lê Viết Chữ nói: "Quy định như vậy cũng có điểm hay, nghĩa là làm cho đội ngũ cán bộ tốt hơn, chất lượng hơn. Phần lớn những người trước đây làm lãnh đạo, họ sinh ra và lớn lên vào thời gian đất nước đang chiến tranh nên không có điều kiện đi học ĐH chính quy, phải học hệ tại chức để nâng cao trình độ. Thời điểm đó không phân biệt đào tạo hệ chính quy hay tại chức để bổ nhiệm.
 
Còn đối với thế hệ sinh ra khi đất nước thống nhất (1975) thì phải khác. Cần phải nói để thi đỗ ĐH ở Việt Nam rất khó, đòi hỏi phải có trí tuệ, học hành tử tế mới đạt được. Nhiều người như vậy, nhưng sau khi ra trường lại không được vào cơ quan nhà nước làm. Trong khi đó, có những người không thi đỗ ĐH, sau khi vào cơ quan nhà nước, họ đi học ĐH hệ tại chức, chất lượng đầu vào và quá trình đào tạo giữa chính quy và tại chức là một khoảng cách lớn. Nhiều trường hợp tốt nghiệp ĐH hệ tại chức xong, họ lại học tiếp thạc sĩ. Ở góc độ nào đó sự nỗ lực này cũng đáng ghi nhận.
 
Tuy nhiên vấn đề đào tạo ĐH hệ tại chức, dư luận lâu nay nêu nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng. Nếu như không có quy định như của tỉnh thì không thể đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức được. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đứng trước áp lực có nhiều trường hợp học ĐH chính quy, họ nói những người làm trong nhà nước không phải là người giỏi. Chính vì thế chúng ta phải có quy định để sàng lọc dần dần, để lựa chọn ra cán bộ giỏi".
 
Như vậy, theo quy định của tỉnh, vấn đề bằng cấp là tiêu chí để đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ thưa ông?
 
- Cần phải nói vấn đề bằng cấp chỉ là một chuyện, không phải căn cứ vào bằng cấp nói người này giỏi, người kia không giỏi. Nhưng theo mặt bằng chung để nói, đối với người học ĐH chính quy, họ có năng lực trí tuệ nhất định, được sàng lọc qua kỳ thi tuyển quốc gia, điều này khác hoàn toàn so với người học ĐH tại chức. Còn người tốt nghiệp ĐH chính quy ra làm việc cũng phải rèn luyện, phấn đấu mới trở thành cán bộ tốt được, không phải cứ học ĐH chính quy sau khi ra trường là tốt ngay.
 
Theo tôi quy định của tỉnh, đối với người sinh từ năm 1975 về sau phải tốt nghiệp ĐH chính quy mới được bổ nhiệm chức danh là hơi muộn. Đúng ra phải quy định thời gian tuổi phải trước năm 1975, có như vậy mới sớm lựa chọn được đội ngũ cán bộ có nền kiến thức tốt.
 
Theo quy định của tỉnh, cán bộ từng học ĐH tại chức, nay dù có bằng thạc sĩ vẫn không có cơ hội được bổ nhiệm chức danh thưa ông?
 
- Không làm cán bộ lãnh đạo thì làm nhân viên, đối với cán bộ lãnh đạo thì phải chuẩn mực. Quy định ở đây là để sàng lọc, chọn ra những người có năng lực trí tuệ, được đào tạo bài bản để bổ nhiệm. Còn những trường hợp cụ thể như với miền núi, vùng sâu vùng xa thì sẽ có chính sách phù hợp khác. Tôi xin nhắc lại chuyện bằng cấp chỉ là một yếu tố, còn năng lực thực tiễn, việc vận dụng lý thuyết vào thực tiễn thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ mới là quan trọng.
 
Báo chí vừa qua cũng thông tin về quy định của tỉnh và có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng không nên quy định như thế, còn phần lớn báo chí ủng hộ nên quy định như vậy.
 
Trường hợp cán bộ học ĐH tại chức, họ tiếp tục phấn đấu học lên thạc sĩ, nếu muốn được bổ nhiệm thì họ phải quay lại học ĐH chính quy?
 
- Không phải vậy, quy định trên là áp dụng với trường hợp bổ nhiệm mới, còn bổ nhiệm lại chưa có quy định. Không ai nói, học ĐH tại chức đã làm việc rồi phải quay lại học ĐH chính quy. Đó là báo chí chưa đủ thông tin khi viết bài nên đã suy diễn theo ý họ.
 
Tôi cũng phải nói có những người học ĐH tại chức nhưng họ rất giỏi. Trường hợp đặc biệt, dù là học ĐH tại chức nhưng có năng lực, có phẩm chất đạo đức, thực tế chứng minh người đó đủ năng lực đảm nhận cương vị thì cấp có thẩm quyền sẽ xem xét bổ nhiệm. Còn không ai bắt buộc người cán bộ đó phải đi học ĐH chính quy.
 
Xin cảm ơn ông (!)
 
Theo Ngọc Lương/ Báo Dân Việt

.