Những đứa con của trại nhà nghèo

02:10, 25/10/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Câu chuyện bắt đầu từ bức thư Hồ Chủ tịch gửi Ban Quản trị và anh em Trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi, đăng trang nhất của tờ báo Quyết Chiến, số 232, ra ngày 5.6.1946, do một nhà báo ở Huế lưu giữ và tặng lại cho Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ đó mà sau hơn 70 năm, những đứa trẻ ở trại nhà nghèo năm xưa mới được đọc thư Bác Hồ.

Chúng tôi tìm gặp những đứa trẻ từng sinh ra và lớn lên ở trại nhà nghèo. Anh Huỳnh Văn Mai (50 tuổi), một trong những người từng ở trại nhà nghèo, nói cười giòn tan: “Nghèo miết sao được, chẳng phải Bác Hồ đã dạy rồi đó sao, từ trại nhà nghèo tiến tới nhà khá, dần dần thành nhà giàu”.

 Ghi nhớ lời Bác dạy

Nhà anh Huỳnh Văn Mai ở cạnh ký túc xá Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thuộc tổ dân phố 3, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi). Ngày trước, trại nhà nghèo ở ngay vị trí ký túc xá bây giờ. Cha của anh Mai là thư ký của trại nhà nghèo.

 

Anh Huỳnh Văn Mai trong một lần hiến máu tình nguyện.
Anh Huỳnh Văn Mai trong một lần hiến máu tình nguyện.


Chuyện về trại nhà nghèo được những người lớn tuổi kể lại rằng, từ sau nạn đói lịch sử năm 1945 ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nhiều người lên tàu hỏa vào Nam và dừng chân tại ga Quảng Ngãi. Chứng kiến nhiều người sống cảnh “màn trời chiếu đất”, thầy giáo Trần Trọng Hải (lúc bấy giờ là hiệu trưởng Trường tiểu học tư thục Mai Xưa, ở cạnh Bưu điện tỉnh ngày nay) kêu gọi quyên góp, ủng hộ thành lập Ban cứu tế, rồi dựng láng trại, trại nhà nghèo ra đời từ đấy. Tồn tại hơn 31 năm, đến cuối năm 1976 thì trại nhà nghèo chính thức giải thể.  

“Tôi vừa tiếp được bức ảnh thêu và phong thư. Trước hết, tôi cảm ơn tấm lòng nhân ái của anh em đối với tôi. Hai là tôi phải khen rằng anh em thêu rất khéo. Bức thêu đó đã tỏ rằng: Thủ công nghệ của nước ta, mai sau chẳng những có thể tranh đua, mà lại có thể tranh giải nhất của thủ công nghệ trong thế giới. Ba là tôi mong anh em sẽ cho tôi biết cách tổ chức và đời sống của anh em trong trại. Bốn là tôi ước ao rằng: Nhờ sự cần kiệm của anh em, Trại nhà nghèo sẽ mau tiến tới thành Trại nhà khá, rồi dần dần thành Trại nhà giàu để làm kiểu mẫu cho anh em khác” (trích thư Bác Hồ gửi Ban quản trị và anh em Trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi viết ngày 28.3.1946)

Lại nói chuyện anh Mai, người thầy giáo từng dạy anh lúc nhỏ, ông Phạm Có (81 tuổi, cũng ở tổ 3, phường Nghĩa Chánh), đến giờ vẫn cứ tấm tắc khen: “Ngày ấy, trẻ con ở trại nhà nghèo rất quý cái chữ. Tôi thương nhất là trò Mai, buổi đi học, buổi đi làm thuê mà học giỏi”.

Nhưng tiếc là khi đó cuộc sống gia đình quá khó khăn, anh Mai buộc phải bỏ dở việc học, sau đó thì làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Anh có thâm niên 20 năm chạy xe ba gác. Anh Mai bảo, phải cố gắng làm để kiếm tiền nuôi ba đứa con học đến nơi đến chốn, bù cho cha nó ngày trước học hành “đứt gánh”.

Không chỉ có ông giáo Phạm Có ngợi khen không đâu, những người từng ở trại nhà nghèo, người dân ở Nghĩa Chánh đều thương cái tính “hay lam hay làm” và sống có nghĩa có tình của anh Mai, bởi vậy từ năm 24 tuổi anh đã được người dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố, hiện là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 3, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nghĩa Chánh.  

Hơn ai hết, những người từng sống ở trại nhà nghèo như anh Mai thấm thía giá trị của tình người, vì đã từng sống trong sự đùm bọc, cưu mang của cộng đồng, xã hội. Bởi vậy, dù cuộc sống gia đình còn khó khăn, anh vẫn giang rộng vòng tay giúp đỡ người nghèo khó.

Tính đến nay, anh Mai đã 22 lần hiến máu tình nguyện. Bình quân mỗi năm anh vận động các tổ chức, cá nhân tặng hơn 500 suất quà cho người nghèo, với kinh phí hơn 200 triệu đồng. Cách đây vài năm, khi ra Hà Nội nhận bằng khen của Chủ tịch nước vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện, anh mừng đến rơi nước mắt vì lần đầu tiên được vào lăng viếng Bác Hồ, nhưng nào có biết chuyện Bác Hồ từng gửi thư động viên anh em ở trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi.

Mới đây, khi đọc được bức thư của Bác Hồ gửi trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi từ cách đây hơn 70 năm sau khi Bác nhận được bức tranh thêu chân dung của Bác do anh em ở trại nhà nghèo thêu tặng, anh Mai bùi ngùi: “Lời của Bác Hồ gần gũi, chân tình, đây là món quà quý mà thế hệ được sinh ra và lớn lên ở trại nhà nghèo như chúng tôi và cả con cháu đời sau khắc sâu trong lòng để không ngừng cố gắng”.  

Chuyện không bao giờ quên  

Trong câu chuyện kể về trại nhà nghèo, chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe chuyện về gia đình ông Đỗ Hầu (65 tuổi, tên thường gọi là Hậu, nhà cũng ở cạnh ký túc xá Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chi nhánh Quảng Ngãi). Lâu lắm rồi không ai nhắc đến trại nhà nghèo nên ông Hầu chôn chặt trong ký ức.

Giờ nhớ lại, ông nhiều lần nấc nghẹn. Ông Hầu kể, ngày ấy ở trại nhà nghèo mọi người sống với nhau có nghĩa có tình. Người mạnh khỏe thì đan chiếu, làm sọt, trồng trọt, bán được bao nhiêu tiền lấy làm quỹ chung để cải thiện cuộc sống cho tất cả mọi người trong trại.

 

Bức ảnh kỷ niệm ở Trại cứu tế (tên gọi sau năm 1955 của Trại nhà nghèo, ảnh do ông Đỗ Hầu cung cấp)
Bức ảnh kỷ niệm ở Trại cứu tế (tên gọi sau năm 1955 của Trại nhà nghèo, ảnh do ông Đỗ Hầu cung cấp)


Cha của ông Hầu từng là trại trưởng trại nhà nghèo. Chuyện về hai cụ thân sinh của ông Hầu khiến cho nhiều người cảm động. Cha ông Hầu tên Định, quê Hải Dương; mẹ tên là Qu, quê Thừa Thiên-Huế. Lúc hai cụ còn sống, ông Hầu nghe kể lại rằng, trên chuyến tàu từ Bắc vào Nam năm ấy, cả hai ông bà gặp nhau như định mệnh. Chen lấn theo đoàn người vào Nam, bà Qu dẫn theo hai đứa con nhỏ, nhưng đau xót thay đứa con gái 2 tuổi bị rơi xuống tàu.

Đoàn tàu vẫn cứ xình xịch xuôi về phương Nam trong nỗi đau tuyệt vọng của người mẹ mất con. Người đàn ông tên Định đã trở thành điểm tựa để bà Qu chia sẻ trong lúc tột cùng nỗi đau, và cả hai đã nên nghĩa vợ chồng, sinh sống những tháng ngày đầy ắp tình thương ở trại nhà nghèo, 5 đứa con của họ lần lượt chào đời.

Ông Hầu là giáo viên dạy ở Trường THCS Nghĩa Dũng, nay đã nghỉ hưu. Các con của ông cũng được học hành đàng hoàng, có người làm công chức nhà nước. “Tôi chưa bao giờ mặc cảm vì từng ở trại nhà nghèo, mà lại tự hào, dù nghèo khó nhưng vẫn luôn cố gắng”, ông Hầu trải lòng.

                                                                        ***
Trong cuộc đời này, tình yêu thương giữa con người với con người là cao quý hơn cả. Với những người từng sinh sống ở trại nhà nghèo, đó là quãng thời gian dẫu cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng giàu tình thương, và ở họ không ngừng quyết tâm để xây dựng cuộc sống khấm khá hơn.
 

PHƯƠNG LÝ

 


.