Đâu là khâu yếu trong công tác bổ nhiệm cán bộ (kỳ 2)

06:10, 17/10/2017
.

 


 

 

* Kỳ 2: Phải dân chủ, khách quan, minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, ngày 27.7.2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận 421 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ.

Kết luận này vừa thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ, khắc phục những lỗ hổng trong quy trình thẩm định; đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
 
“Qua kết luận thanh tra của Sở Nội vụ, những trường hợp bổ nhiệm cán bộ tại các địa phương khi chưa tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên cần phải nghiêm túc chấn chỉnh. Bởi tiêu chuẩn lý luận chính trị đối với cán bộ lãnh đạo là rất quan trọng”.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy NGUYỄN CHÍN

Thực hiện quy trình “5 bước”

So với quy trình “4 bước” như trước đây, Kết luận 421 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thêm một bước nữa là hội nghị tập thể lãnh đạo “mở rộng” lựa chọn nhân sự ban đầu (thành phần gồm tập thể lãnh đạo, đảng ủy hoặc chi ủy cơ quan, đơn vị, trưởng phòng và tương đương, trưởng đơn vị trực thuộc và trưởng các tổ chức đoàn thể). Trên cơ sở cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, cách làm, quy trình giới thiệu đã thống nhất, tiến hành lấy phiếu phát hiện, giới thiệu nguồn nhân sự bằng phiếu kín.

Mỗi đồng chí chỉ giới thiệu 1 người cho 1 chức danh trong số các đồng chí trong quy hoạch, hoặc giới thiệu đồng chí khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Đồng chí nào đạt số phiếu cao nhất, trên 50% số phiếu giới thiệu thì được lựa chọn. Trường hợp không có đồng chí nào đạt trên 50% số phiếu giới thiệu thì chọn 2 đồng chí có số phiếu giới thiệu cao nhất từ trên xuống, để giới thiệu cho mỗi chức danh ở các bước tiếp theo.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín, cho rằng: Điểm nổi bật của quy trình “5 bước” là dân chủ hơn, khách quan, minh bạch hơn, bảo đảm sự chặt chẽ, tạo sự đồng thuận trong công tác chuẩn bị nhân sự. Nó được thể hiện trong việc cấp ủy không định hướng cụ thể nhân sự, không chọn ai để bổ nhiệm mà định hướng bằng các tiêu chuẩn, tiêu chí và cấp ủy thảo luận, bàn về cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, cách làm, quy trình giới thiệu, thực tế nguồn nhân sự đối với chức danh được bổ nhiệm.

 Lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh ký cam kết thực hiện Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.             Ảnh: PV
Lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh ký cam kết thực hiện Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: PV


Đến bước cuối cùng là hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 3) để thảo luận, phân tích kết quả lấy phiếu của các hội nghị trước đó; xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) và biểu quyết giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Nếu thực hiện đầy đủ, chặt chẽ “5 bước” thì rõ ràng sẽ không xảy ra hiện tượng “chạy chức” được, vì nếu ai muốn “chạy” thì không thể “chạy” tất cả được. Vì khi đã công khai, dân chủ thì trong nội bộ cũng sẽ phát hiện, ngăn chặn ngay và người có quyền lực cũng biết điểm dừng, biết làm thế nào cho đúng.

Mặc dù chỉ thêm “1 bước” so với trước đây, nhưng đây là bước quan trọng, được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mới trong công tác cán bộ. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang cụ thể hóa Kết luận 421 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tùy tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ xây dựng các bước cụ thể, có thể sáng tạo hơn.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Đồng, cho biết: Cơ cấu bộ máy hành chính ở cấp huyện không giống như tỉnh, nên việc xây dựng quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ cụ thể, rõ ràng hơn. Ví dụ, đối với cơ quan, đơn vị không có đơn vị, tổ chức trực thuộc thì không thực hiện bước 4; đối với cơ quan, đơn vị chưa có cấp trưởng hoặc chưa có cấp phó (hoặc không có cấp phó), thì bước 1 do người phụ trách cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm và thực hiện bước 2, bước 3, công bố kết quả kiểm phiếu tại bước 3 và lựa chọn nhân sự đề nghị ban thường vụ huyện ủy xem xét, quyết định. Đồng thời, đối với các đảng bộ cơ quan, chi bộ cơ quan trực thuộc huyện ủy cũng phân định rõ cách thức thực hiện. Việc quy định kín kẽ  này, sẽ đảm bảo tính chặt chẽ trong quy trình bổ nhiệm cán bộ ở địa phương.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Quy trình “5 bước” thể hiện tính công khai, minh bạch hóa tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của tập thể, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho cấp ủy trong việc quản lý và quyết định công tác cán bộ. Từ đây, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu, trách nhiệm của tập thể trong việc giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ đã được thể hiện rõ nhất trong tư duy, tính quyết đoán về “phương án cán bộ” của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Bí thư Huyện ủy Tây Trà Phạm Xuân Vinh cho biết: Tôi mới được tổ chức phân công nhiệm vụ, nhưng với tư cách người đứng đầu địa phương, tôi xin nhận trách nhiệm về những sai sót, tồn tại trong công tác bổ nhiệm cán bộ của huyện trước đây. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và thống nhất các giải pháp khắc phục yếu kém trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã làm việc với Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học Nội vụ (cơ sở miền Trung), để mở các lớp lý luận chính trị - hành chính, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 100 cán bộ quản lý cấp trưởng, phó phòng, cán bộ nguồn quy hoạch, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025. Đối với những trường hợp quy hoạch, bổ nhiệm mới, chúng tôi chọn người có năng lực, đủ tiêu chuẩn, để bố trí, hướng đến chuẩn hóa đội ngũ cán bộ.

Công tác cán bộ luôn mang dấu ấn của người đứng đầu địa phương, đơn vị, không chỉ trong một nhiệm kỳ, một giai đoạn, mà còn ảnh hưởng lâu dài đến phong trào của đơn vị, địa phương sau này. Nói cách khác, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện, cao nhất về công tác cán bộ. Những sai phạm của cán bộ do mình đề nghị bổ nhiệm và cán bộ trong thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình, người đứng đầu đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp, những vấn đề cán bộ của cấp dưới thì phải chịu trách nhiệm liên đới. Trên thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có chế tài, giải pháp để giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ thông qua việc ban hành Quyết định 306 “về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cho biết: Quyết định 306 xuất phát từ thực tiễn của công tác cán bộ từ nhiều năm nay. Quyết định này cũng nói rõ hình thức khen thưởng và xử lý vi phạm. Nếu người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công vụ; chấp hành tốt Quy định này, thì được xem xét khi giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm lại, bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Chính do chậm đổi mới tư duy, quan niệm, không điều chỉnh kịp thời theo yêu cầu cuộc sống nên việc tuyển chọn và bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý chưa thật sự thực hiện theo cơ chế “có vào, có ra”, “có lên, có xuống”, thường là “đưa lên rồi hạ xuống” rất khó. Vì vậy, ở nhiều cơ quan, đơn vị còn có tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” lãnh đạo, quản lý; chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều địa phương còn ngần ngại trong việc đề bạt, bổ nhiệm lực lượng trẻ, chỉ chú trọng nhiều vào những người có thâm niên, theo kiểu "sống lâu lên lão làng". Do đó, mục đích của việc ban hành Quyết định này là xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm, hành vi vi phạm và mức độ xử lý hành vi vi phạm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đó có liên quan đến công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Kết luận 421 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được xem là mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, đáng tin cậy, nhằm tạo sự đồng thuận. Tuy nhiên, để quy trình bổ nhiệm cán bộ thật sự đổi mới theo hướng tốt lên, đòi hỏi người thực hiện phải thật sự công tâm, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đó còn là tinh thần trách nhiệm, vì tập thể của mỗi cấp ủy trong việc bổ nhiệm cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới


 SA HUỲNH- SÔNG THƯƠNG

 


.