70 năm tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc": Bài học còn nguyên giá trị thực tiễn sâu sắc (kỳ 1)

08:10, 26/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 10.1947, tại Việt Bắc, với bút danh XYZ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”. Đến nay đã 70 năm trôi qua, nhưng tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thực tiễn hết sức sâu sắc, nhất là trong giai đoạn Đảng ta đang tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được đề cập tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
 

Kỳ 1: Những cách làm sáng tạo

Vận dụng sáng tạo nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quảng Ngãi đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, với phương châm: Nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, khuyết điểm để khắc phục; coi phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng; lấy sự hài lòng của người dân, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền và từng cán bộ, đảng viên...



Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi luôn nhất quán phương thức lãnh đạo là bám sát thực tiễn địa phương để xây dựng nghị quyết (NQ), thực hiện NQ của Đảng và giải quyết ngay những vấn đề phát sinh từ cơ sở và thực tiễn đặt ra; tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của cấp ủy, nhưng không bao biện làm thay; phát huy sự chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong tỉnh...

Bám sát thực tiễn địa phương để điều hành

Hằng năm, Tỉnh ủy đều xác định chủ đề, nhằm tập trung các nguồn lực để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và theo lộ trình được xác định trong NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Năm 2016, Tỉnh ủy xác định chủ đề “Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư” và năm 2017 là: “Đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp”.

Cán bộ Bộ phận một cửa của UBND xã Đức Hiệp (Mộ Đức) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.                                                    ẢNH: PV
Cán bộ Bộ phận một cửa của UBND xã Đức Hiệp (Mộ Đức) hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. ẢNH: PV

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ, cho rằng: Đây là sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy khóa XIX. Mục tiêu của việc đổi mới này là nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, phấn đấu sớm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020. Với định hướng đó, việc ban hành các NQ, Kết luận (KL) chuyên đề của Tỉnh ủy khóa XIX cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo và có chất lượng; không rập khuôn theo kiểu “Trung ương có cái gì thì tỉnh cũng có cái đó”. Nét mới trong nhiệm kỳ này là, với những vấn đề lớn, mới lần đầu đề cập thì Tỉnh ủy thảo luận, ban hành NQ chuyên đề, để tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện, như: NQ 01 về phát triển kinh tế biển, đảo; NQ 02 về phát triển hạ tầng; NQ 03 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi; NQ 04 về phát triển dịch vụ, du lịch và NQ 05 về cải cách thủ tục hành chính.
 

Sửa đổi lối làm việc là việc làm thường xuyên


Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ, sửa đổi lối làm việc là việc làm thường xuyên của của các cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Quy định đối thoại trực tiếp với dân là để người đứng đầu của Đảng thực sự đến với dân gần hơn, nghe dân nói, nghe một cách đầy đủ mà không bị “khúc xạ”, không bị “nhiễu” bởi nguồn thông tin khác. Thực tế, nhiều việc dân đặt ra rất chính đáng, rất đúng pháp luật, nhưng do bệnh quan liêu của một số bộ phận cán bộ, nên giải quyết không đến nơi đến chốn, không kịp thời. Qua tiếp xúc, đối thoại với người dân, tôi rất trân trọng tình cảm, trách nhiệm của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Điều gây cho dân bức xúc hiện nay là một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tinh thần trách nhiệm, chứ không phải sự thiếu hợp tác của người dân.

Với những vấn đề mà các nhiệm kỳ trước đã ban hành NQ, nhưng đến nhiệm kỳ này vẫn phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thì Tỉnh ủy ban hành KL, nên đã khắc phục được tình trạng “nghị quyết chồng nghị quyết”. Cụ thể là, Tỉnh ủy đã ban hành KL 17 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; KL 18 về phát triển công  nghiệp; KL 30 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới...

Thời gian ban hành các NQ, KL của Tỉnh ủy cũng sớm hơn, xây dựng ngay năm đầu của nhiệm kỳ để dành phần lớn thời gian cho việc thực hiện. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Quang Thích, cho biết: Để có sự thống nhất và đồng thuận cao trong xã hội, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo, tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức thành viên tham gia thảo luận, phản biện và giám sát nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh.

Việc triển khai học tập, quán triệt các NQ của Đảng ngày càng thực chất, sát với thực tiễn địa phương, gắn với việc xây dựng chương trình hành động nên khắc phục được tình trạng “một bộ phận cán bộ, đảng viên không thuộc NQ của Đảng”. Những đổi mới trong phương thức lãnh đạo, điều hành được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đã thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh không ngừng phát triển; công tác xây dựng Đảng được nâng lên. Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh đã thu hút 88 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 74.000 tỷ đồng, trong đó có 6 dự án FDI. Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ khẳng định, tỉnh không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà có chọn lọc, hướng đến sự phát triển bền vững.

Phải dựa vào dân

Để xây dựng chính quyền gần dân, trọng dân, vì dân; nói đi đôi với làm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục triển khai Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư cấp ủy các cấp với nhân dân, triển khai có hiệu quả công tác chất vấn trong Đảng; UBND tỉnh tổ chức “Chương trình cà phê doanh nhân” 1 lần/tháng... Những nội dung phản ánh của dân, doanh nghiệp..., cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ trả lời trực tiếp; những vấn đề không thể giải quyết trực tiếp đều được ghi nhận, chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải quyết dứt điểm hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết.

Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu (ngồi đầu tiên bên phải) lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên ở cơ sở.                                                                     Ảnh: PV
Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu (ngồi đầu tiên bên phải) lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên ở cơ sở. Ảnh: PV

 

Tư tưởng nổi bật của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nhấn mạnh quan điểm về xây dựng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; cách tập hợp quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất... Đây là nền tảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Hồ Chủ tịch cũng đã nêu rất nhiều quan điểm có tính chất giải pháp để chữa những căn bệnh hẹp hòi, ba hoa, chủ nghĩa cá nhân... Người đã đưa ra cảnh báo: Khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền thì nhất thiết phải "Sửa đổi lối làm việc", nếu không đội ngũ cán bộ sẽ mắc phải những sai sót nặng nề trong công việc, vi phạm lề lối, tác phong của người cán bộ cách mạng. Họ sẽ dễ dàng mờ mắt trước danh lợi, thậm chí sa ngã trước những cám dỗ về vật chất. Đó là tư tưởng biện chứng, nhưng rất gần gũi, đời thường, ý nghĩa thực tiễn mà tác phẩm mang lại...
Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Trường ĐH Phạm Văn Đồng, thạc sĩ TRẦN CÔNG LƯỢNG

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện nghiêm túc công tác chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn với Quy định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín, cho biết: “Những ràng buộc trên là cần thiết, góp phần thay đổi đáng kể phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm và thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cấp phó và cán bộ, đảng viên trong cơ quan từng bước được chấn chỉnh”.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho chủ trương để Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện thí điểm việc tuyên truyền, vận động hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong Dự án Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ VSIP tại xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh). Việc học tập và làm theo Bác ngày càng thực chất và không ngừng đổi mới. Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Đức On, cho biết: Qua hơn 1 năm triển khai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định biểu dương, khen thưởng 20 tập thể và 31 cá nhân bình dị mà cao quý nhân dịp 2.9.2017. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã gợi ý 10 mô hình làm theo Bác, để các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh lựa chọn đăng ký thực hiện.

Hay như việc làm hết lòng vì dân của Ban cán sự thôn Hà Bôi, xã Long Hiệp (Minh Long), trong 3 năm qua, đều đặn mỗi sáng thứ 2, 4, 6 hằng tuần, Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, công an viên và Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn có mặt tại Nhà sinh hoạt văn hóa thôn để gặp dân, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân báo cáo lên cấp trên; đồng thời chuyển tải cho dân những chủ trương, chính sách pháp luật mới của Đảng và Nhà nước.

Còn tại xã Bình Trị (Bình Sơn), từ năm 2015 đến nay, UBND xã luôn duy trì làm việc “ngày thứ 7 và chủ nhật vì dân” để giải quyết công việc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư... Chủ tịch UBND xã Bình Trị Ngô Văn Thính cho biết: Với 12 dự án, với hơn 700 hộ dân nằm trong diện thu hồi đất, đồng thời phải thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2017 thì phải làm việc thêm ngày thứ 7, chủ nhật công việc trôi chảy được. Đáng mừng là, sự tận tụy, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được người dân đánh giá rất cao.

P.ĐỨC- X.THIÊN-
T.THUẬN- B.SƠN

-------------------
Kỳ 2: Sửa đổi để lo cho dân ngày càng tốt hơn


 


.