Quản lý đảng viên là quân nhân xuất ngũ: Còn nhiều khó khăn

10:09, 12/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác quản lý đảng viên là quân nhân xuất ngũ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp khó khăn. Nhiều trường hợp đi làm ăn xa, không tham gia sinh hoạt theo đúng Điều lệ Đảng bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên.  

Đây là một thực trạng xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh từ nhiều năm nay. Những người làm công tác xây dựng Đảng đau đáu nỗi niềm khi buộc phải xóa tên đồng chí mình khỏi danh sách đảng viên, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương tiếp tục gắn bó với Đảng, cống hiến cho địa phương.  

Từ nỗi lo mưu sinh...
 

Việc một số quân nhân xuất ngũ bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên là điều phải suy nghĩ. Với trách nhiệm của cơ quan lực lượng vũ trang, chúng tôi sẽ nghiên cứu tham mưu để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, cốt lõi để tháo gỡ vấn đề này có trách nhiệm rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp trong giải quyết công ăn việc làm cho bộ đội xuất ngũ khi trở về địa phương, cũng là để tạo nguồn cho địa phương. Để anh em được đứng vào hàng ngũ của Đảng phải trải qua một quá trình, từ việc phát hiện, rèn luyện, bồi dưỡng, kết nạp Đảng, nhưng khi trở về địa phương lại không giữ được họ, đây là trách nhiệm lớn đối với các đơn vị chức năng.
Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, đại tá BÙI TÁ TUÂN    

Nói đến công tác quản lý đảng viên là quân nhân xuất ngũ, Bí thư Chi bộ thôn Vùng 5, xã Phổ Thuận (Đức Phổ) Lê Việt Hùng đượm buồn, vì chi bộ vừa có 2 đảng viên trong số 6 đảng viên là quân nhân  xuất ngũ bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên.

Ông Hùng cho biết, có một trường hợp nguyên là trưởng thôn, năng động, nhiệt tình với phong trào của địa phương, nhưng vì cuộc sống mưu sinh phải đi làm ăn xa, nên xin ra khỏi Đảng. Một trường hợp nữa là khi xuất ngũ có chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương, nhưng sau đó đi làm ăn xa, không liên lạc với tổ chức Đảng.

Ở thôn Vùng 5 cũng vừa có một trường hợp bộ đội xuất ngũ là công an viên, đang làm hồ sơ kết nạp Đảng, nhưng mới đây xin thôi không làm công an viên và đề nghị chi ủy cho lấy lại lý lịch, không làm hồ sơ kết nạp Đảng vì lý do kinh tế gia đình khó khăn, phải vào TP.Hồ Chí Minh lao động kiếm sống.

Tại Chi bộ tổ 10, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), việc xóa tên đảng viên là quân nhân xuất ngũ cũng khiến cho cán bộ ở địa phương suy nghĩ. Còn ở xã Đức Lân (Mộ Đức), từ năm 2010 đến nay có 6 trường hợp đảng viên là quân nhân xuất ngũ xóa tên khỏi danh sách đảng viên.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Lân Nguyễn Ngọc Sáng cũng cho biết, một số trường hợp bị xóa tên là do đi làm ăn xa không tham gia sinh hoạt Đảng, nhiều trường hợp xóa tên khi chưa chuyển Đảng chính thức. Trên địa bàn xã hiện có 8 đảng viên là quân nhân xuất ngũ đi làm ăn xa, trong số này có trường hợp trong thời gian xin phép nhưng có trường hợp quá thời gian xin phép.

Đâu là giải pháp?

Từ năm 2013 đến nay, huyện Mộ Đức có 22 đảng viên là bộ đội xuất ngũ bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên, riêng từ đầu năm đến nay có 6 trường hợp. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mộ Đức Lê Thái Huyên cho biết, hầu hết trong số này bỏ sinh hoạt Đảng do đi làm ăn xa. Theo quy định, đảng viên đi làm ăn xa được miễn sinh hoạt không quá 12 tháng, nhưng phải làm đơn, hết thời gian xin phép phải làm bảng kiểm điểm tư cách đảng viên, sau đó làm lại đơn nếu muốn tiếp tục xin miễn sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp thời gian đầu có làm đơn xin phép, sau khi hết hạn thì không xin phép cũng như không liên lạc với tổ chức Đảng, cũng có trường hợp làm đơn xin ra khỏi Đảng.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đức Phổ Nguyễn Văn Công cho biết, từ năm 2015 đến nay huyện có 17 đảng viên là quân nhân xuất ngũ bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên. “Để giải quyết thực trạng này cần làm tốt công tác giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ khi trở về địa phương. Anh em đều trẻ tuổi, ở địa phương không có việc làm, nên buộc phải đi làm ăn xa”, ông Công nêu quan điểm.

Bí thư Đảng ủy xã Phổ Thuận Huỳnh Văn Khánh cho biết thêm, biên chế cán bộ ở xã có hạn, nên địa phương tạo điều kiện bằng cách bố trí bộ đội xuất ngũ đảm trách công việc ở cơ sở như công an viên... Tuy nhiên, do phụ cấp thấp, không đảm bảo cuộc sống, nên nhiều người làm một thời gian sau đó xin nghỉ. “Giữ anh em ở lại mà không tạo điều kiện để họ đảm bảo cuộc sống thì rất khó, với khả năng của địa phương chỉ dừng lại ở việc làm công tác tư tưởng trong Đảng”, ông Khánh bộc bạch.   

Thực trạng nêu trên trong công tác quản lý đảng viên là bộ đội xuất ngũ cần sớm được quan tâm tháo gỡ, có như vậy mới “giữ” được đảng viên, tạo điều kiện để họ gắn bó lâu dài với Đảng, góp phần tạo nguồn cán bộ đã qua thử thách, rèn luyện trong quân đội cho hệ thống chính trị ở cơ sở.


PHƯƠNG LÝ



 


.