Thay đổi tập quán sản xuất cho đồng bào vùng cao

03:08, 21/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, nhiều mô hình hỗ trợ theo nhóm hộ, tổ hợp tác ở huyện Sơn Hà đã được hình thành và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững trong sản xuất của đồng bào Hrê.

TIN LIÊN QUAN

Năm 2016, khi mô hình hỗ trợ sản xuất theo nhóm hộ được triển khai tại thôn Làng Rào (xã Sơn Thủy), Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Lê Công Hà được phân công vận động các hộ dân trong thôn tham gia. Lúc đầu, việc vận động rất khó khăn, vì đa số đồng bào dân tộc thiểu số rất khó thay đổi tập quán sản xuất, nếu chưa thấy được hiệu quả trước mắt.

Nhiều hộ dân ở thôn Làng Rào (xã Sơn Thủy) chuyển từ mì sang trồng mía nhờ sự vận động của địa phương..
Nhiều hộ dân ở thôn Làng Rào (xã Sơn Thủy) chuyển từ mì sang trồng mía nhờ sự vận động của địa phương..

Để người dân tin tưởng, ông Công xung phong chuyển đổi 5 sào mì của gia đình sang trồng mía. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, ông Công thu gần 20 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng mì. Từ đó, 17 hộ trong thôn đã đăng ký làm theo và đến nay có 29 hộ tham gia mô hình. Anh Đinh Văn Vớt cho biết: Trồng mì cực lắm, mỗi sào chỉ lãi khoảng 1 triệu đồng, nhưng khi chuyển sang trồng mía, trừ chi phí còn lãi được 4 triệu đồng/sào.

Hiện nay, người dân ở huyện Sơn Hà từng bước thay đổi tập quán sản xuất, không trông chờ ỉ lại vào Nhà nước. Cánh đồng chuyên canh mía ở xóm Cua, thôn Làng Trá (Sơn Cao) rộng 15ha là của nhóm hộ 40 người. Trước đây, cánh đồng này người dân trồng đủ các loại cây hoa màu, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Cách đây 3 năm, chính quyền đứng ra vận động người dân thành lập tổ hợp tác theo kiểu nhóm hộ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên canh mía.

Thông qua việc vận dụng các nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ sản xuất của Nhà nước, xã đã hỗ trợ người dân cải tạo đồng ruộng, kết hợp với Nhà máy Đường Phổ Phong cho mượn giống, phân,  phương tiện làm đất và bao tiêu sản phẩm, nên sau khi thu hoạch, trừ chi phí, mỗi sào mía thu lãi khoảng 4 - 5 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao Trần Đình Vũ, cho biết: Khi vận động người dân tham gia vào mô hình này, chỉ nghĩ làm sao để người dân thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ. Nhưng giờ thì kết quả ngoài mong đợi, người dân đồng thuận vì hiệu quả mô hình mang lại cao. Đây là cơ sở để tổ chức thêm nhiều mô hình tổ hợp tác khác.

Theo kế hoạch, mỗi thôn sẽ tạo ra một sản phẩm chủ lực. Như thôn Làng Trá chủ yếu là mía, mì và cây ăn quả, những thôn khác thì chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản, mỗi thôn sẽ phát huy thế mạnh riêng để phát triển.

Mới đây, huyện Sơn Hà đã triển khai mô hình tổ hợp tác trồng rau sạch chất lượng cao ở xã Sơn Trung với sự tham gia của 12 hộ, diện tích được qui hoạch là 20ha. Để mô hình đi vào hoạt động, huyện cũng đã vận dụng các nguồn vốn để hỗ trợ cho tổ hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống tưới tiêu, mua giống, phân bón...

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long, cho biết: Huyện đi theo hướng hỗ trợ sản xuất cho các nhóm hộ, tổ hợp tác xã chứ không hỗ trợ manh mún nhỏ lẻ như những năm trước, những nơi nào người dân cùng hợp tác và đề xuất dự án, chúng tôi hỗ trợ bằng các nguồn vốn, cũng như phối hợp tìm chuỗi liên kết và bao tiêu sản phẩm, để người dân phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững.

Thành công của các mô hình trước hết là nhờ vào vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên ở các địa phương chọn triển khai. Hầu hết các xã đều thành lập tổ vận động để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia mô hình rất tích cực, trách nhiệm. Nhờ đó, mà số hộ gia đình tham gia mô hình ngày càng tăng.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

 


.