Tôn vinh gia đình có công với cách mạng

07:05, 02/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tri ân công lao to lớn, sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ cũng là tiếp thêm cho chúng ta niềm tin, sức mạnh và lòng yêu nước, để tiếp bước truyền thống vẻ vang, chung sức chung lòng xây dựng, phát triển quê hương.

TIN LIÊN QUAN

Trân trọng tri ân, suy tôn những người cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, được thể hiện bằng các chính sách cụ thể, trong đó có chính sách phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; tặng thưởng Huân chương Độc lập cho các gia đình liệt sĩ...

Ngày vinh danh vắng Mẹ

Đầu tháng 1.2017, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) đã tổ chức tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho 23 Mẹ, nhưng chỉ có một mình mẹ Phạm Thị Đến, nay đã 94 tuổi, ở thôn Đông Hòa còn sống. Tay ôm tấm bằng công nhận Bà mẹ VNAH, mẹ Đến rưng rưng nước mắt: “Nhận được tấm bằng này, tôi mãn nguyện lắm”.

Mẹ VNAH Lâm Thị Hữu trò chuyện với đại diện đơn vị phụng dưỡng.                                        ẢNH: X.Hiếu
Mẹ VNAH Lâm Thị Hữu trò chuyện với đại diện đơn vị phụng dưỡng. ẢNH: X.Hiếu


Mẹ Đến có 2 người con trai, đến tuổi trưởng thành các anh đều đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, được vài tháng thì Mẹ nhận tin con của mình hy sinh trong một trận càn của giặc. “Thời đó nhà nghèo dữ lắm, về an ủi mẹ được mấy hôm, tui lại phải xa mẹ để đi làm. Thời gian sau, tôi có gia đình riêng, mẹ ở một mình. Giờ mẹ tuổi cao sức yếu rồi, nên tôi thường xuyên chạy về để chăm sóc”, cô Phạm Thị Tỵ, con gái mẹ Đến tâm sự. Vì hai người con trai của Mẹ Đến là con của hai đời chồng, nên mãi đến gần đây khi Pháp lệnh 05 sửa đổi, cô Tỵ mới làm hồ sơ đề nghị. Cô Tỵ bảo: “Làm mà cũng hồi hộp lắm, sợ mẹ không còn...”.

Danh hiệu cao quý Mẹ VNAH nhằm tôn vinh những người mẹ có nhiều hy sinh, chỉ tiếc rằng, nhiều Mẹ nay đã không còn nữa. Bà Phạm Thị Ngữ rất xúc động khi mẹ chồng mình, Bà mẹ VNAH Phạm Thị Nhị ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa được vinh danh. Bà cảm ơn Đảng, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu cao quý này cho gia đình.
 

Toàn tỉnh có trên 6.200 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Quảng Ngãi hiện có trên 6.200 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH). Trong đó, theo Pháp lệnh 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH và Nghị định 56/CP của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 3.989 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu này. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 479 Mẹ còn sống.

Tự hào về truyền thống gia đình

Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là một mất mát lớn lao của mỗi gia đình, nhưng chính sự hy sinh ấy đã góp phần làm nên ngày đoàn tụ, hạnh phúc cho biết bao người dân Việt Nam, làm cho đất nước, cho dân tộc hồi sinh. Ý nghĩa của sự hy sinh ấy mãi trường tồn, niềm tự hào ấy thuộc về các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ VNAH, các thương binh, bệnh binh mà giờ đây chúng ta có trách nhiệm phải nhân lên và truyền lửa lại cho các thế hệ mai sau tiếp bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chị Phạm Thị Thanh Luyến, giảng viên Trường Đại học Tài chính – Kế toán tự hào khi kể về truyền thống cách mạng của gia đình. Chị tâm sự: “Bà nội tôi, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Trưởng ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức có 3 người con đều hy sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Cha tôi, liệt sĩ Phạm Văn Long hy sinh năm 1980 ở chiến trường Campuchia khi tôi còn nằm trong bụng mẹ”. Gia đình nhận Huân chương Độc lập cao quý, chị Luyến tự hào nói: “Gia đình sẽ tiếp nối ngọn lửa truyền thống cách mạng, thể hiện lòng tri ân những liệt sĩ đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc bằng những việc làm hữu ích, thiết thực”.

Mẹ VNAH Lâm Thị Hữu (88 tuổi), ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn) có chồng và con trai hy sinh cho độc lập, thống nhất Tổ quốc. Mấy mươi năm qua phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, một mình mẹ Hữu gồng gánh nuôi 3 người con khôn lớn, trưởng thành. Mẹ Hữu quyết tâm: “Gia đình mình là gia đình cách mạng, là trụ cột gia đình tôi phải càng gương mẫu hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục giáo dục con cháu lòng yêu nước, tinh thần hy sinh vì sự nghiệp cách mạng”.

Trong những năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng và Nhà nước ta luôn trân trọng, ghi nhớ, tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn của những người Mẹ, người vợ, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngoài thực hiện tốt chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, chúng ta phải giáo dục thế hệ trẻ hiểu về nghĩa vụ và bổn phận của mình đối với lịch sử hào hùng của dân tộc, noi gương sự hy sinh cao cả của những anh hùng liệt sĩ, các Mẹ VNAH, để viết tiếp những trang sử vàng của quê hương trong tiến trình đưa đất nước đi lên trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

XUÂN HIẾU

 


.