Niềm tin trước thềm Xuân mới

11:01, 27/01/2017
.

Xuân Ðinh Dậu đã về trước cổng mỗi nhà, làn gió nhẹ, se se nhưng hào phóng, tươi mới và lãng mạn ngập tràn cả không gian như muốn xua đi bao bộn bề năm cũ, thúc giục mọi người tạm lắng đi những lo toan thường nhật, hồ hởi đón xuân với những dự cảm tốt lành, niềm tin vững chắc vào mọi điều tốt đẹp cho những hướng đi, cách làm, công việc mà mỗi người cũng như tất cả mọi người đã lựa chọn đồng hành cùng năm mới…
 

 

 
1. Phàm khi Tết đến, xuân về, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, người Việt bao giờ cũng thành tâm cầu chúc cho sức khỏe dồi dào, mọi việc hanh thông và phúc lộc phát tài, không chỉ ước muốn cho riêng mình mà còn cầu mong cho tất cả mọi người xung quanh - cả cộng đồng cùng được đón nhận những tốt đẹp ấy bằng năm, bằng mười năm cũ. Cái nếp đón xuân ấy không đơn thuần là ước nguyện, mà còn chỉ ra niềm tin, cách thức để đạt được: Phải hành động bằng tất cả sức mạnh vốn có và niềm tin vào tương lai.
 
Xuân Ðinh Dậu về cũng là dấu mốc điểm lại năm đầu tiên và tiếp tục năm thứ hai mạnh mẽ hơn đưa Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII vào cuộc sống. Có lẽ không cần phải dài dòng hơn về những điều đã qua, những mục tiêu, phương hướng đã lựa chọn, điều đáng phấn khởi là tại Kỳ họp cuối năm của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ cho thấy gần như tất cả những chỉ tiêu quan trọng nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đều là những con số tiến, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Với những kết quả được nêu ra, có thể khẳng định chúng ta cơ bản đã đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch đã đề ra. Ðồng thời, khẩn trương chuẩn bị triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu”. 
 
Rõ ràng, điều quan trọng hơn cả bây giờ là những việc làm, hành động đúng, trúng, kịp thời hơn, quyết liệt hơn để giành lấy những gì mong đợi.
 
2. Sẽ không biện chứng nếu như chúng ta lạc quan tới mức nhận thức không đầy đủ về một thứ rào cản vô hình, dễ định danh mà khôn lường định lượng, đó là sự suy giảm niềm tin của người dân trước một số vụ việc lùm xùm không nhỏ liên quan đến phẩm cách, trách nhiệm cán bộ, đảng viên, bộ máy công quyền hiện nay.
 
Vừa qua, Nghị quyết số 04-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Người dân đặc biệt hoan nghênh thái độ thẳng thắn, khách quan của Trung ương Ðảng. Ðây là thành công lớn của Ðảng trong quá trình nhận diện, chỉ rõ biện pháp đấu tranh, đẩy lùi hạn chế, tiêu cực, lần đầu tiên xác định một cách đầy đủ, cụ thể, rõ ràng theo cách “chỉ mặt, điểm tên” tận “gốc rễ” những biểu hiện suy thoái vốn có, vẫn hiển hiện bấy lâu trong thực tế, dù đã qua rất nhiều cuộc chỉnh đốn vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Ðiều này đã đáp ứng lòng mong mỏi, niềm tin của người dân đối với Ðảng quang vinh về cuộc đấu tranh với “kẻ thù nội xâm” ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tiêu cực đạt hiệu quả.
 
Những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Ðảng mà NQTƯ 4 (khóa XII) chỉ rõ có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung lại vẫn bắt đầu từ chính bản thân cán bộ, đảng viên. Nếu như chính sách, cơ chế, luật pháp còn kẽ hở bởi khách quan thì việc để những kẽ hở ấy bị lợi dụng ngày càng nặng nề là trách nhiệm chủ quan của cán bộ, đảng viên mà lớn nhất là vì quyền lợi cá nhân người ta sẵn sàng chà đạp lên cái chung để “chạy” mọi thứ cho mình.
 
Chính vì vậy NQTƯ 4 (khóa XII) cũng đã chỉ ra những biện pháp khắc mục khả dĩ ngoài việc hoàn thiện chính sách, cơ chế, luật pháp thì tiên quyết nhất là đưa vấn đề trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên trở về nguyên nghĩa một cách thực sự; một trong những biện pháp kiên quyết làm nức lòng nhân dân chính là “Loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy”.
 
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và trực tiếp rèn luyện Ðảng ta đã dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Rõ ràng, chỉ khi mọi cán bộ, đảng viên của Ðảng thật sự tiền phong gương mẫu, thật sự vì cái chung thì mới được quần chúng nhân dân tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ và làm theo.
 
50 mùa xuân trước, dịp Tết Ðinh Mùi, ngày 10-2-1967, Bác Hồ về thăm, chúc Tết nhân dân và cán bộ hợp tác xã Tảo Dương Văn, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai (tỉnh Hà Tây cũ). Bằng những lời lẽ giản dị, mộc mạc nhưng sâu sắc mà vẫn ân cần Bác đã nêu rõ những tiêu chuẩn cán bộ, đảng viên cần xác định: “Gọi là đảng viên thì phải nhận rõ, phải biết rõ Ðảng ta phải làm gì, vào Ðảng để làm gì?”. Người cũng chỉ rõ ràng: “Vào Ðảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng… phải làm đúng chính sách của Ðảng, nếu không thì vào làm gì? Ðảng không bắt buộc ai cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, không phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào…”. Nhắc nhở về việc sâu sát cơ sở, công việc, phê phán cách làm việc qua loa, ỷ vào báo cáo, Bác đã làm rõ về tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên là phải đoàn kết thật sự, tự mình nêu gương để giáo dục người khác, “giữ gìn, phát triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”; và yêu cầu trước hết là phải “bài trừ tệ quan liêu, lãng phí, tham ô”…
 
Thật đáng suy nghĩ, đến hôm nay vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên có trình độ và chức vụ cao lợi dụng vị trí của mình để mưu lợi riêng, đi ngược với lời dạy giản dị của Bác Hồ nửa thế kỷ trước.
 
Từ những ghi nhận về sự “thẳng thắn, không né tránh trách nhiệm trước những tồn tại và đề xuất rõ ràng những công việc cần, cách giải quyết” của “tư lệnh” các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ tại phiên chất vấn kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, chúng ta có thể hy vọng một luồng gió mới trong hình thức pháp trị cần thiết để thực hiện nghiêm NQTƯ 4 (khóa XII) về chống thoái hóa, biến chất trong cán bộ đảng viên, đi liền với vấn đề công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực…
 
Mừng năm mới, xuân về, xin hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho niềm tin và quyết tâm thay đổi, đáp ứng kỳ vọng lớn lao của toàn Ðảng, toàn dân.
 
Lê Mạnh/Báo Hà Nội mới

.