Đẩy lùi âm mưu xuyên tạc, chia rẽ tình hữu nghị

03:01, 02/01/2017
.

Tình đoàn kết, hữu nghị là giá trị tốt đẹp, bền vững được hun đúc từ lịch sử hàng nghìn năm của hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia, từ mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung. Vậy nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện những âm mưu, thủ đoạn kích động, phá hoại mối quan hệ tốt đẹp, trong sáng ấy.

Những âm mưu nguy hiểm

 
Một dẫn chứng điển hình của âm mưu phá hoại trên phải kể đến trường hợp ông Xam Rên-xi, lãnh đạo cái gọi là đảng Cứu nguy Dân tộc Cam-pu-chia (CNRP), hiện lưu vong ở Pháp cùng hai trợ lý. Ngày 27-12-2016 vừa qua, họ vừa bị tòa án Phnôm Pênh tuyên 5 năm tù do dùng mạng xã hội đăng tải nội dung xuyên tạc quan hệ hai nước. Họ từng đưa ra thông tin xuyên tạc hết sức nguy hiểm rằng hai nước đã "nhất trí xóa bỏ biên giới chung" khi diễn giải hiệp ước mà hai nước ký vào năm 1979.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen cùng mở tấm vải phủ cột mốc số 275. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen cùng mở tấm vải phủ cột mốc số 275. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
 
Trước đó, ngày 23-12-2016, Tòa phúc thẩm Cam-pu-chia đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm phạt nghị sĩ Um Sam An thuộc đảng CNRP 2,5 năm tù giam vì kích động gây rối an ninh xã hội nghiêm trọng và kích động gây chia rẽ, theo Điều 495 và 496 Bộ luật Hình sự Cam-pu-chia. Đầu năm 2016, ông này đã có nhiều bài viết và bình luận xuyên tạc, vu cáo Chính phủ sử dụng bản đồ giả về biên giới với Việt Nam. Quốc hội Cam-pu-chia đã kiểm tra, đối chiếu bản đồ lưu tại Liên hợp quốc cho thấy, thông tin trên hoàn toàn là bịa đặt.
 
Một bài viết trên Báo The Phnom Penh Post cho biết, tư tưởng bài Việt, kích động, lôi kéo các cử tri trẻ tuổi, thiếu kiến thức và thông tin về quan hệ hai nước, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, chống phá quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia do một số thế lực chính trị đối lập kích động có thể gây bất ổn xã hội tại đất nước Chùa tháp. Nhất là trong thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử ở Cam-pu-chia, việc sử dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi làm “mồi nhử” lôi kéo phiếu bầu có thể mang lại những hiệu quả nhất thời, nhưng về lâu dài có thể sẽ là mồi lửa châm ngòi xung đột, gây chia rẽ dân tộc, chia rẽ quan hệ hữu nghị.
 
Trong những âm mưu phá hoại đó, dư luận nhân dân hai nước hẳn chưa quên sự kiện diễn ra cách đây ít lâu, có lực lượng đối lập ở Cam-pu-chia đã đến các địa bàn giáp biên để tuyên truyền, lôi kéo người dân ủng hộ bầu cử hội đồng xã, phường vào năm 2017 và bầu cử Quốc hội Cam-pu-chia năm 2018. Các tổ chức phản động lưu vong cũng tăng cường về các vùng giáp biên giới Việt Nam lôi kéo nhân dân hai nước thực hiện mưu đồ của chúng.
 
Ngược về thời gian trước không lâu, tại Cam-pu-chia từng diễn ra một số cuộc biểu tình tự phát, xuyên tạc và ngang ngược đòi “cắt quan hệ với Việt Nam”. Chúng đã bị dư luận ở chính Cam-pu-chia và quốc tế lên án. Trước và sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen mới đây, những luận điệu xuyên tạc đó lại “rộ lên”.
 
Họ cũng không ngần ngại xuyên tạc, phỉ báng cả xương máu của những người Việt Nam đã hy sinh vì tình cảm quốc tế trong sáng, giúp Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
 
Những luận điệu đó không mới, nhưng chúng không dừng ở phá hoại quan hệ hai nước mà còn ẩn chứa nhiều âm mưu phá hoại đen tối khác. Năm 2013, tại cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 5, đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) giành được chiến thắng với 68 ghế, ông Xam Rên-xi đã có những phát ngôn lạc lõng, vô căn cứ, gây tổn hại quan hệ hữu nghị hai nước khi trả lời phỏng vấn đài BBC, vu cáo: “Hà Nội từng lấn chiếm đất đai Cam-pu-chia và… chiếm các đảo của Trung Quốc (!)”.
 
Đi ngược thực tế lịch sử và đạo lý
 
Bộ Nội vụ Cam-pu-chia đã từng lên tiếng tuyên bố những hành vi đó là không chấp nhận được và đi ngược đạo lý. Trong một phát ngôn chính thức với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước, người phát ngôn Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đã nêu rõ, đất nước Việt Nam anh em không phải là nhân tố đe dọa an ninh của Cam-pu-chia: “Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia luôn chủ trương bảo vệ và phát triển mối quan hệ với Việt Nam, thành quả to lớn của quá trình lâu dài cùng sát cánh chiến đấu bên nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử, kiên quyết không để bất kỳ thế lực nào phá hoại mối quan hệ đoàn kết đặc biệt này”.
 
Nhìn lại những trang sử rực lửa và cũng thấm đẫm máu, nước mắt của nhân dân hai nước, chúng ta có thể thấy rõ không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia đưa ra quan điểm trên. Theo PGS, TS Vũ Quang Hiển, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia đã kề vai, sát cánh, cùng chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, để lại những kinh nghiệm quý cho hôm nay và mai sau.
 
Trong "Lời kêu gọi Liên hợp quốc" (tháng 12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đế quốc Mỹ nhiều lần kêu gọi Lào và Cam-pu-chia gia nhập cái gọi là "Khối phòng thủ Đông Nam Á" và "Khối phòng ngự sông Cửu Long" nhằm cô lập và xâm lược Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết ba dân tộc.
 
Sau nhiều thăng trầm, dấu mốc tốt đẹp quan hệ hai nước phải kể đến sự kiện ngày 8-6-1967, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cam-pu-chia theo đường biên giới hiện tại. Đáp lại, ngày 15-6-1967, Chính phủ Cam-pu-chia công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam.
 
Quân và dân ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia đã đoàn kết chặt chẽ và anh dũng chiến đấu, giành được nhiều thắng lợi to lớn. Trong năm 1970, liên quân Việt Nam - Cam-pu-chia đẩy mạnh các hoạt động quân sự, làm tan rã hàng vạn quân của chính quyền Lonon, mở rộng vùng căn cứ cách mạng của Cam-pu-chia từ phía bắc tỉnh Rát-ta-na-ki-ri đến phía nam tỉnh Kam-pốt, đập tan cuộc tiến công của 10 vạn quân địch sang Cam-pu-chia (tháng 4-1970), rồi tiếp tục làm thất bại các cuộc hành quân Chenla 1 (tháng 6-1970), Toàn thắng, Chenla 2 (1971)... Sau Hiệp định Pa-ri (27-1-1973), Việt Nam đã tiếp tục giúp đỡ Cam-pu-chia đấu tranh vũ trang. Quân-dân Cam-pu-chia phối hợp với chiến trường miền Nam Việt Nam mở cuộc tổng công kích, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (17-4-1975).
 
Đẩy lùi âm mưu xuyên tạc, chia rẽ
 
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng: “Phát triển và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương, đoàn kết và tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước, hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em”. “Trước sau như một, Việt Nam trung thành với nghĩa vụ quốc tế của mình đối với cách mạng Lào và cách mạng Cam-pu-chia”.
 
Mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước tiếp tục được phát huy, phát triển trong giai đoạn hiện nay. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cuối tháng 12-2016 vừa qua, tại buổi gặp mặt, nói chuyện với hơn 200 đại biểu tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế tại Cam-pu-chia qua các thời kỳ, Thủ tướng Hun Xen đã nhấn mạnh chuyến thăm của ông lần này đến Việt Nam mang theo thông điệp cảm ơn của nhân dân Cam-pu-chia đối với Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ đánh đổ và ngăn chặn không cho chế độ Pôn Pốt quay trở lại, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước Cam-pu-chia phồn vinh như ngày nay.
 
Ông khẳng định luôn trân trọng những kỷ niệm tốt đẹp với quân và dân Việt Nam. Dù tình hình thế giới có diễn biến phức tạp thế nào cũng không thể tác động đến quan hệ láng giềng anh em tốt đẹp giữa hai nước. Hai nước cần giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp vốn có, tài sản vô giá đã được vun đắp trong suốt quá trình đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và xây dựng phát triển đất nước ngày nay.
 
Ở Cam-pu-chia hiện nay lưu giữ công trình Tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia được xây dựng cuối những năm 1970 để kỷ niệm liên minh Việt Nam - Cam-pu-chia, sau khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào lật đổ chế độ diệt chủng. Tượng đài tạc hình ảnh hai người lính Việt Nam - Cam-pu-chia sát cánh bảo vệ một thiếu phụ và em bé Cam-pu-chia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hoa tại tượng đài trong chuyến thăm chính thức Cam-pu-chia vào năm 2011. Năm 2015, Hội đồng Dân tộc Mặt trận Đoàn kết phát triển Cam-pu-chia và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thống nhất thực hiện công tác khảo sát, kiểm tra, lập dự án sửa chữa, tu bổ, tôn tạo các tượng đài hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, trong đó có tượng đài trên.
 
Trân trọng, gìn giữ, phát triển tình hữu nghị là nguyện vọng chung của đông đảo nhân dân hai nước. Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế là những âm mưu chống phá, chia rẽ tình đoàn kết giữa hai dân tộc là hết sức nguy hiểm; từng để lại những khó khăn, hậu quả trong lịch sử cũng như có nhiều diễn biến phức tạp trong một số vụ việc kích động, phá hoại, ẩn chứa những mưu đồ đen tối từng bị Nhà nước Cam-pu-chia lên án và xử lý thời gian qua.
 
Để đẩy lùi những âm mưu ấy, cùng với việc tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị quý báu, phải luôn giữ được nhất quán trong đường lối đối ngoại, hợp tác, cảnh giác, tỉnh táo trước mọi thủ đoạn chia rẽ, tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy giữa chính quyền và nhân dân hai nước. Đặc biệt, phải làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục, giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc thực tiễn lịch sử và thực chất quan hệ hai nước để không ngừng chung tay vun đắp tình hữu nghị, không để những "lỗ hổng" hiểu biết cho kẻ xấu kích động, xuyên tạc.
 
NGUYÊN MINH/Báo QĐND

.