Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 19.12.2016):
Quyết tâm giữ vững thành quả độc lập, tự do

09:12, 19/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây 70 năm, khi đất nước và dân tộc ta giành được độc lập, tự do; chính quyền cách mạng thực thi chưa được bao lâu, thì lại rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định chính xác tình hình, đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động nhân dân toàn quốc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành thắng lợi vẻ vang.

TIN LIÊN QUAN

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, làm cho các thế lực phản động, đế quốc lo sợ. Vì vậy đã tìm cách chống phá, hòng thủ tiêu Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Các nước đế quốc Anh, Mỹ công khai ủng hộ, ra sức giúp đỡ thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và tái chiếm Đông Dương...

Lúc bấy giờ, chính quyền non trẻ của nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Bên trong, “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc nội phản hoành hành, chống phá; kinh tế đất nước nghèo nàn, kiệt quệ. Bên ngoài, hơn 30 vạn quân của Anh, Pháp, Nhật và quân Tưởng cùng nhiều đảng phái phản động lăm le, tìm nhiều thủ đoạn lật đổ Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lập lại chính quyền tay sai và muốn cướp nước ta một lần nữa.

Chiến sĩ Vệ quốc đoàn đánh giặc, giữ từng ngôi nhà, từng góc phố của Thủ đô.                                                                              Ảnh: TL
Chiến sĩ Vệ quốc đoàn đánh giặc, giữ từng ngôi nhà, từng góc phố của Thủ đô. Ảnh: TL


Trước tình hình đó, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc. Đồng thời, để tranh thủ củng cố lực lượng, có thời điểm chúng ta hòa hoãn với quân Tưởng để đối phó với quân Pháp, khi thì tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng và bọn tay sai ra khỏi đất nước.

Chúng ta chủ động đàm phán với Pháp để tránh cuộc chiến tranh, giữ hòa bình, độc lập; ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946 và ký Tạm ước ngày 14.9.1946.

Ngày 18-19.12.1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, đề ra chủ trương, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sáng ngày 20.12.1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết ngày 19.12.1946) được phát đi trong khắp cả nước:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.    

 Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!...”

 Đó là lời Hịch cứu nước, thể hiện ý chí, quyết tâm sắc đá của cả dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước nồng nàn, anh hùng bất khuất; có sức động viên mạnh mẽ, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do.

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ cùng với Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã xác lập, khẳng định đường lối kháng chiến: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo nhiệm vụ chuyển cả nước vào thời chiến, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Căn cứ địa kháng chiến được củng cố, bước đầu tổ chức lại sản xuất, đời sống nhân dân các địa phương dần dần ổn định. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, nhất là làm cho nhân dân tiến bộ thế giới, nhân dân Pháp hiểu biết về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Phát huy thế tiến công, quân và dân ta giành nhiều thắng lợi quan trọng ở các chiến trường: Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào... Thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân ngày càng được củng cố. Lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội chủ lực ngày càng vững mạnh, hậu phương là chỗ dựa vững chắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của tiền tuyến.

Nhằm xoay chuyển tình thế, thực dân Pháp lập kế hoạch Nava với mục đích lấy lại quyền chủ động, tiêu diệt bộ đội chủ lực ta để kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đập tan nhiều nỗ lực quân sự cao nhất của thực dân Pháp, tạo lập nên một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công Chiến lược Đông-Xuân 1953-1954, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao, đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.  Miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới: Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để mỗi người dân chúng ta ôn lại mốc son lịch sử và nêu cao lòng tự hào dân tộc. Từ đó, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2017, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra.

TUẤN ANH

 


.