Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Bài học về trách nhiệm với Đảng, với dân (Kỳ 2)

08:10, 27/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XII) của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách của Đảng ta.

 

Kỳ 2: Kiên quyết đẩy lùi suy thoái trong cán bộ, đảng viên

Từ nhiều năm nay, dư luận xã hội luôn đặt vấn đề, vì sao Đảng, Nhà nước ta rất kiên quyết, nhưng tình trạng cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên đã phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu trách nhiệm với Đảng, với dân...


Từ những cuộc “đại phẫu”  

Trò chuyện cùng chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm ven triền núi ở xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), ông Đinh Thành Lợi (55 tuổi) luôn dằn vặt về những sai phạm khi đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Kỳ (2013 - 2014). Bởi lẽ, những năm tháng chiến đấu chống Mỹ đầy gian nguy không đánh gục được chàng giao liên kiên cường Đinh Thành Lợi, nhưng thời bình, ông lại “gục ngã” bởi quyết định thiếu trách nhiệm của mình.

Năm 2013, khi thực hiện Công văn 6572 của Bộ Quốc phòng, chỉ vì thiếu hiểu biết, nóng vội nên ông đã xác nhận giải quyết chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người trên địa bàn xã không đúng, gây thất thoát tiền của Nhà nước. "Sai phạm của tôi đã quá rõ, tôi không thể chối bỏ trách nhiệm trước Đảng, trước dân", ông Lợi trải lòng.

Nhưng không chỉ riêng ông Lợi mà gần 90 cán bộ, đảng viên có liên quan đến việc sai phạm này. Và nó diễn ra ở cả 12/14 xã, thị trấn của huyện Sơn Hà, với số tiền thất thoát gần 5 tỷ đồng. Vì thế, để làm trong sạch hệ thống chính trị, Huyện uỷ Sơn Hà quyết định xử lý kỷ luật Đảng 56 cán bộ, đảng viên (cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã 4 người, khai trừ khỏi Đảng 11 cán bộ, cảnh cáo và khiển trách 41 người)...

 

Trong quá trình thực hiện dự án thủy điện Đắkđrinh, một số cán bộ, công chức của huyện Sơn Tây đã sai phạm trong công tác đền bù.                                                ẢNH: PV
Trong quá trình thực hiện dự án thủy điện Đắkđrinh, một số cán bộ, công chức của huyện Sơn Tây đã sai phạm trong công tác đền bù. ẢNH: PV


Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Hà Nguyễn Thái cho rằng, cuộc “đại phẫu" tuy đau, nhưng là bài học quý cho nhiều cán bộ, đảng viên về "trách nhiệm với Đảng, với dân"; lấy lại niềm tin của dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

"Qua vụ việc này cho thấy, vai trò lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền bị buông lỏng. Công tác giám sát của các hội, đoàn thể chưa được quán xuyến. Tinh thần nêu gương của một bộ phận cán bộ chủ chốt thiếu nghiêm túc, chưa quan tâm đúng mức những phản ánh của dân”, ông Thái chia sẻ.

Huyện Sơn Tây cũng “mất” không ít cán bộ, công chức liên quan đến sai phạm trong đền bù dự án thủy điện Đắkđrinh. Viện KSND tỉnh đã truy tố các bị can Hà Văn Tiên (sinh năm 1969)-nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; Nguyễn Anh Dũng (1956)-nguyên Trưởng Phòng NN&PTNT;  Nguyễn Vỹ Cường (1983)- cán bộ Địa chính xã Sơn Liên, Lê Khắc Tâm Anh (1990)-  cán bộ Địa chính- Môi trường xã Sơn Dung;  Trần Minh Việt  (1986)- cán bộ Địa chính- Nông nghiệp- Xây dựng và Môi trường xã Sơn Long về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3, Điều 165 Bộ luật Hình sự, các đối tượng này gây thiệt hại tài sản của Nhà nước hơn 25,3 tỷ đồng. Đây là vụ án lớn, lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn huyện Sơn Tây, được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt. Hiện vụ việc đang được TAND tỉnh thụ lý để đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.
 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã xem xét, xử lý và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với 87 đảng viên và 4 tổ chức đảng có vi phạm về tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Từ năm 2005 - 2015, trên địa bàn tỉnh phát hiện 110 vụ tham nhũng liên quan đến 244 người, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 12 tỷ đồng, 192.000m2 đất...

Phải quyết liệt hơn nữa

Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Từ Tân Vũ (83 tuổi, gần 60 tuổi Đảng), nói: Đảng cần phải tuyên chiến, quyết liệt hơn nữa với nạn tham nhũng, với cán bộ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Có vậy dân mới tin, Đảng mới mạnh". Đây cũng là mong muốn của đại đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Thực tế, nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm trong quản lý, điều hành... đã bị xử lý kỷ luật, kết án. Nhưng rồi, sự kiên quyết đó của Đảng, Nhà nước vẫn chưa đủ sức răn đe, giáo dục cho nhiều cán bộ, đảng viên.

Một số trường hợp dù biết làm như thế là sai với Đảng, có lỗi với dân, nhưng vẫn không thoát khỏi “ma lực” của đồng tiền. Điển hình là ông Nguyễn Văn Hoàng- nguyên cán bộ địa chính xã Bình Chương (Bình Sơn) tiếp tay cho nhiều người kê khai khống đất để nhận tiền đền bù, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng tỷ đồng; cán bộ địa chính xã Bình Long Nguyễn Văn Toàn lừa đảo, chiếm đoạt tiền của trên 20 người dân, với số tiền hơn 1 tỷ đồng; kế toán Trường THCS Bình Nguyên giả mạo chữ ký chiếm đoạt tiền ngân sách hơn 1,2 tỷ đồng; ông Lê Văn Tình, kế toán kiêm thủ quỹ Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy lợi dụng nhiệm vụ được giao chiếm đoạt hơn 1,34 tỷ đồng tiền ngân sách, tiền quỹ và tiền chế độ...

Cũng trên địa bàn huyện Bình Sơn, một số cán bộ thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện và xã Bình Long, dù làm việc theo chức năng được giao nhưng cũng nhận tiền "bồi dưỡng" của dân trên 200 triệu đồng, trong đó Chủ tịch UBND xã Bình Long lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Bình nhận 40 triệu đồng... Những hành vi đó cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền đã có biểu hiện suy thoái, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tư lợi, quên đi trách nhiệm là "người đầy tớ của dân".

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khóa XIX tổng kết Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 13.10.2011 của Tỉnh ủy khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, Tỉnh ủy cho rằng, hiện nay vẫn còn một số cán bộ chưa đủ tâm, đủ tầm, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; còn tình trạng tham nhũng vặt, gây khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, công dân; có biểu hiện tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm…

Trên tinh thần đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ, khẳng định, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Các cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm...

Theo ông Từ Tân Vũ, chỉ có những người nắm giữ chức vụ mới có điều kiện để tham nhũng. Mặt khác, những vụ việc tham nhũng phần lớn do thanh, kiểm tra mà ra, nội bộ ít phát hiện... Đây đó vẫn còn tình trạng thiếu cương quyết trong công tác xử lý cán bộ, đảng viên có biểu hiện thoái hóa, biến chất; có hành vi tham nhũng; tâm lý né tránh, nể nang trong tự phê bình và phê bình vẫn còn...

Do đó, chúng ta cần xem lại quy chế dân chủ ở cơ sở, vai trò quản lý, nêu gương của cấp ủy, công tác giám sát của các hội đoàn thể. Cũng theo ông Vũ, đại đa số cán bộ của ta là tốt, nhưng nếu buông lỏng quản lý thì chắc chắn sẽ phát sinh hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh".  

P.ĐỨC-P.LÝ-NG.TRIỀU


-----------------------------------------------------
*Kỳ 3: Phải đặt lợi ích của dân lên hàng đầu
 


.