Mế Yên trong lòng người Hrê

10:10, 01/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù bước sang tuổi 75, nhưng trong suy nghĩ của bà Phạm Thị Yên ở thôn 2, xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) không có từ "nghỉ ngơi". Một lòng, một dạ với quê hương, nên người dân ở đây luôn dành cho bà một niềm tin yêu sâu sắc, gọi bà một cách thân thương là "Mế".

Trọn lòng với Đảng

Bà Yên đang cho đàn gà ăn phía hiên nhà nghe khách tới thăm, bà nở nụ cười tươi đón tiếp. Thấy chúng tôi nhìn lên tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, bà Yên cười bảo: "Tấm lòng của Đảng dành cho tôi đó". Nói rồi, bà nhớ lại khoảng thời gian còn trẻ tham gia chiến đấu, tuy gian lao nhưng ai nấy đều luôn lạc quan, vui vẻ.


Tham gia du kích ở địa phương năm 21 tuổi, làm giao liên cho cách mạng, cô gái trẻ Phạm Thị Yên với lòng tràn đầy nhiệt huyết không việc gì không dám làm. Từ tải đạn, gánh gạo, đến cầm súng ra chiến trường. Một năm sau, bà Yên thoát ly, được phân công làm chị nuôi quân ở đại đội 1 (C1), tiểu đoàn D20 của Tỉnh đội Quảng Ngãi đóng ở địa bàn huyện Sơn Hà.

Đây là khoảng thời gian bà Yên được tiếp xúc với cái chữ, nên bà rất phấn khởi. "Được bộ đội dạy cho cái chữ, viết được cái tên, hiểu được lòng Đảng, tôi càng phải phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của mình hơn. Chiến tranh khốc liệt, chị em nuôi quân phải lanh lẹ phân phối đủ quần áo, lương thực cho anh em chiến sĩ để họ yên tâm chiến đấu. Thời đó, tuy cực nhưng rất vui", bà Yên bộc bạch.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm 1965 bà Yên được phép về thăm nhà. Lúc này, ở địa phương mới thành lập một tiểu đội du kích nữ, nên bà được phân công giữ chức xã đội phó phụ trách tiểu đội nữ. Tích cực đóng góp cho cách mạng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, nên năm 1967 bà được kết nạp vào Đảng. Nhận được sự tin tưởng của Đảng, bà Yên càng hăng say đóng góp công sức. Với tài trí, sự gan dạ, bà Yên được tổ chức giao chức Hội trưởng Hội Phụ nữ xã.

Trọn đạo với dân

Chồng bà Yên là ông Phạm Vũ Ban, cũng là một chiến sĩ cách mạng tham gia chiến đấu ở địa phương. Cả một đời cống hiến cho cách mạng, nhưng do di chứng chiến tranh để lại nên qua đời năm 1978, để lại cho bà ba người con thơ dại. Cuộc sống khó khăn vất vả, vừa lo cái ăn, cái mặc cho con, vừa tất bật với các phong trào đoàn thể ở địa phương.

Gánh nặng đè hai vai, nhưng lúc nào bà Yên cũng lạc quan. Ngày làm 5 sào ruộng, 5 sào mía, thả trâu. Đêm lại dành tâm huyết cho các cuộc họp, các phong trào của Hội Phụ nữ, Mặt trận thôn, xã. Hiểu được tấm lòng của mẹ, ba người con của bà cố gắng học hành. Giờ đây, con cái lớn khôn tiếp bước bà tiếp tục cống hiến cho Đảng và Nhà nước.

Dù tuổi cao, nhưng với bà Yên còn sức khỏe là còn cống hiến. Hiện bà là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 2. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhờ có bà Yên mà cuộc vận động trở nên thuận lợi. Gần 90 gia đình Hrê được bà vận động hiến đất với diện tích hơn 7.000m² và tự dọn hoa màu để làm đường giao thông dài hơn 2.000m. Bà còn là cầu nối gắn kết tình làng nghĩa xóm. Khi thanh niên trong xóm gây gổ, đánh nhau, bà tìm cách giải quyết có lý, có tình.

Anh Phạm Văn Ô (25 tuổi) có một lần gây sự đánh nhau với anh Phạm Văn Thắng (24 tuổi), bà Yên tìm đến nhà và hỏi anh Ô nhà có nhiều tiền không, không sợ đi tù bỏ lại đứa con nhỏ à? Nghe vậy, anh Ô hứa với bà Yên sẽ sống tốt, chăm chỉ làm việc.


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 


.