Chất lượng sinh hoạt chi bộ: Yếu tố quyết định sự vững mạnh của Đảng

02:10, 21/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chi bộ là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, là nền móng đảm bảo sự vững mạnh của Đảng. Đây cũng là lý do để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30.3.2007 và Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Quán triệt sâu sắc nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cấp ủy tập trung thực hiện. Song, thực tế hiện nay, việc sinh hoạt chi bộ tại một số tổ chức cơ sở đảng vẫn còn nhiều bất cập.

TIN LIÊN QUAN

Nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã được chỉ rõ trong Chỉ thị số 10 và Hướng dẫn 09. Tuy nhiên, bên cạnh các chi bộ thực hiện tốt chế độ sinh hoạt định kỳ, chất lượng nội dung sinh hoạt được nâng lên, thì hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tổ chức đảng ở cơ sở việc tổ chức sinh hoạt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu còn hạn chế...

Thời gian đến, các cấp ủy tiếp tục chỉ đạo, quán triệt Chỉ thị số 10-CT/TW, Hướng dẫn số 09 -HD/BTCTW cho đảng viên; gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Thường xuyên bồi dưỡng phương thức hoạt động của chi bộ và nghiệp vụ công tác Đảng, kỹ năng hoạt động cho bí thư, cấp ủy viên chi bộ. Củng cố, thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ trong tất cả các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp FDI...
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Câu.

Thiết thực cho công tác chỉnh đốn Đảng

Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Câu cho rằng, chi bộ là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở. Do đó, sau khi có Chỉ thị số 10, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 29.6.2007 để triển khai thực hiện. Những năm sau đó, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được Tỉnh ủy chỉ đạo gắn chặt với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (nay là Chỉ thị 05), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)...

Đặc biệt là, Tỉnh ủy đã 2 lần mời GS,TS Hoàng Chí Bảo về truyền đạt chuyên đề về học tập và làm  theo Bác. Qua đó, tập thể và cấp ủy viên các cấp, cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo Bác, gắn với việc chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Nét mới trong chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở tỉnh ta là, năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương giải thể chi bộ cơ quan xã, chuyển đảng viên công tác tại xã về sinh hoạt với chi bộ thôn; đưa cán bộ, chiến sĩ biên phòng tham gia cấp ủy, sinh hoạt chi bộ nơi đóng quân...

Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, thể hiện vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở thôn, xóm. Ban Thường vụ các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và cấp ủy cơ sở phân công cấp ủy viên tham gia sinh hoạt chi bộ cơ sở 1 lần/quý; quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư chi bộ, kiện toàn cấp ủy...

Bí thư chi bộ 4, Đảng bộ thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) Phạm Thị Thanh Tâm, chia sẻ: Việc giải thể chi bộ cơ quan xã và phân công cấp ủy viên về sinh hoạt chi bộ cơ sở là chủ trương đúng đắn, thể hiện "sự lắng nghe" của Đảng. Nhờ đó, khắc phục tình trạng sinh hoạt chi bộ không đúng quy định, tổ chức được nhiều cuộc sinh hoạt chuyên đề, các vấn đề thực tiễn ở cơ sở, bức xúc của dân được đưa ra thảo luận, bàn giải pháp giải quyết dân chủ hơn.

 

Một buổi sinh hoạt của chi bộ thôn Long Vĩnh, xã Bình Long (Bình Sơn).                                     ảnh: BS
Một buổi sinh hoạt của chi bộ thôn Long Vĩnh, xã Bình Long (Bình Sơn). ảnh: BS


Trên tinh thần đó, việc đánh giá tổ chức cơ sở đảng ngày càng thực chất hơn. Nếu năm 2010, toàn tỉnh có 70,73% tổ chức cơ sở đảng được đánh giá trong sạch vững mạnh (17,35% trong sạch vững mạnh tiêu biểu), thì năm 2015 chỉ có 50,33% trong sạch vững mạnh (24% trong sạch vững mạnh tiêu biểu).

Đồng chí Phạm Câu, khẳng định: Từ khi có Chỉ thị số 10, Hướng dẫn số 09, việc sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của chi bộ cơ sở cơ bản được duy trì ổn định, đúng chương trình, nội dung theo yêu cầu, chất lượng từng bước được nâng lên. Phần lớn các chi bộ phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương... Nhiều chi bộ trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, FDI... cũng đã phát huy được vai trò trong công tác lãnh đạo.
 

Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi có 20 đảng bộ trực thuộc, 904 tổ chức cơ sở đảng (300 đảng bộ cơ sở, 604 chi bộ cơ sở), 11 đảng bộ bộ phận và 2.581 chi bộ trực thuộc, với 48.510 đảng viên (tính đến 30.6.2016).

Những hạn chế và nguyên nhân

Thôn, tổ dân phố là nơi gần dân, sát dân nên vai trò của chi bộ trong đời sống dân cư có ý nghĩa hết sức quan trọng, song không phải chi bộ nào cũng thực hiện được điều đó. Đồng chí Phạm Câu cho biết, hiện vẫn còn nhiều chi bộ lúng túng trong việc xác định, chuẩn bị nội dung sinh hoạt; vai trò lãnh đạo, điều hành, nêu gương của cấp ủy, bí thư chi bộ chưa thật sự rõ nét; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa cao; việc tham gia sinh hoạt của đảng viên chưa đều, do phần lớn là nông dân, cán bộ hưu, lớn tuổi...

Đối với chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, nội dung sinh hoạt nặng bàn về công tác chuyên môn, ít bàn về công tác xây dựng chi bộ, nhất là công tác chính trị tư tưởng. Nguyên nhân do năng lực một số bí thư chi bộ còn yếu, trẻ thì không dám làm, ngại va chạm; lớn thì chậm, bảo thủ... cá biệt có nơi bí thư chi bộ thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm, uy tín thấp. Mặt khác, có nơi trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không là đảng viên (537/1.138, chiếm 47,18%), nên hiệu quả trong sinh hoạt chi bộ thấp.

Đối với chi bộ khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, có nơi sau khi sinh hoạt cơ quan xong thì tranh thủ hội ý họp chi bộ. Nội dung sinh hoạt chuẩn bị sơ sài, không thông qua chi ủy; hiện tượng nể nang, ngại va chạm chưa khắc phục triệt để, nhất là góp ý, phê bình đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Nguyên nhân của thực trạng này được Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Trương Quang Tưởng, chia sẻ: Một số cấp ủy chưa nhận thức hết vai trò của chi bộ; phối hợp giữa bí thư chi bộ với thủ trưởng cơ quan chưa đầy đủ; công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên chưa kịp thời; một bộ phận đảng viên, trong đó có cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo chưa tự giác, gương mẫu chấp hành sinh hoạt chi bộ...

Nội dung sinh hoạt của một số chi bộ trong LLVT còn nghèo nàn, đơn điệu, ít thiết thực. Một số chi ủy viên và bí thư chi bộ ở xã, phường, thị trấn thiếu gương mẫu, buông lỏng công tác quản lý để cán bộ, chiến sĩ xảy ra sai phạm, thiếu kiên quyết trong xử lý, dẫn đến phải khai trừ Đảng... Đối với chi bộ trong công ty cổ phần, TNHH có vốn Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, FDI... cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để việc sinh hoạt chi bộ hiệu quả hơn.

Nhiều tổ chức cơ sở đảng trong khối doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến sinh hoạt chuyên đề (chỉ có 78/196 chi bộ có sinh hoạt chuyên đề). Bí thư Huyện ủy Mộ Đức Nguyễn Màu, nhận định: Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên; xây dựng mô hình học tập và làm theo Bác; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên vẫn còn nhiều mặt hạn chế mà tổ chức đảng cấp trên cần tăng cường lãnh đạo.
 
Đâu là giải pháp?

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sơn Tịnh Lê Văn Thảo cho rằng, chúng ta cần coi trọng việc tạo nguồn phát triển đảng viên, cấp ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ; không trông chờ nguồn bí thư chi bộ là cán bộ hưu (chi bộ thôn, tổ dân phố). Thực tế, nơi nào bí thư chi bộ có trình độ năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, có kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng thì ở đó vai trò của chi bộ được phát huy, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành nội dung sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của chi bộ cơ sở; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng viên phải nắm vững nội dung, chương trình của một buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề để có cơ sở giám sát vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, bí thư chi bộ... Xử lý nghiêm những đảng viên, kể cả cấp ủy viên không chấp hành việc sinh hoạt chi bộ mà không có lý do chính đáng...

Còn Bí thư Đảng ủy phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) Lê Việt Dũng  thì cho rằng, chúng ta cần xây dựng mô hình chi ủy thôn, tổ dân phố. Cụ thể là, nên bố trí đồng chí bí thư chi bộ phụ trách chung của chi bộ, đồng chí phó bí thư kiêm thôn trưởng, tổ trưởng dân phố; đồng chí chi ủy viên làm trưởng ban công tác mặt trận.

Thực hiện được mô hình này sẽ phát huy tốt vai trò lãnh đạo của chi bộ ở địa phương. Về nội dung sinh hoạt chi bộ, ngoài việc giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, thông tin thời sự trong nước và quốc tế, kinh tế - xã hội ở địa phương... thì nên trực tiếp bàn những vấn đề mà cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm, nhằm tạo sự thống nhất trước khi triển khai ra dân...
 

P.Đức- B. Sơn
 


.