Nhìn lại công tác kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở

05:08, 13/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, bộ máy chính quyền cấp cơ sở trong tỉnh đã cơ bản được kiện toàn và bắt tay ngay vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình chuẩn bị và tổ chức thực hiện đối với công tác này chắc chắn sẽ để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá.

Bài học về công tác cán bộ

Theo kết quả bầu cử đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn trong tỉnh, tổng số đại biểu được bầu là 4.780 người, nhưng chỉ có 4.702 người trúng cử, còn thiếu 78 đại biểu. Điều bất ngờ là, một số địa phương, bí thư, chủ tịch HĐND xã lại không trúng cử. Tại Bình Sơn, số đại biểu HĐND cấp xã thiếu 22 người (bầu lần 1); Tư Nghĩa có 8 xã bầu thiếu đại biểu HĐND cấp xã...

Đặc biệt tại xã Bình Long, mặc dù bầu đủ số lượng đại biểu, nhưng trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã có tới 2 ứng cử viên không trúng cử đại biểu HĐND xã, nên sau bầu cử gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, kiện toàn công tác cán bộ ở đây.

Sau khi kiện toàn, cán bộ UBND xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) tập trung giải quyết công việc hằng ngày cho dân. ẢNH: T.Thuận
Sau khi kiện toàn, cán bộ UBND xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) tập trung giải quyết công việc hằng ngày cho dân. ẢNH: T.Thuận


Hay như tại Đại hội đại biểu Đảng bộ cấp xã, phường, thị trấn, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kết quả bầu cử Ban chấp hành ở một số đảng bộ, không đạt như dự kiến. Điển hình là Đảng bộ xã Trà Bùi (Trà Bồng), đại hội chưa bầu được Ban Chấp hành do công tác nhân sự chưa xong. Sau đó tổ chức đại hội lần 2 cũng chỉ bầu được 13 ủy viên Ban Chấp hành, chưa bầu được Bí thư Đảng ủy, do giai đoạn này có đồng chí quyền bí thư, phó bí thư kiêm chủ tịch UBND xã và xã đội trưởng đang bị thi hành kỷ luật Đảng.

Đảng bộ xã Trà Lâm thì đồng chí bí thư Đảng ủy và chủ tịch xã không trúng cử Ban Chấp hành, buộc huyện phải điều động, luân chuyển vị trí khác... Hay như tại xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), trước đại hội, đồng chí chủ tịch UBND xã được quy hoạch dự kiến bầu giữ chức bí thư Đảng ủy xã, nhưng khi đại hội thì không trúng Ban Chấp hành Đảng bộ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết, trong quá trình chuẩn bị bầu cử đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn, nhiều địa phương do công tác lãnh đạo thiếu sâu sát, nên kết quả bầu cử không đạt như dự kiến. Cụ thể là, trong nhiệm kỳ 2010-2015 một số cán bộ, đảng viên xã Bình Long vi phạm bị kỷ luật Đảng nhưng đồng chí Bí thư Đảng bộ lại không bị liên đới trách nhiệm, không nhận khuyết điểm, trong năm 2015 vẫn đạt danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cơ cấu nhân sự đại biểu HĐND xã. Nhưng rồi khi bầu cử thì lại không trúng cử đại biểu HĐND xã. Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Đỗ Văn Phu cho rằng, đây là bài học đắt giá cho công tác cán bộ; đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở nếu sống và làm việc không vì dân.
 

Theo Sở Nội vụ, đến thời điểm này, công tác bố trí, sắp xếp phó chủ tịch UBND xã dôi dư trên địa bàn tỉnh cơ bản được thực hiện đúng theo yêu cầu, trình tự các bước. Trong tháng 7, Ban Thường vụ các huyện, thành ủy đã tổ chức phiên họp phê duyệt nhân sự giới thiệu ứng cử để bầu giữ các chức danh chủ chốt HĐND, UBND cấp xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2016 - 2021 và trong tháng 8 sẽ hoàn thành  việc sắp xếp số phó chủ tịch dôi dư.

Tại xã Hành Dũng, với mục tiêu làm trong sạch bộ máy cán bộ, Huyện ủy Nghĩa Hành đã kiên quyết không đưa vào cơ cấu 5 cán bộ xã, thôn để bầu đại biểu HĐND xã, do có liên quan đến một số sai phạm trong quá trình công tác.

Bộc lộ nhiều cái khó ở cơ sở

Theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, số lượng Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn các cấp bắt đầu từ nhiệm kỳ 2016 - 2021có giảm so với trước. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 20 xã thừa Phó Chủ tịch UBND cấp xã (riêng các xã miền núi, Phó Chủ tịch theo Đề án 600 của Chính phủ vẫn được tiếp tục thực hiện đến tháng 6.2017). Việc giảm vị trí lãnh đạo chính quyền cơ sở là nhằm tăng cán bộ trực tiếp làm chuyên môn; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn...

Hiện nay, theo thống kê, toàn tỉnh có 92 xã, phường, thị trấn có 2 phó chủ tịch UBND thuộc trường hợp phải tinh giảm còn 1 phó chủ tịch UBND. Trong đó, TP. Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số “dôi” phó chủ tịch nhiều nhất trong tỉnh.

Thời gian qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo các xã, phường quan tâm làm tốt công tác tư tưởng; gặp gỡ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ diện phải bố trí lại. Theo đó, có 1 đồng chí phó chủ tịch chuyển qua làm phó chủ tịch HĐND, còn lại làm công chức xã. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, việc bố trí 1 phó chủ tịch rất khó trong việc điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Trần Đình Trường – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng, cho biết: Trước đây, có hai phó chủ tịch phụ trách hai mảng kinh tế và văn hóa – xã hội, giờ giảm 1 phó chủ tịch và điều xuống làm công chức văn hóa- xã hội thì có phần hơi bị “lệch”, trong khi ở địa phương có quá nhiều việc. Nếu điều hành, chỉ đạo không khoa học, không có trọng tâm, trọng điểm thì khó hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Một số địa phương ở Sơn Tịnh, Đức Phổ, Mộ Đức cũng gặp khó khăn trong công tác này. Sau Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015- 2020, các địa phương đã cơ bản kiện toàn xong đội ngũ cán bộ chủ chốt. Những đồng chí thuộc diện tinh giản hầu hết còn trẻ tuổi, thời gian cống hiến còn dài, nếu không có kế hoạch bố trí sử dụng hợp lý thì sẽ gây lãng phí nguồn lực cán bộ.

B.Sơn-T.Thuận

 


.