Người góp phần thay đổi vùng cao Sơn Trung

09:08, 29/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 4 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung (Sơn Hà) Phó Chủ tịch UBND xã Dương Đình Cường (30 tuổi) đã có những đóng góp tích cực làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội ở địa phương.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội, Dương Đình Cường, quê xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) tham gia dự án 600 trí thức trẻ của tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2012, anh được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn.

Với Cường, khi đặt chân đến đây mọi thứ đều  "xa lạ", chưa có kinh nghiệm quản lý, bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán... Nhưng theo thời gian, những trở ngại ấy như là liều thuốc quý giúp chàng thanh niên trẻ được tôi luyện thêm ý chí, nghị lực, cũng như vốn kinh nghiệm, giúp anh trưởng thành hơn trong công tác. Mới 30 tuổi, nhưng trông Cường khá chững chạc.

Giờ đây, Cường có thể giao tiếp bằng tiếng Hrê thành thạo như người bản xứ, đủ thấy ý chí của chàng trai trẻ. Với tập quán sản xuất lạc hậu, nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao chưa được đưa vào sản xuất, dẫn đến đời sống người dân khó khăn, luôn khiến Cường trăn trở.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trung (Sơn Hà) Dương Đình Cường bên mô hình lúa lai MT10 cho năng suất cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trung (Sơn Hà) Dương Đình Cường bên mô hình lúa lai MT10 cho năng suất cao.


Được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế nông-lâm-ngư, Cường đã nghiên cứu, học hỏi và xây dựng một số mô hình sản xuất mới cho đồng bào, như không dùng lúa ăn để làm giống,  đưa giống lúa mới MT10; VN121 vào sản xuất... Giống lúa này chịu được thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, nên đạt năng suất hơn 52 tạ/ha.  

Ngoài ra, Cường còn triển khai mô hình sind hóa đàn bò, nên đến nay tổng đàn bò trong xã đã được lai sind chiếm tỷ lệ 16% (trước đây chỉ 5%), góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người chăn nuôi. Anh Đinh Văn Lên, một nông dân được hỗ trợ từ mô hình bò lai sind  ở thôn Làng Lòn chia sẻ: “Trước đây nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, từ ngày có cán bộ Cường về hướng dẫn cách làm ăn, tạo điều kiện vay vốn chăn nuôi, giờ gia đình không còn nghèo khó nữa”. Anh Cường còn đề nghị mở các lớp học nghề, nhằm giúp thanh niên địa phương có việc làm, ổn định cuộc sống, chủ yếu là nghề may công nghiệp, xây dựng; kỹ thuật chăn nuôi, thuốc thú y...

Chị Đinh Thị Liệu, ở thôn Gia Ri là một trong những học viên ứng dụng khá hiệu quả kiến thức được học vào phát triển kinh tế gia đình. Từ hộ nghèo, không có việc làm ổn định, chị Liệu được  anh Cường động viên tham gia vào lớp học nghề may mở tại địa phương. Sau khi tham gia khóa học, chị Liệu mở cơ sở may tại nhà, nên đã ổn định được cuộc sống...

Không những thế, anh còn  tham gia giải quyết nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài, hòa giải thành công nhiều vụ việc. Nhiều chế độ chính sách của người có công với cách mạng được anh hướng dẫn giải quyết kịp thời.

Nói về Phó Chủ tịch UBND xã  Dương Đình Cường, bà Đinh Thị Hồng - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, chia sẻ: “Dù là cán bộ trẻ,  mới về xã một thời gian ngắn, nhưng Cường đã phát huy được năng lực, năng nổ, nhiệt tình, chịu khó; hằng năm luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”. Năm 2013, Cường vinh dự được kết nạp Đảng và tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015- 2020, anh được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã.

Những ghi nhận đó đã minh chứng cho ý chí và nghị lực vượt khó của một trí thức trẻ, đang nỗ lực hết mình đem sức trẻ cống hiến cho vùng cao nghèo khó này. Hiện tại, Cường đã lập gia đình với một cô giáo trẻ công tác ở địa phương, nên coi đây là quê hương thứ hai, yên tâm lập nghiệp, cống hiến sức trẻ, giúp bà con vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.