Không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên: "Triệt" chuyện… chạy tuổi

08:08, 31/08/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Kết luận của Ban Bí thư về việc bắt đầu từ ngày 18/8, sẽ không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên được khai trong hồ sơ lý lịch gốc, khi được kết nạp Đảng được dư luận hết sức đồng tình ủng hộ và cho rằng đây là điều cần thiết để chấn chỉnh tình trạng "chạy tuổi".

Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến, nghe thông tin có nhiều đảng viên đề nghị điều chỉnh tuổi trong lý lịch đảng viên theo hướng kéo tụt tuổi xuống. Việc làm này có thể c hỉ để thống nhất với hồ sơ cán bộ, cũng có thể là một sự sửa sai cho việc khai lý lịch chưa chính xác khi xin kết nạp vào Đảng của đảng viên. Nhưng ở một góc độ nào đó, dư luận cho rằng, những đảng viên này cố tình điều chỉnh tuổi để được hưởng lợi.

 

 

Nghi ngờ ấy là có cơ sở, bởi tại sao việc điều chỉnh năm sinh trong lý lịch của đảng viên không diễn ra nhiều với người không có chức vụ trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước; và vì sao cứ sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc mỗi khi liên quan đến quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, đảng viên mới xin điều chỉnh tuổi trong lý lịch đảng viên? 

Và thực tế những năm gần đây, việc sửa lại tuổi của một số cán bộ, đảng viên, nhất là vào thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc trước khi xem xét quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và khi cán bộ chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu... đã gây ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị ở các cấp trong công tác cán bộ; đồng thời tạo ra dư luận không tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Lao động đã thẳng thắn chỉ rõ: "Tôi nghĩ là trên 4 triệu đảng viên hiện nay hầu hết không ai nghĩ tới việc tăng tuổi của mình lên hay hạ tuổi của mình xuống. Nếu có thì rơi vào những người có động cơ không đúng, vì muốn địa vị cá nhân, quyền lợi. Bởi vì Đảng quy định tuổi cán bộ phải nghỉ hưu, tuổi tham gia cấp ủy. Do vậy, việc điều chỉnh tuổi của những trường hợp này là muốn kéo dài thời gian làm việc theo nghĩa không trong sáng, vì động cơ cá nhân, chứ không phải kéo dài ra để phục vụ nhân dân nhiều hơn". 
 
Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm xói mòn kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Vì Đảng có mạnh hay không phụ thuộc vào kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Kỷ cương, kỷ luật của Đảng bảo đảm sự hoạt động của Đảng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
 
Chính vì vậy có thể nói, kết luận của Ban Bí thư về việc không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên, mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng là việc làm thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc chấn chỉnh những sai sót trong vấn đề tuổi tác của cán bộ là đảng viên, nhằm làm trong sạch đội ngũ của Đảng.
 
Đây còn là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên một cách tốt hơn.
 
Quỳnh Nhi
 
 
 

 


.