Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII họp phiên cuối

02:07, 11/07/2016
.

Phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra trong 2 ngày 11-12/7. Đây cũng là phiên họp cuối cùng của UBTVQH khóa XIII.

 

Phiên họp thứ 50 của UBTVQH sẽ diễn ra trong 2 ngày 11-12/7. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Phiên họp thứ 50 của UBTVQH sẽ diễn ra trong 2 ngày 11-12/7. Ảnh: VGP/Đỗ Hương


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo chương trình, tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/7; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2017.

UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; cho ý kiến về cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; việc chuyển kênh truyền hình Quốc hội từ Đài tiếng nói Việt Nam về Văn phòng Quốc hội.

Cũng tại phiên họp này UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng.

Trong sáng 11/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội đã trình bày Báo cáo thẩm tra về hai báo cáo trên.

Đa số các đại biểu trong UBTVQH đều nhất trí với các báo cáo của Chính Phủ. Các đại biểu cũng đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và những hành động cụ thể, sát với với người dân của lãnh đạo Chính phủ. Điều này đã tạo lòng tin rất lớn cho người dân, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trong thời gian qua.

Trong 6 tháng đầu năm nay đã xuất hiện những diễn biến mới, những khó khăn, thách thức như: Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng; các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016. Ở trong nước, sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng biển các tỉnh miền Trung, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm ở phía Bắc, hạn hán ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở ĐBSCL… đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2016 GDP tăng 6,7%. Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức tăng 6,32% cùng kỳ năm trước. Để đạt mức tăng trưởng như Nghị quyết của Quốc hội, GDP 6 tháng cuối năm phải đạt gần 7,6% là khó khả thi, đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong 6 tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ: “Nhân dân chỉ chấm điểm kết quả, chứ không chấm điểm vất vả”, vì vậy cần có những nỗ lực cao hơn trong công tác chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Xung quanh các báo cáo này, nhiều thành viên UBTVQH đã nêu ý kiến về các vấn đề về: An sinh xã hội, sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra; việc bổ nhiệm nhân sự ở một số đơn vị vào cuối nhiệm kỳ khiến dư luận đã lên tiếng; tình hình phát triển sản xuất của ngành nông nghiệp…

Chiều nay, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng.
 

Theo Đỗ Hương/Chínhphu.vn

 


.