Tiếng nói của người trẻ

08:05, 22/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong không khí nô nức của ngày hội lớn, nhiều cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu cử người đại diện cho tiếng nói của mình đã có những tâm tư, nguyện vọng đối với các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016- 2021.

 Cần tạo nhiều việc làm

Hồi hộp, nhưng tự hào là tâm trạng chung của các cử tri lần đầu tiên thực hiện quyền công dân của mình. Những cử tri trẻ mong muốn có được nhiều cơ hội việc làm hơn, mong muốn có nơi để thể hiện bản thân, góp ích cho xã hội và quan trọng hơn hết là thực hiện được hoài bão, ước mơ của họ.

Trung tâm Văn hóa Thông tin TP. Quảng Ngãi tuyên truyền lưu động về ngày bầu cử trên các tuyến đường.                                                                 Ảnh: T.P
Trung tâm Văn hóa Thông tin TP. Quảng Ngãi tuyên truyền lưu động về ngày bầu cử trên các tuyến đường. Ảnh: T.P


Vừa bước qua tuổi 18 và lần đầu tiên có tên trong danh sách cử tri, cậu học sinh Đinh Văn Máu, lớp 12, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) tỏ ra rất tự hào khi lần đầu tiên được đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, kỳ vọng lớn nhất của một cử tri trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường là gì? Chàng trai trẻ người Ca Dong không một phút suy nghĩ: “Là cử tri trẻ, chúng tôi mong muốn các ứng cử viên phải mang nguyện vọng của chúng tôi ra bàn thảo tại các kỳ họp của Quốc hội và HĐND để thế hệ trẻ có được nhiều lựa chọn hơn trong tìm kiếm việc làm, nhất là thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số”.

Không chỉ trăn trở vấn đề việc làm mà nhiều cử tri trẻ còn cho rằng, đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng thì tạo việc làm cho người lao động, sinh viên ra trường vẫn chưa đủ, mà phải tạo cho họ có cơ hội cống hiến; đồng thời mức thu nhập đảm bảo đủ sống và có dư. Bởi hiện nay rất nhiều người ra trường xin được việc, nhưng đồng lương quá thấp không đủ chi tiêu hằng ngày nên phải “nhảy” việc liên tục.

Các cử tri  trẻ đang học tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.                                                                                                                                                                                               Ảnh: LÊ ĐỨC
Các cử tri trẻ đang học tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: LÊ ĐỨC


Vừa ra trường, chưa xin được việc làm, chàng kỹ sư điện công nghiệp Phạm Vũ, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), cho rằng, rất nhiều kỹ sư, cử nhân thậm chí là thạc sĩ ra trường nhưng thất nghiệp. Một thế hệ trẻ đầy năng động, sáng tạo và có kiến thức nhưng chưa và không biết cống hiến như thế nào cho xã hội là quá lãng phí. “Là cử tri, tôi mong rằng các đại biểu được chúng tôi bầu nếu trúng cử hãy mạnh dạn nói lên tiếng nói của cử tri trẻ chúng tôi. Trong đó, không chỉ thu hút nhiều nhà đầu tư, phát triển kinh tế để tạo công ăn việc làm, mà cần phải có những chính sách hỗ trợ để thanh niên khởi nghiệp. Hiện nay có quá ít chương trình để thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn có cơ hội khởi nghiệp. Do đó, phải tạo ra nhiều việc làm từ thành thị đến nông thôn để thanh niên có cơ hội cống hiến”, cử tri Phạm Vũ chia sẻ.

Hãy quan tâm và lắng nghe người trẻ

Không chỉ có câu chuyện việc làm, mà nhiều cử tri trẻ còn quan tâm đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, kể cả những vấn đề trọng đại của đất nước. Cử tri Nguyễn Thị Mỹ Dung (18 tuổi, ở thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức) cho biết, đây là lần đầu tiên tôi tham gia bầu cử. Sự kiện này giúp tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn, khi bản thân đã có quyền được tham gia vào việc lựa chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới.

"Mong rằng, các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ không phụ niềm tin, sự kỳ vọng của thế hệ trẻ chúng tôi. Chúng tôi rất mong những người trúng cử sẽ giải quyết được các vấn đề về an sinh xã hội cho mọi người, đặc biệt là người nghèo. Bởi khi quan sát thực tế và tiếp cận thông tin thông qua báo chí, truyền hình, tôi cảm thấy rằng sự chênh lệch về mức sống giữa người giàu và người nghèo ngày càng có khoảng cách xa hơn. Để tiến đến một xã hội công bằng và hạnh phúc, các cấp chính quyền không chỉ tạo công ăn việc làm cho thế hệ trẻ mà cần phải có những hỗ trợ, chia sẻ kịp thời, để cùng phát triển”, cử tri Mỹ Dung nói.

Gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, đến với dân nhiều hơn và đưa tiếng nói của cử tri trẻ đến với các cấp, các ngành để bàn thảo, giải quyết những vấn đề kiến nghị đầy trách nhiệm, đó là mong mỏi của những cử tri trẻ tuổi. Những cử tri trẻ cho rằng, dù ở thời nào thì thế hệ trẻ cũng mong được cống hiến sức lực và trí tuệ để góp sức xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.

 Cử tri trẻ kỳ vọng các cấp chính quyền sẽ tạo thêm nhiều việc làm.                                                                                                                                                                                                                                                                                                Ảnh: PV
Cử tri trẻ kỳ vọng các cấp chính quyền sẽ tạo thêm nhiều việc làm. Ảnh: PV


Trong khi đó, tiếp xúc với chúng tôi, cử tri Đinh Thị Linh (20 tuổi), xã Long Hiệp (Minh Long) kiến nghị: Tôi cảm thấy rằng cuộc sống của người dân ở miền núi và đồng bằng vẫn còn chênh lệch nhau. Từ cơ sở hạ tầng cho đến các thiết chế phục vụ đời sống tinh thần... ở miền núi còn rất thiếu thốn. Như vị trí nhà tôi ở, dù cách trung tâm huyện chưa đầy 3km, nhưng vẫn phải đi đường đất, nước sinh hoạt cũng không đảm bảo. “Hy vọng rằng, các ứng cử viên sau khi trúng cử sẽ tiếp thu và hành động, thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, giúp con em chúng tôi được hưởng cuộc sống tốt hơn”, cử tri Đinh Thị Linh bày tỏ.

Còn cử tri Hồ Thị Điểm, thôn Bắc, xã Trà Sơn (Trà Bồng), thì chia sẻ: “Có những vấn đề, sự việc như thực phẩm bẩn, bạo lực học đường, cờ bạc, trộm cắp... hầu hết các vụ án đều do người trẻ gây ra. Và hầu như kỳ họp nào cử tri cũng kiến nghị, cũng phản ánh. Tuy nhiên, các cấp ngành vẫn chưa có giải pháp căn cơ và biện pháp xử lý triệt để. Bên cạnh đó, người dân luôn lo lắng cho sức khỏe của mình, nhất là việc khám chữa bệnh ở các bệnh viện... Những tồn tại, khiếm khuyết ấy đang dần làm mất niềm tin trong một bộ phận cử tri trẻ. Do đó, tôi mong rằng các đại biểu trúng cử phải nói đi đôi với làm, đáp ứng nguyện vọng, tâm tư của người trẻ chúng tôi”.


L. ĐỨC-H.HOA-Ý THU


 


.