Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh: Tạo động lực cho sự phát triển

07:05, 21/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tăng cường, nâng cao hiệu quả của công tác giám sát trên lĩnh vực kinh tế; kịp thời phát hiện những tồn tại cũng như đề xuất tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách. Đó là một trong những điểm sáng trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Tạo đột phá mới trong phát triển đô thị

Qua công tác giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 cho thấy, những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Công tác thiết kế đô thị và quản lý kiến trúc đô thị từng bước được chú trọng. Hệ thống hạ tầng tại các đô thị từng bước được quan tâm đầu tư phát triển. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của đô thị (giao thông, cấp điện, thoát nước...) được chú trọng ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện.

 Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh giám sát trường chuẩn quốc gia.  (Ảnh do Ban VH-XH HĐND tỉnh cung cấp)
Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh giám sát trường chuẩn quốc gia. (Ảnh do Ban VH-XH HĐND tỉnh cung cấp)


Trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã huy động vốn xã hội khoảng 11.151 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 2.386 tỷ đồng) đầu tư cho khu vực đô thị. Nhiều công trình hạ tầng đã được đầu tư, như các tuyến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, đường bờ nam sông Trà Khúc, chỉnh trang các tuyến đường nội thị TP.Quảng Ngãi, đầu tư phát triển KKT Dung Quất, hạ tầng đô thị các huyện... Riêng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, có nhiều dự án được đầu tư như Khu đô thị An Phú Sinh (972 tỷ đồng), Dự án Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi (giai đoạn 1 trên 125 triệu USD)... Nhờ đó, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh tăng từ 14,63% (năm 2010) lên 17,11% (năm 2015). Đặc biệt, TP.Quảng Ngãi đã được công nhận đô thị loại II; thị trấn Đức Phổ đạt đô thị loại IV... Nếp sống văn minh đô thị từng bước được hình thành. Phát triển đô thị cùng với công nghiệp đã tác động tích cực giải quyết việc làm, giảm hộ nghèo khu vực nông thôn, miền núi và góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của HĐND tỉnh, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 chủ yếu tập trung thời gian đầu, việc theo dõi kiểm tra và chỉ đạo chưa thường xuyên. Một số sở, ban, ngành chậm tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách để phát triển đô thị mà Nghị quyết số 21 đã đề ra. Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để thực hiện đề án phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu, thấp hơn nhiều so với nhu cầu vốn của đề án. Vốn huy động, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để phát triển đô thị cũng đạt thấp... Do vậy, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Nghị quyết số 21 đề ra. Tất cả những tồn tại, hạn chế trên cần được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tập trung khắc phục trong thời gian đến, nhằm tiếp tục tạo nên những khởi sắc mới trong phát triển đô thị ở Quảng Ngãi.
 

 “Cốt lõi của hoạt động giám sát là kết quả và tạo sự chuyển biến theo hướng tích cực. Nếu giám sát xong mà không kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải quyết sẽ khiến người dân mất niềm tin vào vai trò và tiếng nói của HĐND”.
Ông VÕ PHIÊN - Ủy viên Thường trực,  Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh.

“Gỡ khó” giúp nông dân

“Sau khi được trực tiếp nói lên ý kiến của mình với đoàn giám sát HĐND tỉnh, nhiều khó khăn và vướng mắc của những chủ trang trại như tôi đã được các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ”, ông Nguyễn Chừ, thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) bày tỏ. Trước khi trở thành chủ trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi, với doanh thu lên đến gần một tỷ đồng mỗi năm, ông Chừ đã suýt phá sản vì “vướng” chính sách ưu đãi của Nhà nước, từ việc xin thuê đất, thẩm định và phê duyệt dự án đến tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Song, nhờ sự động viên và hỗ trợ kịp thời của một số ngành chức năng, trang trại chăn nuôi tổng hợp ra đời và dần mở rộng quy mô sang trồng trọt. Ngay sau đó, Thường trực HĐND tỉnh đã trực tiếp gặp gỡ ông Chừ để tìm hiểu, nắm bắt những khó khăn, bất cập khi tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển trang trại. Từ đó đề xuất nhiều giải pháp, kịp thời gỡ khó giúp người dân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của 62 trang trại và 474 gia trại trên địa bàn tỉnh.

 Không chỉ nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người dân – chủ thể chính trong quá trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án), hoạt động giám sát của Thường trực HĐND cũng được chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp đánh giá cao. Bởi, qua hoạt động này, HĐND tỉnh đã phát hiện những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện các chính sách. Từ đó kịp thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xem xét tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; cũng như rà soát và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần thúc đẩy việc áp dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.                                    Ảnh: MỸ HOA
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp góp phần thúc đẩy việc áp dụng cơ giới hóa, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Ảnh: MỸ HOA


Nhờ vậy, nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp; bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX... được thực thi hiệu quả. Toàn tỉnh hiện đã dồn điền đổi thửa được trên 643ha đất sản xuất nông nghiệp; thực hiện chính sách hỗ trợ đất trồng lúa, với kinh phí trên 76 tỷ đồng (ngân sách Trung ương); hợp nhất 17 HTX và thành lập mới 3 HTXNN... Trên lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã xây dựng được 29 cánh đồng lớn với tổng diện tích 395ha; chuyển đổi trên 2.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, năng suất tăng bình quân từ 3 – 10 tạ/ha so với năng suất lúa đại trà trên cùng diện tích. Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản có nhiều bước tiến mới.
 

"Thông qua giám sát, HĐND tỉnh đã có những đánh giá về kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực giám sát; đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đã ban hành. Các kiến nghị sau giám sát được thực hiện khá nghiêm túc, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo được niềm tin cho cử tri".
       Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG -  Trưởng Ban VH và XH của HĐND tỉnh.

Chấn chỉnh sai phạm trong giao đất, giao rừng

Công tác giám sát về giao đất, giao rừng được HĐND tỉnh rất chú trọng trong nhiệm kỳ qua. Trong đợt giám sát cuối năm 2014, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng sản xuất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn các huyện Ba Tơ và Trà Bồng.

Sau giám sát, HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vấn đề, tập trung vào các lĩnh vực: Lập và thực hiện phương án giao đất đối với diện tích đất đã có quyết định thu hồi của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn 2 huyện Ba Tơ, Trà Bồng cho nhân dân thiếu đất sản xuất; quyết liệt đẩy mạnh việc thực hiện Đề án về giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2009 - 2013; giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất, rừng được giao cho các công ty, lâm trường; đánh giá hiệu quả sử dụng đất của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai, qua đó thu hồi diện tích đất đã giao nhưng Công ty không sử dụng với diện tích gần 2.600ha.

Chỉ ra nhiều tồn tại trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa

Nhờ đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND tỉnh khóa XI, nên qua thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện những tồn tại, hạn chế ở một số trường tiểu học, như thu học phí học 2 buổi/ngày vượt quá quy định; việc thu, chi xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp; thu, chi quỹ hỗ trợ phong trào, hỗ trợ giáo dục...  không đúng quy định. Vấn đề chi hỗ trợ cho giáo viên trực trưa có nhiều bất cập, nhiều trường có mức hỗ trợ khác nhau, nhiều giáo viên mầm non ở các trường công lập chưa được hỗ trợ trực trưa hoặc hỗ trợ nhưng không đủ, gây tình trạng so bì trong giáo viên.

Sau khi giám sát, HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh một số đơn vị thu vượt quy định; thu, chi không đúng quy định. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố bố trí đủ 20% nguồn kinh phí hoạt động để Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố phân bổ cho các trường mầm non đủ chi các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và một phần để chi hỗ trợ trực trưa. Đến nay, công tác thu chi tại các trường học đã được chấn chỉnh, đảm bảo đúng quy định, hạn chế tình trạng lạm thu...

Lĩnh vực văn hóa, du lịch cũng là vấn đề trọng tâm được giám sát. Nhờ đó, đến nay công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này đã có sự chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng lần lượt được đầu tư xây dựng, chỉnh trang, bước đầu tạo được điểm nhấn và gây ấn tượng tốt với du khách khi về tham quan, nghỉ dưỡng. Các chính sách đất đai, giảm thuế, thu hút nguồn nhân lực được ưu tiên hỗ trợ đã thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển số lượng cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch có quy mô, chất lượng cao...

NHÓM PV


 


.