Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo trong giai đoạn mới

07:05, 26/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-Thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Quảng Ngãi đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền về biển đảo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

TIN LIÊN QUAN

Tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm

Những năm qua, công tác tuyên truyền về biển, đảo trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chủ động triển khai tích cực, toàn diện với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Các cơ quan báo chí của tỉnh đã bám sát nội dung chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT để tuyên truyền về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; các Quyết định, Chương trình hành động của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; những tiềm năng, lợi thế của biển, đảo Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng.

Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH đã đăng tải, phát sóng hàng nghìn tin, bài, ảnh về đề tài biển đảo. Qua đó, kịp thời định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về xử lý các vấn đề trên Biển Đông, góp phần động viên ngư dân yên tâm bám biển, khai thác hải sản, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

 

Lính Trường Sa chắc tay súng giữ vững biên cương.                                                                                                                                                              Ảnh: Nguyễn Triều
Lính Trường Sa chắc tay súng giữ vững biên cương. Ảnh: Nguyễn Triều


Nhà báo Huỳnh Đức Minh - Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Quảng Ngãi, cho biết: Báo Quảng Ngãi luôn xác định tuyên truyền về chủ quyền biển đảo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của báo. Hằng tháng, hằng quý và từng năm, báo đều có kế hoạch và tổ chức tuyên truyền về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo luôn bám sát Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo”, mỗi tháng 3 kỳ, với nhiều bài viết phong phú, đa dạng.

Từ tháng 4.2016, Báo đã ra chuyên mục Biển-Kinh tế biển vào số thứ 4 hằng tuần. Các bài viết phản ánh tình hình hoạt động của các ngành chức năng, ngư dân và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở các xã tuyến biên giới biển, đảo.

Đài PT-TH (PTQ) tỉnh cũng xem biển đảo là một trong những đề tài trọng tâm, xuyên suốt trong các chương trình phát sóng. Theo nhà báo Trương Quang Tấn - Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PT-TH Quảng Ngãi, PTQ luôn xác định việc tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội vùng biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nghĩa vụ, đồng thời là trách nhiệm của những người làm báo.

Vì vậy, lãnh đạo đài luôn động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho phóng viên đi thực tế ở vùng biển đảo trong và ngoài tỉnh. Xây dựng khung chương trình hợp lý cho việc tuyên truyền các chuyên đề như: “Vì chủ quyền an ninh biển đảo”, “Nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Quốc phòng toàn dân”... góp phần chuyển tải nhiều thông tin có tính chất hệ thống, chuyên sâu về biển đảo.   

Sát cánh cùng ngư dân

Phóng viên các báo, đài chụp hình lưu niệm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nhân chuyến tác nghiệp tại Trường Sa tháng 1.2016. ảnh: Nguyễn Triều
Phóng viên các báo, đài chụp hình lưu niệm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa nhân chuyến tác nghiệp tại Trường Sa tháng 1.2016. ảnh: Nguyễn Triều


Những năm gần đây, tình trạng tàu thuyền ngư dân Quảng Ngãi ra khơi đánh bắt hải sản bị tàu nước ngoài đâm chìm, bắt giữ, tịch thu phương tiện, phá hỏng các ngư lưới cụ, hoặc bị “cướp biển” tấn công... luôn là nỗi ám ảnh của ngư dân.

Tất cả những thông tin này, qua kiểm chứng từ các cơ quan chức năng đã được các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương phản ánh khá đầy đủ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết cho ngư dân đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc khi đánh bắt hải sản trên biển.

Đồng thời, động viên, chia sẻ những thiệt hại của ngư dân; phản ánh kịp thời những khó khăn, trở ngại của ngư dân đến các cấp chính quyền, nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển, khai thác hải sản và góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Các cơ quan báo chí ở tỉnh đã đăng tải thường xuyên các tư liệu quý về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; các văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Biển Việt Nam năm 2013, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), các nguyên tắc, thỏa thuận có liên quan đến biển, đảo đã ký giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Biển Đông...

Báo chí còn cung cấp những chứng cứ lịch sử, căn cứ pháp lý và thực tiễn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam.

Điều này đã, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược biển, đảo nước ta; cổ vũ nhân dân toàn tỉnh phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa Quảng Ngãi trở thành một trong các tỉnh “mạnh về biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảo”.


B.SƠN - NG.TRIỀU

Nhà báo với biển, đảo

Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm - nguyên Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Quảng Ngãi (Giải A báo chí quốc gia năm 2011 với loạt bài: “Lý Sơn - Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”): Lý Sơn mãi ám ảnh tôi

Đến giờ tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên được đặt chân đến Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đó là một ngày đầu hè năm 1991. Khi đứng trước Âm Linh tự, cảm giác ban đầu thật bình thường như những đình làng, miếu thờ trong đất liền. Nhưng sau đó, chính Âm Linh tự đã ám ảnh tôi.

Đến khi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn được phục dựng, tôi càng hiểu hơn vì sao vùng đất này lại trở thành nỗi trăn trở của nhiều thế hệ người dân đến vậy. Người dân ở đảo giàu lòng yêu nước, có ý thức coi trọng, giữ gìn báu vật của cha ông về chủ quyền biển đảo quê hương. Lý Sơn chính là bảo tàng sống về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Nhà báo Lê Anh Vinh - Đài PT-TH Quảng Ngãi (Giải B báo chí Quốc gia năm 2014 với loạt bài: Khi lòng yêu Tổ quốc nở hoa): Khâm phục về sự can trường của ngư dân

Với ngư dân Quảng Ngãi, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường quen thuộc từ bao đời nay của bà con ngư dân. Dù thiên tai, nhân tai luôn rình rập, nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám biển để đánh bắt hải sản.

Tôi đã chứng kiến sự can trường của ngư dân Quảng Ngãi trong những ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Dẫu những chiếc tàu của Trung Quốc có hung hãn đến mấy, thì ngư dân Quảng Ngãi vẫn không hề nao núng, vẫn duy trì hoạt động đánh cá của mình như một cách khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.  

Nhà báo Phạm Văn Danh - Báo Quảng Ngãi: Tôi đã khóc khi đứng giữa Trường Sa

Đã tám năm kể từ ngày ra thăm và tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, nhưng nay mỗi lần nghe nhắc đến tên các đảo chìm, đảo nổi của Tổ quốc nằm sừng sững, hiên ngang giữa đại dương, niềm xúc cảm trong tôi lại dâng trào như sóng biển. Tác nghiệp ở Trường Sa, tôi đã phần nào thấu hiểu nghĩa tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng và những nét đẹp rất đỗi đời thường của người lính đảo.

Tôi đã khóc khi nhìn thấy trên chiếc bàn nhỏ ngăn nắp trong phòng làm việc của một chỉ huy đảo chìm Tiên Nữ, bên dưới là hình vợ con, giữa tầm mắt là ảnh chân dung Bác Hồ và trên cùng là lá cờ Tổ quốc. Một không gian nhỏ hẹp ấy cũng đủ để tôi cảm nhận về hình ảnh bộ đội Trường Sa. Và càng nhận ra nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng của những người cầm bút như tôi đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Phóng viên Võ Minh Huy - Đài PT-TH Quảng Ngãi: Tôi nặng lòng với biển

Với tôi, biển đảo quê hương luôn là một sợi dây vô hình cứ mãi quấn chặt lấy tình cảm của tôi. Bởi vậy, tôi kỳ vọng biển đảo nước ta rồi sẽ mang một dáng dấp mới, một hình hài mới.

Khi đó, ngư dân ở 28 tỉnh, thành phố có biển trên đất nước Việt Nam sở hữu và làm chủ được những con tàu đánh cá hiện đại vỏ thép với máy móc phục vụ nghề biển tiên tiến bậc nhất trong khu vực, thay thế cho những chiếc tàu bé nhỏ, phương tiện đánh bắt thô sơ, thiếu thốn.

Hàng triệu ngư dân sẽ không còn sống trong cảnh nghèo khổ, gia đình ngư dân nào cũng có nhà cao cửa rộng, sống trong cảnh sung túc, no đầy.
 

N.T - B.S (thực hiện)

 

 


.