KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG (1.3.1906 - 1.3.2016)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lòng người dân Quảng Ngãi (Kỳ cuối)

11:03, 01/03/2016
.

 


TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ cuối: Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam


Chín mươi tư tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cho tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và lý tưởng Cộng sản chủ nghĩa. Tấm gương của ông mãi là niềm tự hào và luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam và mỗi người dân Quảng Ngãi.

 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bêân trái), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng LLVT Trần Thị Lý, năm 1975.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bêân trái), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng LLVT Trần Thị Lý, năm 1975. Ảnh: TL

 

"Đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà yêu nước nhiệt thành, người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta, người con trung hiếu của dân tộc, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế, nhà lý luận xuất sắc, nhà ngoại giao có kinh nghiệm, nhà văn hóa lớn của nước ta”.
               Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

 

*Thạc sĩ Võ Văn Hào - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: “Người làm rạng rỡ quê hương Quảng Ngãi anh hùng”
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là biểu tượng của nghị lực, tài năng, đức độ, suốt đời cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Từ lúc tham gia cách mạng, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều cương vị khác nhau, ông luôn đặt niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, vào khối đại đoàn kết toàn dân. Ông nhấn mạnh:  “Nhân dân là sức mạnh sáng tạo nên lịch sử”. Ông là người thấu hiểu minh triết Hồ Chí Minh: “Có dân là có tất cả, tất cả mọi chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước đều nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng toát lên vẻ đẹp của một nhân cách lớn, một tầm vóc lớn. Trong con người ông dường như có sự kết tinh tất cả tinh hoa truyền thống của quê hương, gia đình, của văn hóa và con người Quảng Ngãi. Hoàn cảnh lịch sử của quê hương, đất nước đã sinh ra Phạm Văn Đồng và chính ông đã làm rạng rỡ quê hương nơi ông sinh ra. Lịch sử càng lùi xa, tấm gương đạo đức và nhân cách Phạm Văn Đồng càng tỏa sáng, trở thành giá trị tinh thần quý báu, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa quê hương núi Ấn, sông Trà.
 
 

*PGS.TS Phạm Đăng Phước - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng: “Có một nhà giáo dục tận tụy Phạm Văn Đồng”.
Trong suốt cuộc đời hoạt động phục vụ cách mạng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trải qua nhiều vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng hình ảnh về một nhà giáo dục Phạm Văn Đồng đầy nhiệt huyết và tài năng, đã in sâu vào lòng mọi người. Trong những năm bộn bề công việc quốc gia đại sự, hay đến lúc tuổi cao sức yếu, ông luôn quan tâm, coi trọng vấn đề giáo dục - đào tạo. Ông kêu gọi thế hệ trẻ: “Các bạn hãy học tập để thành người và để làm người, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với cha anh, sánh vai cùng bạn bè thế giới”.
 
Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn quan tâm đến việc cải cách, đổi mới giáo dục nước nhà. Ông từng làm Chủ tịch Ủy ban Cải cách giáo dục Trung ương trong nhiều năm. Quán triệt sâu sắc quan điểm giáo dục của Hồ Chủ tịch, về đào tạo lớp người “vừa hồng vừa chuyên”; coi trọng giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ trong nhà trường; yêu cầu làm tốt công tác giáo dục đào tạo qua câu nói mộc mạc, nhưng  rất nổi tiếng: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”... Di sản mà Thủ tướng để lại cho ngành giáo dục là to lớn, tiêu biểu là cuốn sách: “Giáo dục-Quốc sách hàng đầu- Tương lai dân tộc”.

 Để ghi nhớ công ơn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, năm 2007, khi thành lập Trường Đại học tại Quảng Ngãi, lãnh đạo tỉnh đã nhất trí lấy tên là Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Đó cũng là ước nguyện của nhân dân về một ngôi trường đại học mang tên người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi. Việc lấy tên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, cũng nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống cách mạng của cha ông, lòng tự hào, lòng yêu quê hương, đất nước. Đồng thời, trường cũng là đơn vị kế thừa truyền thống của Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ mà Bác Phạm Văn Đồng là người sáng lập và là Hiệu trưởng danh dự. Từ vinh dự  đó, Trường Đại học Phạm Văn Đồng không ngừng phấn đấu, xây dựng nhà trường phát triển vững mạnh, sánh vai với các trường đại học trong cả nước.
 
 

*Ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: “Một nhân cách văn hóa lớn”.
 Là người chú trọng và có ý thức trong việc phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn dành thời gian để nghiên cứu và có những tác phẩm đánh giá xác đáng về các vua Hùng, về các danh nhân văn hoá của dân tộc như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh... Không chỉ vậy, ông còn quan tâm đến từng “lời ăn, tiếng nói” trong dòng chảy cuộc sống. Ngay từ những năm 1966, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bàn về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Ông cho rằng, “tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại”. Vì vậy, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải được coi là việc làm đúng đạo lý, là biểu hiện của hành động cách mạng trên mặt trận văn hoá.

 Trong cuộc đời mình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, ông cho rằng, văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa; văn hóa là động lực để phát triển kinh tế và xã hội. Trong công trình văn hóa và đổi mới, ông đã đặt toàn bộ công cuộc đổi mới trên tầm nhìn văn hóa với lời khẳng định: “Đổi mới phải bắt nguồn và bắt rễ từ mảnh đất văn hóa...”. Được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách, ông có điều kiện mở rộng và nâng cao trí tuệ ở tầm quốc gia và quốc tế. Những quan điểm của ông về văn hoá là ở tầm chiến lược vĩ mô, là đường lối, quan điểm văn hoá của Đảng và Nhà nước ta. Ông xác định trách nhiệm của các nhà văn hóa là: “Hiểu biết, khám phá và sáng tạo”.

 

*Thạc sĩ Lê Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: “Nhà ngoại giao với trái tim rộng mở”.
 Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Ngoại giao bắt đầu bằng trái tim rộng mở”. Và xuyên suốt cuộc đời ông, bằng “trái tim rộng mở” ấy, ông đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Tầm vóc và phong cách ngoại giao của ông được thể hiện qua nhiều sự kiện lịch sử như: Hội nghị Phông-ten-nơ-blô năm 1946 ở Pháp, Hội nghị Giơ-ne-vơ ở Thụy Sĩ năm 1954, Băng - Đúng năm 1955, Hội nghị cấp cao của phong trào không liên kết...

 Tại các Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Giơ-ne-vơ, người ta biết về một nhà ngoại giao Phạm Văn Đồng là hiện thân của ý chí và khát khao hòa bình của nhân dân Việt Nam, nhưng cũng đầy bản lĩnh, kiên quyết buộc những kẻ xâm lược phải công nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Bên cạnh những bài diễn văn đanh thép, hùng hồn, những cuộc trả lời phỏng vấn quan trọng có tính chiến lược, thì tại các cuộc gặp gỡ với bạn bè quốc tế, ông lại là một người bạn chân thành, sâu sắc. Vì vậy, ông luôn được bạn bè quốc tế tin yêu, kính trọng và khẳng định Phạm Văn Đồng  “là một trong những nhân vật xuất sắc và có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam trong thế kỷ XX, nhờ những khả năng kiệt xuất về ngoại giao cũng như uy tín, ảnh hưởng to lớn ở trong nước”.

 

*Thạc sĩ Trần Công Lượng - Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu (Trường Đại học Phạm Văn Đồng): “Đóng góp lớn trong việc giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”.
 Ngay từ những năm tháng vô cùng khó khăn, thử thách sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, đồng chí Phạm Văn Đồng đã kêu gọi chiến sĩ, nhân dân, học sinh học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Tác phẩm: “Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc Việt Nam”, của Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát hành tháng 8.1948, đã mở đầu cho việc nghiên cứu Hồ Chí Minh của Phạm Văn Đồng. Trong tác phẩm này, ông đặt vấn đề “Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?” và khẳng định: “Học Hồ Chủ tịch là học trung với nước, hiếu với dân, học đoàn kết, học phấn đấu, học lý thuyết và phương pháp khoa học, học cần, kiệm, liêm, chính...”. Theo ông, học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chủ tịch là hai vấn đề không tách rời. Ông đã nghiên cứu và xuất bản những tác phẩm lớn về tư tưởng Hồ Chí Minh, tiêu biểu là: Hồ Chí Minh- Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp; Hồ Chí Minh - Quá khứ, hiện tại, tương lai; Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh...

Trong bài giảng cho học sinh Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ,  Phạm Văn Đồng đã giảng bài “Trung với nước, hiếu với dân”. “Trung với nước, hiếu với dân” của người cách mạng là quan điểm lớn trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và chính ông là tấm gương mẫu mực “hy sinh, tận tụy với nước, với dân”.

P.ĐỨC - P.LÝ - N.TRIỀU
(ghi)

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 


.