Chuyện cảm động về người cộng sản kiên trung

09:03, 24/03/2016
.

(Baoquangngai.vn)- “Ngày 25.3.1961, tôi tên là Lưu Chí Hiếu, không ly khai Đảng Cộng sản được, tôi xin chịu trách nhiệm không ly khai. Ký tên: Hiếu”, từng câu, từng nét chữ của đồng chí Lưu Chí Hiếu được lưu lại trên tấm bia mộ của đồng chí ngay tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) khiến cho tất cả mọi người khi đến đây đều bùi ngùi xúc động.

TIN LIÊN QUAN

Suốt 113 năm, máu của hơn 20.000 chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước nhốm đỏ ở nhà tù Côn Đảo. Dù cho kẻ thù sử dụng thủ đoạn tàn bạo, thâm độc nhất vẫn không thể khuất phục được trái tim của những chiến sĩ cộng sản kiên trung. Những người tù ở lao I chấp nhận cái chết để vẹn toàn khí tiết, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ uy tín của Đảng, của Bác Hồ, vẫn mãi được nhắc đến như những ngôi sao sáng trên bầu trời của chân lý cách mạng, trong số đó có đồng chí Lưu Chí Hiếu.

 

Mộ của đồng chí Lưu Chí Hiếu tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).
Mộ của đồng chí Lưu Chí Hiếu tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).


Đồng chí Lưu Chí Hiếu quê ở làng Hương Cát, xã Trực Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn ngày 3.7.1955 khi đang chỉ đạo cuộc biểu tình của nghiệp đoàn thợ giày đòi mở hội nghị hiệp thương tổng tuyển cử, đòi tự do cứu tế cho những đồng bào bị nạn. Ngày 6.2.1956 đồng chí bị lưu đày ra Phú Quốc, đến ngày 24.3.1957 bị lưu đày ra Côn Đảo.

Ánh sáng của lý tưởng cách mạng, của Đảng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng tâm hồn, hun đúc nên sức mạnh để người chiến sĩ cộng sản Lưu Chí Hiểu vững tin đấu tranh trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù ở chốn “địa ngục trần gian”. Đồng chí là một trong những người tiêu biểu đầu tiên và là người cuối cùng anh dũng hy sinh tại chuồng cọp vào đêm 24.12.1961 trong phong trào chống ly khai cộng sản của tù chính trị Côn Đảo dưới chế độ Ngô Đình Diệm.

Trong cuốn hồi ký “Bất Khuất”, đồng chí Nguyễn Đức Thuận (một trong 5 đồng chí còn sống trong phong trào chống ly khai cộng sản ở nhà tù Côn Đảo) kể lại, vài ngày trước lúc hy sinh, anh Hiếu ốm nặng, thổ ra máu ồng ộc, thấy thế địch càng xối nước dữ hơn.

Ngày 24.12.1961, anh Hiếu nói to với địch: “Nếu đêm nay còn đổ nước thì tôi đạp đầu tôi chết đấy”. Đêm đến, chúng tiếp tục xối nước. “Tao đập đầu đây”, anh Hiếu la to. Anh Hiếu đã dùng hết sức tàn còn lại vịn vào tường đứng lên và lao đầu vào vách  tường trước mặt, nhưng anh đã yếu quá rồi, không lao mạnh được. Anh Hiếu la lớn: “Lôi ra mà đánh cho chết đi. Đổ năm, bảy chục thùng nước cho chết đi. Tao không thèm ly khai đâu”. Địch càng xối nước mạnh hơn, chúng nước đổ xuống người anh Hiếu như thác chảy. “Cả chuồng cọp lặng đi. Chúng nó xối liền một lúc xuống anh Hiếu năm chục thùng nước. Chúng tôi đếm từng thùng nước mà đứt ruột đứt gan…

Gần sáng chúng nó kéo nhau đi, chúng tôi bèn bò đến bên tường giáp gian anh Hiếu áp tai lên nghe xem anh còn thở hay không. Có tiếng anh rên khe khẽ. Chúng tôi hỏi vọng sang: Thế nào anh Hiếu… có sao không? Chúc các đồng chí ở lại mạnh khỏe, tôi đi trước nhá!”. Cái chết oanh liệt của đồng chí Lưu Chí Hiếu đã chặn đứng đợt khủng bố của kẻ thù. Buổi sáng ngày 11.1.1962, tên đại tá Bùi Văn Tám-Phụ tá Tỉnh trưởng, phụ trách an ninh, đứng trước cửa chuồng cọp nói với năm đồng chí còn sống: “Vũ lực không thể thắng nỗi trái tim những người cộng sản”. Tên Tám đã bỏ kiểu khủng bố, truy bức tư tưởng đối với năm chiến sĩ chống ly khai còn lại.

 Chuồng cọp ở Côn Đảo, nơi đồng chí Lưu Chí Hiếu và nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung bị địch giam cầm, tra tấn dã man.
Chuồng cọp ở Côn Đảo, nơi đồng chí Lưu Chí Hiếu và nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung bị địch giam cầm, tra tấn dã man.


Sự hy sinh anh dũng của đồng chí Lưu Chí Hiếu đã để lại đau thương, mất mát lớn trong lòng của những người tù bị giam cầm ở Côn Đảo lúc bấy giờ. Càng thương, càng nhớ đồng chí Lưu Chí Hiếu, những người tù ở Côn Đảo như thổi bùng ngọn lửa của lòng căm phẫn, thêm nguồn sức mạnh để đấu tranh chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc kẻ thù. Tên gọi của đồng chí Lưu Chí Hiếu được dùng để đặt tên cho đảng bộ của lực lượng tù chính trị câu lưu bảo vệ khí tiết cách mạng ở trại 6-khu B. Đảng bộ Lưu Chí Hiếu là tiền thân của Đảo ủy lâm thời Côn Đảo ngày giải phóng 30.4.1975. Ngày 23.2.2010, đồng chí Lưu Chí Hiếu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ở địa ngục trần gian khét tiếng, những chiến sĩ cộng sản đã đấu tranh kiên cường, bất khuất để giữ vững khí tiết, bảo vệ uy tín của Đảng, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng và đã viết nên khúc tráng ca bi hùng. 

Ông Lê Quang Ba-Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Ngãi, người từng bị địch giam cầm nhiều năm ở Côn Đảo kể rằng, để đương đầu với kẻ thù tàn bạo, những chiến sĩ cách mạng luôn giữ vững niềm tin vào Đảng Cộng sản, noi theo tấm gương hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước, trong đó có tấm gương kiên trung của đồng chí Lưu Chí Hiếu, đó là nguồn sức mạnh không gì có thể khuất phục. Và, sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ cộng sản kiên trung ở Côn Đảo mãi mãi là tấm gương sáng để thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay và mai sau noi theo để sống và cống hiến vì mục tiêu cao đẹp của Đảng, vì nước, vì dân./.  

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 



 
    
 


.