Tết trồng cây: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

08:02, 22/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng lời phát động “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và trở thành hoạt động thường niên của nhân dân khắp cả nước mỗi khi Tết đến, Xuân về…

TIN LIÊN QUAN


Từ việc  “giữ” xuân…

Ngày 28.11.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh. Và ngay lập tức, “Mùa xuân là Tết trồng cây” được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện, trở thành hành động ý nghĩa và thiết thực vào mỗi dịp đầu Xuân trong suốt 57 năm qua.

"Tết trồng cây" là nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam và ngày càng lan tỏa sâu rộng trước sự biến đổi của khí hậu.


Theo cựu chiến binh Trần Văn Lân (85 tuổi), thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), 50 năm trước, trồng cây đầu năm là việc làm thiêng liêng và cao cả. Vậy nên chỉ những ai được bà con trong thôn tín nhiệm và tin tưởng “mát tay” mới được tham gia việc đào hố, đặt cây. “Bà con quan niệm trồng cây đầu năm là thể hiện sự kính trọng với đất trời để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vậy nên nhỡ cây có mệnh hệ gì là cả năm ấy người dân trong thôn không yên tâm”, ông Lân lý giải.

Còn cựu chiến binh Nguyễn Đây, thôn 2, xã Đức Chánh (Mộ Đức) vẫn nhớ như in cảm xúc “lâng lâng hạnh phúc” khi lần đầu tiên được chọn vào đội trồng cây nhân dịp Tết Mậu Thân 1968. “Chỉ mỗi việc khiêng cây đặt vào hố thôi nhưng tôi xúc động, căng thẳng đến nỗi tay chân run hoài, mãi mới làm được”, ông Đây nhớ lại.
 

Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Bính Thân 2016. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây”; vận động đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tác dụng to lớn của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, góp phần giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức trồng, quản lý, bảo vệ để đảm bảo tỷ lệ cây sống cao; đồng thời tập trung chăm sóc số cây đã được trồng từ những năm trước để cây trồng sinh trưởng tốt...

...đến “giữ” sự sống

Trải qua 57 năm, phong trào “Tết trồng cây” vẫn còn nguyên giá trị. Và giữa lúc tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hạn hán lũ lụt xảy ra ngày càng khốc liệt đã đe dọa đến cuộc sống của người dân thì “Tết trồng cây” lại càng có ý nghĩa. Đặc biệt là ở các vùng đất trống, đồi trọc, vùng ven biển, thấp trũng... “trồng cây không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn bảo vệ chính sự sống của mỗi người". Thông điệp này sẽ được các cơ quan, đơn vị và người dân biết, hiểu trọn vẹn hơn qua hoạt động “Tết trồng cây” được tổ chức thường niên vào mỗi dịp đầu xuân”, ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2016, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị những nhóm cây phù hợp, sẵn sàng cung ứng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội và người dân thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Tết Bính Thân 2016.

Tại Trạm giống cây lâm nghiệp Bình Hiệp, thuộc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi, đến tận 29 tháng Chạp nhưng đơn vị vẫn miệt mài vận chuyển, giao cây và hướng dẫn kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Năm nay, Trạm đã chuẩn bị hơn 10.000 cây thuộc các nhóm: Cây cảnh quan; cây ăn quả; cây trồng lấy gỗ… Theo đánh giá của ông Trần Mậu Thùy - Trưởng Trạm giống cây lâm nghiệp Bình Hiệp thì đặc tính của những loại cây trên là dễ trồng, phát triển nhanh, bóng che lớn và quả khô, rất ít rụng nên không gây ô nhiễm môi trường.

Dù “Tết trồng cây” đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng tổ chức, đơn vị tham gia đối phó! Nghĩa là trồng cây xong rồi… để đó mà không chăm sóc khiến cây còi cọc, thậm chí chết dần chết mòn nên rất lãng phí, lại mất mỹ quan. Chấn chỉnh tình trạng này, ông Dương Văn Tô cho rằng, ngoài việc đơn vị cung ứng cây hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể... phải phân công người trực tiếp quản lý và chăm sóc cây. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng sẽ trực tiếp kiểm tra và nghiệm thu đánh giá tỷ lệ cây sống thực tế để báo cáo UBND tỉnh. Theo đó, tỷ lệ sống của nhóm cây phân tán phải đạt 100%, còn cây rừng phải đạt trên 80%.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.