Quảng Ngãi: Dấu ấn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng

06:01, 23/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với cả nước, Đại hội VI (năm 1986) của Đảng được coi là cánh cửa rộng lớn mở lối đi căn bản cho nhân dân Quảng Ngãi. Từ đường lối đổi mới của Đảng được khởi xướng từ Đại hội này, Quảng Ngãi được trở về với tên gọi vốn có ngày xưa. Cũng từ đây, Đảng bộ tỉnh đã tự thân vận động, lãnh đạo khơi dậy nội lực, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ ngành Trung ương, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên.

TIN LIÊN QUAN

 

 

“Phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng bộ tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ qua, tôi mong rằng, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng nhau đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2016; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần chào mừng Đại hội XII của Đảng…”
Đồng chí Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (ảnh).

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước ta thống nhất cho chủ trương sáp nhập một số tỉnh, với mong muốn nâng quy mô địa giới cấp tỉnh, để phát huy tiềm năng kinh tế, lợi thế về nguồn lực con người để phát triển kinh tế - xã hội, nhằm “tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội”. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện thì hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Ở Quảng Ngãi lúc bấy giờ cũng vậy, do cùng chung tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định), cơ quan, công sở đầu ngành đều đóng ở Quy Nhơn, trong khi giao thông đi lại cách trở. Vì thế, công tác chỉ đạo, kiểm tra thực tế công việc ở các huyện phía bắc tỉnh không kịp thời, nên một thời gian dài sau giải phóng nhưng kinh tế - xã hội vẫn chậm phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, kinh tế nông nghiệp, thủy sản; đời sống phần lớn nông dân đều khó khăn. “Nguyên nhân của thực trạng trên một phần do phải tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh để lại khá nặng nề, một phần do Đảng và Nhà nước ta duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, dẫn đến kìm hãm sức bật của nền kinh tế, đặc biệt là việc khai thác các nguồn lực trong xã hội”, tiến sĩ Nguyễn Kim Hiệu - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhận định.

Đây cũng là thực trạng chung của nền kinh tế cả nước lúc bấy giờ. Và thực tế đó cũng đã được đặt lên bàn nghị sự tại Đại hội VI (1986) của Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, Đại hội đã đề ra quyết sách khởi nguồn cho công cuộc đổi mới, nhằm sớm đưa đất nước sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế. Với tinh thần đổi mới đó, Quảng Ngãi là địa phương tiên phong kiến nghị xin tách tỉnh và đã được Đảng, Nhà nước cho chủ trương. “Tuy nhiên, xác định đây là một việc hệ trọng của đất nước lúc bấy giờ, nên dù được bàn từ năm 1986, song đến năm 1989 Trung ương mới quyết định chọn tỉnh Nghĩa Bình làm trước, tách ra thành tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Những năm sau đó, một loạt các tỉnh khác trong cả nước tiếp tục được thực hiện”, ông Từ Tân Vũ - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhớ lại.

Cũng từ “luồng gió mát” của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, Quảng Ngãi được Trung ương cho đầu tư công trình thủy lợi Thạch Nham, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền nông nghiệp Quảng Ngãi. Đến bây giờ, dù công trình đã đưa vào sử dụng hơn 20 năm, nhưng khi nhắc đến, trên gương mặt người nông dân Quảng Ngãi luôn rạng ngời niềm vui. Ông Nguyễn Đức Thanh ở thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, kể: “Dòng nước Thạch Nham về không chỉ làm xanh lại những cánh đồng lúa, hoa màu khô cằn do thiếu nước tưới mà còn tắm mát cho cả con người và gia súc. Không chỉ nông dân Tịnh Thọ mà trong toàn tỉnh đều phấn khởi, đâu đâu cũng nghe nói về Thạch Nham”. Cùng với đó, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật được đưa vào ứng dụng, nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

NMLD Dung Quất được xây dựng tại Quảng Ngãi đã làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh.                                                                                                                                  Ảnh: HOÀNG TRIỀU
NMLD Dung Quất được xây dựng tại Quảng Ngãi đã làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Nhưng rồi, để vươn tầm ra khu vực các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên thì không thể chỉ tập trung sản xuất nông nghiệp. Vì thế, bắt đầu từ Đại hội XV (1995-2000) Đảng bộ tỉnh đã đề ra quyết sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ; đồng thời khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp để ổn định nguồn lương thực. Từ đây, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, giao thông miền núi; hạ tầng kỹ thuật các KCN Quảng Phú, Tịnh Phong, KKT Dung Quất và mới đây là KCN VSIP Quảng Ngãi... được tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn lực. Nhiều công trình, dự án, sản phẩm lớn có tầm quốc gia, như NMLD Dung Quất, DoosanVina, các sản phẩm của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi... đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao vị thế sản phẩm công nghiệp Quảng Ngãi.  

“Trong lĩnh vực công nghiệp, Quảng Ngãi cũng là địa phương tiên phong đề ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hợp lý để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cơ chế nguồn lực con người trong hệ thống chính trị và đổi mới tư duy lãnh đạo, phát triển kinh tế của Đảng bộ tỉnh”, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Kim Hiệu cho biết. Sự bứt phá đó đã đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn của cả nước (năm 2015 thu 33.840 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người 2.485 USD); giải quyết việc làm cho khoảng 15 nghìn người trong lĩnh vực công nghiệp, góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững (trung bình mỗi năm giảm 3,23% hộ nghèo)…

 Ghi nhận những thành quả đạt được trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhân dân và cán bộ tỉnh; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.


PHÚ ĐỨC


 


.