Kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016)
Thực hiện tốt phương châm "nghe dân nói, nói dân nghe"

09:01, 06/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là trao đổi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ  với PV Báo Quảng Ngãi nhân Kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2016).
 
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cách đây 70 năm, ngày 6.1.1946  đã ghi vào lịch sử Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi, ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội khoá I, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đầu tiên của chính quyền nhân dân. Đó là bước ngoặc trọng đại trong lịch sử đất nước, mở ra trang sử mới của dân tộc ta.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ (đầu tiên bên phải) trao đổi với các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ (đầu tiên bên phải) trao đổi với các đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIII.


Trong 13 khóa Quốc hội, Đoàn ĐBQH của tỉnh đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của Quốc hội. Đối với Quốc hội khóa XIII, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống những khóa trước, luôn là một thành viên tích cực của Quốc hội Việt Nam.

Đối với công tác xây dựng pháp luật, thông qua các cuộc khảo sát thực tiễn, tiếp xúc cử tri, làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp nhận và kịp thời phản ánh, đề xuất nhiều vấn đề xuất phát từ thực tiễn ở Quảng Ngãi lên diễn đàn Quốc hội. Cụ thể là, trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo, Quảng Ngãi được đánh giá là địa phương có đội tàu  đánh bắt xa bờ lớn nhất nước, chủ yếu hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng phần lớn tàu có công suất chưa đủ mạnh, tàu vỏ gỗ, nên hiệu quả hoạt động dài ngày trên biển thấp. Trước thực trạng đó, các vị ĐBQH của tỉnh đã kiến nghị và được Chính phủ đồng ý cho triển khai đóng mới tàu vỏ thép để phục vụ đánh bắt xa bờ. Đồng thời, qua đó Chính phủ đã quan tâm đầu tư vốn xây dựng các vũng neo đậu tàu thuyền, hậu cần nghề cá, bảo hiểm cho ngư dân…

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã có những phản ánh kịp thời đến các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ… về những tồn tại, bất cập trong phát triển kinh tế, xã hội thuộc tầm vĩ mô, như chính sách cho hộ nghèo, đồng bào miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số... Những phản ánh đó cơ bản được Chính phủ tiếp nhận và điều chỉnh ngày một hợp lý hơn. Đặc biệt là, Chính phủ đã điều tiết nguồn thu ngân sách từ NMLD Dung Quất, giúp tỉnh có điều kiện phát triển bền vững hơn.

Công tác giám sát có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là giám sát thông qua công tác chất vấn. Đoàn ĐBQH tỉnh ta và Quốc hội khóa XIII nói chung đã có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nói lên được tiếng nói của người dân. Qua hoạt động giám sát đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, giúp Chính phủ, chính quyền địa phương soi xét lại những bất cập trong quá trình điều hành. Các vị ĐBQH của tỉnh đã góp một phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng; nâng cao đời sống nhân dân…

-PV: Vậy theo đồng chí, để hoàn thành chức trách là người đại biểu của Nhân dân trong thời gian đến, mỗi ĐBQH cần phải thực hiện những vấn đề gì?

Đồng chí Lê Viết Chữ: Theo tôi, mỗi ĐBQH cần thực hiện tốt phương châm: “Nghe dân nói, nói dân nghe”, thường xuyên gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe và nắm bắt đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chú trọng đến chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Từ đó, trực tiếp giải thích đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân; đưa ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân vào trong các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đồng chí Vũ Trọng Kim- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Quảng Ngãi trao quà cho ngư dân Lý Sơn.
Đồng chí Vũ Trọng Kim- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Quảng Ngãi trao quà cho ngư dân Lý Sơn.


Trong hoạt động lập pháp, việc ban hành được nhiều luật, bộ luật là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là pháp luật phải phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và sớm đi vào cuộc sống. Do vậy, công tác xây dựng luật phải chú trọng đến chất lượng, cải tiến quy trình lập pháp khoa học, chặt chẽ, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động lập pháp. Để làm được điều này đòi hỏi mỗi ĐBQH phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tham gia vào các dự án luật. Phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, người có am hiểu về pháp luật và có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để nghiên cứu, góp ý đối với các dự án luật nhằm góp phần bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của các văn bản pháp luật được ban hành.

- PV: Đối với hoạt động giám sát cần phải tiếp tục đổi mới như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Viết Chữ: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát, khắc phục tình trạng giám sát chỉ nặng về chiều rộng mà thiếu chiều sâu; tăng cường giám sát theo chuyên đề, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, trong đó có trách nhiệm trả lời việc xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân, việc thực hiện những cam kết khi trả lời chất vấn. Khắc phục tình trạng nể nang trong giám sát đi đôi với khắc phục những nhận thức không đúng về hoạt động giám sát. Tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn theo hướng tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc, thúc đẩy việc giải quyết những vấn đề được chất vấn. Cải tiến quy trình, phương thức tiến hành giám sát. Tăng cường các điều kiện hỗ trợ cho hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Chú trọng trao đổi thông tin hai chiều về hoạt động giám sát giữa Đoàn ĐBQH, ĐBQH với HĐND địa phương về kết quả giám sát tại địa phương và giữa Đoàn ĐBQH, HĐND với các cơ quan của Quốc hội.

Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, phát huy tốt hơn nữa vai trò, hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH để tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, sự đồng thuận, nhất trí cao của Đoàn ĐBQH, của từng cá nhân ĐBQH, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của cử tri và nhân dân là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Năm 2016 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tôi yêu cầu các cấp ủy đảng cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, bảo đảm cơ cấu theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng đại biểu để hoạt động của Đoàn ĐBQH khoá mới đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới của đất nước và của địa phương.

Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn ĐBQH  và ĐBQH thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, có đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng!.

-PV: Xin cảm ơn  đồng chí!


Phú Đức (thực hiện)



 


.